01/10/2010 - 08:13

Xử trí rắn cắn theo y học cổ truyền

Bs CKI VŨ ĐÌNH QUỲNH
Bệnh viện Y học cổ truyền TP. Cần Thơ

Khi bị rắn cắn, dù là rắn độc hay rắn thường cũng cần có bước xử trí ban đầu. Bởi việc xử trí ban đầu khi bị rắn cắn hết sức quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tử vong.

Cây Kim vàng là một trong những vị thuốc kết hợp dùng để trị rắn cắn. Ảnh: Đ.Q

ĐBSCL với hệ thống kênh rạch chằng chịt, là nơi thích hợp cho nhiều loại rắn sinh sống. Hàng năm, khi mùa nước lớn đổ về cũng là thời điểm số người bị rắn cắn tăng lên. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều nạn nhân không nhận biết được bị loại rắn nào cắn hoặc không nhìn thấy được loại rắn đã cắn. Cũng có trường hợp chủ quan hoặc không biết đã bị rắn cắn nên đưa đến bệnh viện khá muộn.

Tùy theo loại rắn, có loại cắn chỉ gây đau nhức kèm theo ngứa nơi vết cắn giống như nhiều loài côn trùng khác; có loại gây đau nhức, phù nề, hoại tử vết thương... Khi bị rắn cắn dù không nhận biết được là rắn độc hay rắn thường nạn nhân cũng cần được xử trí bước đầu rồi nhanh chóng đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong 1 giờ đầu, hiệu quả điều trị sẽ rất cao và hiệu quả điều trị giảm nhiều hoặc không còn đạt hiệu quả sau 24-48 giờ. Trường hợp có thể thì nên đập chết và mang rắn theo để bác sĩ nhận dạng và có hướng điều trị thích hợp.

Sau đây là các bước xử trí ban đầu theo y học cổ truyền:

- Buộc và kiểm tra ga rô: Buộc ga rô đúng cách là vị trí buộc dây phía trên vết cắn từ 3-4 cm nhưng phía dưới còn bắt được mạch. Mục tiêu của buộc dây ga rô là ngăn cản máu tĩnh mạch trở về tim. Nạn nhân bị rắn cắn hoặc nghi ngờ bị rắn cắn thường buộc ga rô quá chặt, quá xa vết cắn hoặc dây ga rô bị lỏng. Do vậy, cần phải kiểm tra lại ga rô trước khi thực hiện cấp cứu cho người bệnh.

- Làm sạch vết cắn: sau khi rửa sạch vết cắn bằng dung dịch ô xy già, dùng trái chanh tươi cắt đôi chà xát liên tục lên vết cắn đồng thời nặn nhẹ quanh vết cắn cho chảy máu hoặc rướm máu ra.

- Dùng thuốc điều trị tổng hợp:

+ Dùng khoảng 20g lá Kim vàng tươi giã nát trộn với 5g bột phèn phi sau đó vắt lấy nước uống còn xác đắp trên vết cắn.

+ Rượu hội 10ml pha với 30 ml nước uống, cứ 15 phút uống 01 lần, không quá 5 lần/ 24 giờ.

+ Dùng dịch truyền để giữ mạch, dùng huyết thanh kháng nọc rắn (nếu có) và một số loại thuốc điều trị triệu chứng.

Trên thực tế, ở nhà ngay khi bị rắn cắn cần nhanh chóng buộc ga rô đúng cách đồng thời dùng ngay lá Kim vàng và phèn phi kết hợp giữ ấm và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Cần lưu ý, để đạt được kết quả cao trong chữa trị rắn cắn phải dùng huyết thanh kháng nọc rắn là loại thuốc được bảo quản và sử dụng tại bệnh viện.

Các loại rắn có độc tố ảnh hưởng thần kinh như hổ mang, rắn ráo... cắn ít đau nhưng chân tê bại, mệt mỏi, buồn ngủ, nôn, mạch yếu, tụt huyết áp, khó thở, hôn mê rồi tử vong sau khoảng 6 giờ. Rắn lục có độc tố gây xuất huyết. Toàn chi bị rắn cắn đau dữ dội, da đỏ bầm, sưng phù chỗ cắn, có những đám xuất huyết, có thể gây hoại tử nếu không điều trị kịp thời có thể đoạn chi. Rắn không độc cắn thường thì vết cắn không đau, không phù, không có cảm giác tê bại.

Rắn thường ẩn nấp trong các hang hốc, bụi rậm, treo mình trên cây rậm rạp... Chúng thường bò đi kiếm ăn vào ban đêm, mùa nước nổi, chúng có thể bò vào nhà kiếm mồi... Để phòng bị rắn cắn, khi đi lại trong đêm phải hết sức cẩn thận, nên mang theo đèn để rọi sáng đường đi, nên đi ủng khi vào khu vực tối tăm, ẩm thấp, có hang hốc... Cũng có thể dùng gậy dài để xua đuổi rắn trên đường đi...

Chia sẻ bài viết