03/01/2023 - 08:59

Xu hướng tiêu thụ thực phẩm bền vững với môi trường 

HOÀNG ÐIỂU (Express.co.uk, Guardian)        

Một nghiên cứu ở châu Âu phát hiện giới trẻ sẵn sàng ăn các loại thực phẩm tiềm năng của tương lai và ít tác động môi trường. Trong khi đó, nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng dán nhãn tác động khí hậu lên thực phẩm là khiến người tiêu dùng giảm hoặc ngừng lựa chọn các thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Nhiều nước trên thế giới dần chấp nhận thịt nhân tạo và côn trùng vì sức khỏe và tính bền vững. Ảnh: GettyImages

Người trẻ sẽ tiên phong tiêu thụ thực phẩm bền vững

Nghiên cứu đầu tiên được phối hợp thực hiện bởi Ðại học Reading (Anh) và cơ quan đánh giá niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành thực phẩm TrustTracker thuộc Viện Ðổi mới & Công nghệ Châu Âu (EIT). Theo đó, các chuyên gia đã khảo sát 23.000 người tiêu dùng từ 18 quốc gia khác nhau về quan điểm của họ đối với thực phẩm được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - còn gọi là thịt nhân tạo - và triển vọng sử dụng côn trùng làm nguyên liệu thực phẩm.

Kết quả cho thấy 49% những người trong độ tuổi 18-24 sẵn sàng ăn thịt nhân tạo so với chỉ 26% những người từ 65 tuổi trở lên. Chỉ có 7% những người trẻ tuổi bày tỏ sự phản đối với thịt nhân tạo, so với 22% ở nhóm người lớn tuổi. Tương tự, những người trong độ tuổi 18-24 cũng là đối tượng không quyết liệt thể hiện sự bất đồng đối với tuyên bố “Tôi sẵn sàng tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm làm từ protein côn trùng”. Giáo sư Richard Bennet - một chuyên gia kinh tế nông nghiệp và là tác giả báo cáo - nhận định đây là một kết quả thú vị cho tương lai của thực phẩm bền vững. “Những người trẻ tuổi có xu hướng trở thành những người tiên phong trong việc thay đổi thói quen ăn uống. Theo thời gian, họ có khả năng tác động để những người lớn tuổi xung quanh làm theo” - ông nói thêm.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng bất cứ ai cũng đều muốn biết thêm về lợi ích sức khỏe và mức độ an toàn của những loại thực phẩm mới này. Do đó, “nếu muốn thấy những nguồn protein mới, bền vững này được sử dụng, điều quan trọng là chúng ta phải có một kế hoạch truyền thông toàn diện để giải quyết mọi mối lo của người tiêu dùng” - Giáo sư Bennet đề xuất.

Các chuyên gia cũng tiến hành thêm một cuộc khảo sát chuyên sâu đối với 2.400 người tiêu dùng ở 6/18 quốc gia đã được thăm dò. Kết quả cho thấy 58% người tiêu dùng phản đối ăn các sản phẩm làm từ côn trùng là do “ý nghĩ ăn côn trùng khiến tôi ghê tởm”. Tuy nhiên, có hơn 60% số người được hỏi nói rằng họ có thể bị thuyết phục tiêu thụ thực phẩm làm từ côn trùng trong một số trường hợp nhất định, bao gồm để làm lợi cho môi trường, vì tính bền vững và dinh dưỡng, hoặc thưởng thức thực phẩm giá rẻ và ngon.

Theo các nhà nghiên cứu, quan điểm của công chúng về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và thực phẩm từ côn trùng cũng khác nhau giữa các nước. Israel là quốc gia ủng hộ rộng rãi nhất đối với thịt nhân tạo, với 49% những người được hỏi sẵn sàng dùng thử những sản phẩm như vậy. Ngược lại, những người ở Cộng hòa Séc thận trọng nhất, khi chỉ có 25% nói rằng họ sẽ ăn thịt nhân tạo. Ðan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan và Vương quốc Anh là những nước có tỷ lệ chấp nhận thực phẩm làm từ côn trùng cao nhất.

Dán nhãn tác động khí hậu giúp giảm tiêu thụ thịt đỏ

Một thử nghiệm tiến hành bởi hai trường đại học John Hopkins và Harvard (Mỹ) phát hiện ra rằng người tiêu dùng sẽ có phản ứng nếu thực phẩm được dán nhãn tác động khí hậu.

Cụ thể, đối tượng nghiên cứu là người trưởng thành được cho xem thực đơn thức ăn nhanh và chọn món cho bữa tối. Họ được chọn 1 trong 3 thực đơn có dán nhãn khác nhau: nhãn QR không có ý nghĩa gì (để đối chứng); nhãn tác động khí hậu thấp màu xanh lá cây trên thịt gà, cá hoặc đồ chay; nhãn tác động khí hậu cao màu đỏ trên các mặt hàng thịt đỏ. Thực đơn nhãn xanh có nghĩa “Mặt hàng này bền vững với môi trường, tạo ra khí thải nhà kính thấp và ít gây biến đổi khí hậu”, còn thực đơn nhãn đỏ nghĩa là “Mặt hàng này không bền vững với môi trường, tạo ra lượng khí thải nhà kính cao và góp phần lớn vào biến đổi khí hậu”.

Kết quả công bố trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy, khi được xem thực đơn dán nhãn đỏ, tỷ lệ người tham gia chọn món ăn thân thiện với môi trường cao hơn 23,5% so với khi họ chọn món trong thực đơn đối chứng. Khi được xem thực đơn dán nhãn xanh, tỷ lệ người tham gia chọn món ăn thân thiện với môi trường cũng cao hơn 9,9%. Ngoài ra, dựa trên điểm số có lợi cho sức khỏe, những người chọn thực đơn bền vững còn đánh giá đơn đặt món của họ tốt cho sức khỏe hơn so với những người chọn thực đơn không bền vững với môi trường.

Chia sẻ bài viết