07/12/2010 - 09:35

Xung quanh vụ Anh bắt giữ nghi can gián điệp Nga

Chính quyền Anh vừa bắt giữ một phụ nữ làm trợ lý cho một nghị sĩ vốn là thành viên Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện ở nước này vì tình nghi là gián điệp của Nga. Đây được coi là động thái có thể làm rạn nứt mối quan hệ thường xuyên hục hặc giữa Luân Đôn và Mát-xcơ-va.

Theo nhiều nguồn tin nước ngoài, Ekaterina Zatuliveter (ảnh), nữ trợ lý 25 tuổi của dân biểu đảng Dân chủ Tự do (LDP) Mike Hancock, đã bị bắt giữ hôm 5-12, và có thể bị trục xuất. Ông Hancock cho biết theo lệnh bắt được Bộ trưởng Nội vụ Theresa May phê chuẩn, lý do là vì “sự có mặt của Zatuliveter ở Quốc hội Anh không có lợi cho dư luận”. Cả Hancock và Zatuliveter đều tuyên bố sẽ kháng nghị.

Theo ông Hancock, Zatuliveter là con gái của một thương gia Nga có mối quan hệ tốt với Anh, đã tới Anh 3 năm trước, hoàn tất bằng cấp thạc sĩ tại Đại học Bradford và được “sàng lọc kỹ” để làm việc cho ông theo hộ chiếu 2 năm rưỡi.

Một số nguồn tin cho biết Cơ quan phản gián Anh (MI5) đã bắt đầu điều tra Zatuliveter từ tháng 8 năm nay, khi cô bị chặn lại tại sân bay Gatwick trên đường trở về sau kỳ nghỉ ở Croatia với bạn bè. Zatuliveter bị cáo buộc lợi dụng vị trí của mình để thu thập tài liệu nhạy cảm của chính phủ Anh, sau khi nhiều câu hỏi chất vấn được chuyển tới văn phòng của ông Hancock, yêu cầu báo cáo tóm tắt về kho vũ khí hạt nhân và vị trí các căn cứ tàu ngầm quốc tế của Anh. Các câu hỏi chất vấn còn đề cập tới những vấn đề khác như yêu cầu “cập nhật số lượng plutonium, uranium làm giàu và các nguyên liệu hạt nhân đặc biệt khác...”. Vẫn chưa rõ liệu những hoài nghi về mối liên quan giữa Zatuliveter với Cơ quan tình báo nước ngoài Nga (SVR) xảy ra trong các chuyến đi ra nước ngoài của cô hay trong lúc cô đang ở Anh. Tuy nhiên, lệnh trục xuất Zatuliveter được xem là hồi kết của cuộc điều tra về những mối quan hệ của cô này.

Nghị sĩ Hancock cho rằng cáo buộc trợ lý của ông làm gián điệp là “chuyện hoàn toàn nhảm nhí” và thách thức các nhà điều tra tìm được bằng chứng. Tuy nhiên, những mối quan hệ của ông Hancock với Nga cũng bị một số cựu quan chức Anh lật lại với sự hoài nghi. Dân biểu 64 tuổi này đang đối mặt với nhiều nghi vấn về quyết định tuyển dụng Zatuliveter, người từng viết bài chỉ trích NATO và bảo vệ hành động quân sự của Nga tấn công Gruzia tháng 8-2008. Ông Hancock còn bị coi là nhà vận động cho Nga và thậm chí là đồng tác giả của những đề nghị điều chỉnh chính sách của Anh theo hướng thân Nga. Hancock xác nhận rằng đã tới Nga năm 2008 và 2009, nhưng không nhớ chính xác số lần đến Nga trong 10 năm qua.

MI5 tuyên bố vụ này là thành công lớn của họ, sau khi cảnh báo rằng tình báo Nga đang đổ sang Anh với danh nghĩa kinh doanh hoặc nghiên cứu nhằm do thám hoặc tuyển mộ điệp viên. Hơn 170.000 người Nga tới Anh mỗi năm và khoảng 2.000 người được nhận vào các trường đại học.

Trong khi đó, truyền thông Nga cho rằng một số người Anh đang muốn trút cơn giận của họ sau khi đã để vuột mất quyền đăng cai World Cup 2018 vào tay Nga. Báo Komsomolskaya Pravda số ra ngày 6-12 viết: “Đây giống như một sự trả đũa của Anh với Nga về bóng đá, bởi mọi thứ khá lạ lùng. Tình huống này không thể hiểu được. Họ bắt giữ một điệp viên bị tình nghi, nhưng lại thông báo rằng cô ta không chống lại nước Anh. Vì sao việc trục xuất lại ồn ào như vậy? Phải chăng họ muốn tuyên bố trên một mặt trận khác họ đã thắng Nga?”

Theo các nhà phân tích, căng thẳng về việc bắt giữ Zatuliveter có thể làm “băng giá” mối quan hệ Anh - Nga, vốn chưa được khắc phục sau khi Nga từ chối dẫn độ cựu nhân viên Cơ quan tình báo nước ngoài thời Liên Xô (KGB) Andrei Lugovoi, nghi can ám sát Alexander Litvinenko, một cựu nhân viên KGB khác, tại Anh năm 2007.

N. MINH
(Theo Guardian, WSJ, AFP)

N. MINH (Theo Guardian, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết