Những năm gần đây, đề thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngày càng sát với chương trình THPT. Chính vì thế, xu hướng luyện thi đại học tại các trường THPT mà học sinh đang học ngày càng tăng, bởi học tại trường “nhà”, học sinh ít tốn kém chi phí, gần nhà và có thể tích lũy kiến thức nâng cao ngay từ trên ghế nhà trường phổ thông. Tuy nhiên việc tổ chức các lớp ôn thi đại học tại trường THPT không phải dễ dàng
Ít chi phí, gần nhà, dễ tiếp thu...
Bạn Bùi Thanh Lâm, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Năm nay, tôi đăng ký dự thi ĐH vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Cần Thơ. Ngoài việc ôn luyện các môn thi THPT, tôi còn luyện thi thêm khối A (Toán, Lý, Hóa) tại trường vào buổi chiều hằng ngày. Luyện thi ở trường ít tốn kém, vì đỡ tốn kém cho việc ăn, ở. Thầy cô giảng dạy thân quen, không hiểu bài chỗ nào, tôi cũng dễ hỏi bài vở hơn”. Còn theo bạn Bùi Duy Thanh, cùng lớp với Lâm, tuy không đăng ký luyện thi ĐH tại trường nhưng Thanh cũng cho rằng, luyện thi ĐH tại trường sẽ giúp người học tích lũy dần kiến thức nâng cao, nhớ lâu, trao đổi bài vở với bạn bè thuận lợi hơn. Thanh Lâm và Duy Thanh đều là học sinh khá trong lớp. Bên cạnh việc nỗ lực “sôi kinh, nấu sử” chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, cả hai bạn đều dành thời gian ôn luyện thêm kiến thức nâng cao để ứng thí trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.
|
Giờ học môn lịch sử của học sinh lớp 12 Trường THPT Thới Lai. Ảnh: Đ.NG |
Nhiều năm qua, vào khoảng tháng 10 hằng năm, Trường THPT Thới Lai tổ chức khóa luyện thi ĐH tại trường ở các khối A, B (Toán, Sinh, Hóa), C (Văn, Sử, Địa) và D (Toán, Văn, Anh văn). Trường THPT Thới Lai hiện có 9 lớp 12, với 342 học sinh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ôn luyện thi ĐH đạt hiệu quả, trường tổ chức lớp luyện thi ĐH từ 17 giờ đến 19 giờ hằng ngày, kéo dài trong 8 tháng (chi phí 600 ngàn đồng/ khóa học). Hiện nay, trường đã tổ chức được 3 lớp (2 lớp khối A, 1 lớp khối C, riêng môn Anh văn thì học sinh đăng ký học riêng với giáo viên); mỗi lớp khoảng 30 học sinh. Thầy Nguyễn Thanh Sử, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “So với trước đây, áp lực về tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã dần giảm nhiệt. Các trường đang hướng đến mục tiêu nâng dần tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ. Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi ngày càng sát với chương trình THPT nên nhu cầu học sinh học các lớp luyện thi ĐH tại trường phổ thông ngày càng nhiều. Trong khi đó các khóa luyện thi ĐH cấp tốc, thời gian ngắn, lớp học đông nên học sinh tiếp thu kiến thức nâng cao sẽ gặp nhiều hạn chế”.
Chính những ưu việt của các lớp luyện thi ĐH ở các trường THPT nên những năm gần đây, hầu hết các trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ đều có mở khóa luyện thi ĐH hoặc các lớp phụ đạo, giảng dạy nâng cao giúp học sinh học ôn thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Chẳng hạn như các trường THPT: Thới Lai, Thốt Nốt, Hà Huy Giáp,... Trong đó, Trường THPT Hà Huy Giáp- trường vùng ven của TP Cần Thơ đã tổ chức ôn thi ĐH trong nhiều năm qua. Theo thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, nhằm giúp tất cả học sinh của trường có điều kiện học tập, trường tổ chức các lớp học rất đa dạng, như: học sinh có điều kiện về kinh tế có thể đăng ký học các lớp luyện thi ĐH tại trường, với mức học phí vừa phải (bình quân từ 45.000-50.000 đồng/ tiết); học sinh khó khăn có thể tham gia các lớp học phụ đạo, nâng cao kiến thức mà không phải đóng tiền...
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, trúng tuyển ĐH tăng
Nếu nhìn tổng thể bức tranh giáo dục chung của toàn thành phố sẽ thấy, những năm gần đây tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm ở các trường THPT, nhất là các trường vùng ven ngày càng tăng, như: THPT Hà Huy Giáp, THPT Thới Lai, THPT Trung An,... Đơn cử như THPT Hà Huy Giáp, theo thống kê của trường, cách đây 5 năm, số học sinh trúng tuyển vào ĐH chiếm dưới 10%, thì từ năm học 2008-2009 đến 2010-2011, số học sinh trúng tuyển đại học (nguyện vọng 1) trên 10%, thậm chí 20-30%; riêng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT từ năm học 2005-2006 đến 2009-2010 chiếm từ 93%-100%. Còn Trường THPT Thới Lai, năm học 2009-2010 và 2010-2011, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chiếm trên 90%, số học sinh trúng tuyển ĐH tăng dần theo từng năm (21 em trúng tuyển ĐH năm 2009; 52 em trúng tuyển ĐH năm 2010 và 78 em trúng tuyển ĐH năm 2011). So với mức sàn tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của TP Cần Thơ, tỷ lệ ở các trường trên chiếm khá cao. Theo thầy Nguyễn Thanh Sử, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thới Lai, kết quả có được là nhờ sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục, sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, giáo viên từng trường. Quan trọng hơn là ý thức tự học của học sinh và sự quan tâm của phụ huynh học sinh. Thầy Sử nói: “Giáo viên dạy các lớp luyện thi ĐH là những người có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. Ở mỗi khối thi, giáo viên đều soạn thảo giáo trình riêng, tập trung kiến thức ở các lớp 10, 11 và 12, kiến thức nâng cao hơn. Ví dụ, khối C, giáo viên sẽ xây dựng đề cương, học sinh soạn bài học và giáo viên sẽ chỉnh sửa lại, giúp học sinh nắm vững kiến thức, học hiểu. Còn với các khối thi còn lại, giáo viên dạy theo chuyên đề là chính. Đến gần cuối khóa học, giáo viên sẽ tổng hợp lại để giải đề cho học sinh ôn thi. Còn thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, cho rằng, những giáo viên giảng dạy các lớp luyện thi ĐH, lớp ôn thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký giáo án, chương trình. Trường phân luồng học sinh khá, giỏi riêng để các em học tiết học tự chọn, dành những tiết học phụ đạo để dạy những học sinh trung bình, yếu. Tất nhiên giáo viên đứng lớp phải là những người có kinh nghiệm giảng dạy, giỏi chuyên môn và quản lý tốt.
Mặc dù có nhiều nỗ lực để tổ chức lớp học ôn thi ĐH tại trường nhưng theo cán bộ quản lý các trường, khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất, phòng ốc ở các trường đều ít so với qui mô của trường. Thầy Sử nói: “Do phòng học còn thiếu thốn nên trường phải tổ chức các lớp ôn thi ĐH thường vào buổi tối. Vì vậy, nhiều phụ huynh ngại cho con em theo học các lớp này. Nếu được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thêm phòng học thì trường tổ chức được nhiều lớp học ban ngày hơn”. Vả lại, do trường nằm ở vùng ven thành phố, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh khó khăn, sẽ gặp nhiều hạn chế khi cho con em tham gia các lớp học này. Để tạo điều kiện cho học sinh học tập, nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường, cần có sự đầu tư thêm về phòng ốc, trang thiết bị giảng dạy ở các trường.
Không thể phủ nhận sự tiện ích khi tổ chức luyện thi ĐH tại các trường THPT nhưng vừa qua vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc tổ chức các lớp này. Bởi các lớp luyện thi ĐH được tổ chức song song với các lớp học bình thường, lớp ôn thi tốt nghiệp THPT nên tạo áp lực không nhỏ đối với học sinh; kiến thức giảng dạy ở các trường chưa “đủ sức” nặng để có thể giải quyết các vấn đề mà đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ vốn dĩ đã quá khó với học sinh trường vùng ven thành phố. Trong khi đó, tâm lý phụ huynh học sinh là cố gắng lo cho con em mình đậu tốt nghiệp THPT trước, sau đó mới tính đến chuyện học ĐH, CĐ, học nghề... Mặc dù vậy, những con số về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, trúng tuyển ĐH ở các trường THPT có tổ chức luyện thi ĐH là minh chứng cho những hiệu quả bước đầu mà các trường đã và đang làm vào các mùa tuyển sinh ĐH.
B.KIÊN