06/11/2019 - 07:32

Xu hướng sử dụng sản phẩm thuần chay ngày càng lan rộng 

Từ bánh mì kẹp thịt thuần chay cho đến những đôi bốt không làm từ động vật... thị trường sản phẩm không sử dụng các thành phần từ động vật đang mở rộng tại Anh, trong bối cảnh người tiêu dùng xứ sở sương mù ngày càng có ý thức hơn về tình trạng biến đổi khí hậu.

Lewis Hamilton quảng bá bánh burger không thịt.

Nhân sự kiện Tháng Ăn chay Thế giới thường niên lần thứ 25 (bắt đầu từ ngày 1-11), công ty nghiên cứu thị trường Mintel đã công bố các số liệu cho thấy Anh đã vượt qua Đức để trở thành quốc gia có số lượng sản phẩm và thực phẩm thuần chay được tung ra thị trường nhiều nhất trong vòng một năm.

Theo Mintel, khoảng 16% số sản phẩm thực phẩm được tung ra thị trường Anh năm 2018 có gắn mác thuần chay, tăng gấp đôi so với mức 8% ghi nhận trong năm 2015, trong khi lĩnh vực này cũng đạt tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2018, lên mức 740 triệu bảng (955 triệu USD).

Không chỉ ở Anh, xu hướng sử dụng các sản phẩm thuần chay cũng đang lan rộng trên thế giới và được nhiều người nổi tiếng hưởng ứng mạnh mẽ. Nhạc sĩ - ca sĩ người Mỹ Lady Gaga đã cho ra mắt một dòng mỹ phẩm thuần chay trong năm 2019, trong khi nhà vô địch đua xe Công thức 1 Lewis Hamilton (người Anh) đã mở chuỗi cửa hàng bánh burger không có nhân thịt. Các thương hiệu thời trang, phụ kiện và dược mỹ phẩm như Adidas, Steve Madden, Marks & Spencer, H&M đã tung ra các dòng sản phẩm không làm từ động vật để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Chuỗi siêu thị Sainsbury, nhà bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Superdrug cũng nắm bắt được xu hướng này.

Chuỗi cửa hàng burger số 1 thế giới McDonald’s gần đây đã công bố một thử nghiệm về bánh mì kẹp không có nhân thịt ở Canada, trong khi phô-mai thuần chay luôn sẵn sàng phục vụ tại các chuỗi cửa hàng Pizza Hut ở Úc. Thực đơn thuần chay cũng được áp dụng với các hãng hàng không như United Airlines (Mỹ), Ryanair (Ireland), Hawaiian Airlines (Mỹ) và Cathay Pacific (Hong Kong/Trung Quốc).

Thuần chay là lối sống theo xu hướng không sử dụng các sản phẩm từ động vật và phản đối việc coi động vật như một sản phẩm thương mại. Những người sống thuần chay sẽ tránh sử dụng các thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc động vật, cũng như các sản phẩm liên quan tới động vật. Nhu cầu về các sản phẩm thuần chay đã gia tăng, trong bối cảnh Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố các số liệu cho thấy ngành chăn nuôi tạo ra tới 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và là một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn phá rừng quy mô lớn.

Thanh Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết