23/03/2009 - 08:32

Xung quanh việc Thủ tướng Hungary tuyên bố từ chức

Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany cho biết sẽ chính thức thông báo với Quốc hội về quyết định từ chức vào hôm nay 23-3, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới trong vòng hai tuần để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Tại đại hội của đảng Xã hội cầm quyền ngày 21-3, Thủ tướng Gyurcsany nói rằng ông từ chức vì bị coi là “cản ngại” đối với một chính phủ ổn định, điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách kinh tế. Như vậy, Hungary có thể sẽ trở thành quốc gia châu Âu thứ ba có chính phủ bị sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, sau Iceland và Latvia.

Ông Gyurcsany có thật sự muốn từ chức hay không vẫn còn là một câu hỏi. Ảnh: AP 

Kinh tế Hungary được dự báo sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp hiện lên tới 8,4% và vẫn đang tiếp tục tăng. Thâm hụt ngân sách cũng khó được khống chế ở mức dưới 3% GDP theo cam kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU). Cuối năm ngoái, Hungary đã phải cầu cứu IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và EU để được vay 20 tỉ euro. Tuy nhiên, số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Đầu năm nay, Thủ tướng Gyurcsany đề nghị EU thành lập quỹ giải cứu đặc biệt trị giá 190 tỉ euro dành cho các nước Đông Âu gặp khó khăn về tài chính, nhưng đã bị các nước giàu trong khối thẳng thừng bác bỏ. Kinh tế đình đốn khiến uy tín của ông Gyurcsany sụt giảm mạnh, hiện tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 18% và là mức thấp nhất đối với một thủ tướng kể từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Hungary sụp đổ năm 1990. Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Xã hội cũng “tuộc dốc không phanh” xuống 23%, thua xa đảng trung hữu đối lập Fidesz (62%). Thật ra, danh tiếng của Thủ tướng Gyurcsany bắt đầu bị tổn hại từ năm 2006 sau khi đài phát thanh quốc gia công bố nội dung một cuộc họp của đảng Xã hội, trong đó ông thừa nhận đã nói dối về thực trạng nền kinh tế để giúp đảng này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 4 năm đó.

Theo Thủ tướng Gyurcsany, sau khi ông từ chức, đảng Xã hội sẽ chỉ định một nhân vật thay thế và người này sẽ chính thức trở thành thủ tướng nếu được Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, đảng Fidesz tuyên bố không đồng tình với phương án trên, đồng thời yêu cầu tổng thống giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Trong tình hình hiện nay, dĩ nhiên là đảng Xã hội không chấp nhận bầu cử sớm.

Đáng chú ý là vài giờ sau khi công bố ý định từ chức, Thủ tướng Gyurcsany đã được đảng Xã hội bầu lại làm chủ tịch đảng với tỷ lệ ủng hộ trên 80%. Điều đó cùng với việc ông Gyurcsany không hề đề cập tới nhân vật nào sẽ kế nhiệm khiến người ta nghi ngờ động thái “hăm he” từ chức của chính khách 47 tuổi này chỉ là chiến thuật nhằm củng cố lại uy tín đang sụt giảm của mình.

LÊ DÂN (Theo Bloomberg, euronews)

Chia sẻ bài viết