Truyện ngắn: VŨ NGỌC GIAO
Chiều chạng vạng. Ngõ vào chợ vắng hoe, gió từ biển thốc vào từng cơn khiến những nóc nhà chốc chốc lại phát ra tiếng răng rắc của mấy tấm tôn cũ. Bên góc chợ, tiếng chổi sàn sạt, đều đều, ông Thôi miệt mài quét, thỉnh thoảng dừng tay, chạy đi gom vỏ lon bia lăn lông lốc cho vào bao.
Xóm chợ nơi đây hầu hết là dân ngụ cư. Tờ mờ sáng đã nghe tiếng xe máy phành phạch của anh Mương đi bỏ hàng, tiếng ông Ngọ oang oang đến giờ chạy xe ba gác, tiếng chị Sang hò hét đàn con thức dậy đi chở trái cây. Chỉ nhà chị Liên ve chai là lặng lẽ nhất, ba mẹ con từ xa xôi vào đây, sáng sớm chị đã đạp xe đi, có hôm tối mịt mới về. Việc của ông Thôi là quét chợ, cái chợ nhỏ xíu chỉ đông vào buổi chiều, vậy mà ông vẫn cần mẫn quét dọn cho chợ tinh tươm chút nào hay chút nấy. Năm giờ ông ăn cơm chiều rồi ra chợ. Những ngày lễ Tết, đến tối bà con vẫn còn mua bán nên ông quét đến khuya. Ngày trước còn bà Thôi thì bà cơm nước giặt giũ, từ ngày bà mất, sáng sớm ông dậy nấu nồi cơm ăn luôn cả ngày, có hôm quét chợ xong về nhà mệt không nuốt nổi cơm, đêm ôm bụng đói ông lại nhớ bà. Có đứa con gái lấy chồng xa, cũng đầu tắt mặt tối mưu sinh, lâu lắm mới về thăm ông một lần.
“Ông ơi, mở cửa cho con!”- có tiếng trẻ con gọi, ông Thôi hấp háy mắt nhìn ra cổng, đứa trẻ nói tiếp “Con là Mì đây, mẹ con nói mang cho ông chén chè đậu”. “À, con vô đây với ông” - ông Thôi đi ra đẩy cánh cổng.
Mì đi từng bước cẩn thận, hai tay bưng chén chè đậu đen sóng sánh nước để lên bàn, cười tươi rói “Ông ăn đi!”. Nói rồi nó nhảy lên cái ghế bố ông vẫn nằm ngoài hiên tâng người, vừa tâng vừa kể chuyện này nọ cho ông Thôi nghe. Mì là con chị Liên ve chai. Sáng nào mẹ nó cũng đi từ sớm, dọc đường ra biển nhà hàng nhiều lắm, qua một đêm thùng rác nào cũng đầy, chỉ cần chịu khó phân loại đến nửa buổi đã có một bao toàn vỏ lon bia, chai nhựa… Chở về nhà những gì thu nhặt được của buổi sáng, chị Liên lại lên xe đạp quanh các ngả đường. Mì rất ngoan, mới hơn mười tuổi đầu đã biết lo cho em, đi học một buổi, một buổi ở nhà dập vỏ lon cho mẹ.
“Ông ơi, hôm qua ông Ngọ nhặt được cái ví của một ông Tây rồi mang ra công an phường nhờ tìm người trả lại” - Mì kể tiếp thêm một chuyện. Ông Ngọ là người gốc ở đây, chuyên đạp xe ba gác chở hàng trong chợ. Thấy Mì hào hứng kể, ông Thôi cũng gật gù: “Vậy mà ông không biết, may có Mì kể ông nghe”. Ông nói vậy cho Mì vui, chớ ông ngày nào cũng ra chợ, chuyện gì ông cũng hay. Nghe vậy Mì sướng ran, được thể lại thao thao: “Tội ông Ngọ, cái xe ba gác của ông gãy càng, dạo này ông toàn phải đi thuê, cô Sang bán trái cây nói phải chi ông Ngọ giữ lại một ít để mua xe mới”. Kể đến đây giọng Mì hạ xuống, thầm thì: “Trong ví toàn tiền đô đó ông”.
Ông Thôi múc một muỗng chè chưa kịp ăn, cười rung cả ghế: “Vậy chớ lỡ Mì của ông nhặt được có giữ lại một ít để mua xe đạp không?”. Mì bất ngờ khi nghe ông hỏi, suy nghĩ hồi lâu, xưa nay Mì vẫn mơ một chiếc xe đạp màu đỏ giống xe bạn Phương Linh cùng lớp, nhưng rồi Mì toét miệng cười, lắc đầu: “Không đâu, con cũng trả như ông Ngọ”.
Có tiếng mẹ Mì ngoài ngõ: “Mì ơi là Mì, mang cho ông chén chè mà đi luôn đến giờ, nhanh về giúp mẹ”. Mì vội vàng chạy về quên cả xỏ dép.
* * *
Đêm. Mưa gõ nhịp đều đều lên máng xối, ông Thôi nằm nhìn trân trân lên trần nhà, cái chân đau cứ trở trời lại hành hạ ông. Từng giọt mưa tí tách rơi xuống hiên, ông chợt nhớ con quay quắt, lâu rồi vợ chồng con gái không về thăm ông. Ông thương con vất vả chứ không trách gì con. Hết năm này qua tháng nọ, cả vợ cả chồng con gái quần quật với rẫy cà phê, để nuôi hai đứa cháu ngoại ăn học tới nơi tới chốn. Ông cũng chẳng khấm khá gì để giúp cho con. Tuần sau có lẽ ông phải nhờ ông Ngọ quét giúp vài buổi chợ, tranh thủ đi thăm con.
Ông trở dậy, bật công tắc đèn, ánh đèn vàng vọt hắt bóng ông lên tường vôi loang lổ. Chừng đã khuya. Xóm chợ ban ngày ồn ào là vậy, đêm đến không một tiếng động. Ông bước xuống giường lọ mọ tìm đôi dép xỏ vào chân. Có tiếng đập ầm ầm, cánh cổng rung lên. “Ông Thôi còn thức không?” - tiếng ông Ngọ hớt hải. Ông lập cập đi ra: “Tui đây, chuyện gì?”. “Mẹ con Mì chạng vạng đi về bị xe máy chạy ngược chiều tông rồi bỏ chạy, giờ đang cấp cứu ở bệnh viện”. Nghe cấp cứu bệnh viện chân tay ông Thôi run lẩy bẩy. “Đợi tui vô nhà mặc cái áo” - nói rồi, ông vào nhà khoác vội áo vào người...
Bệnh viện giữa đêm người vẫn đông, toàn những ca cấp cứu. Hai ông ngơ ngác tìm không biết mẹ con Mì nằm đâu. Ông Thôi lẩm bẩm: “Cả đời mấy khi tui tới đây, khọt khẹt vài tiếng rồi thôi, đợt nào đau bịnh quá ra đầu hẻm mua mấy viên thuốc uống vô là xong”. “Tui cũng vậy, có ngày đạp xe ba gác túa hết mồ hôi, về nhà nóng quá tui ra dội nước, cũng may trời thương, cảm vài hôm là hết”. Hai ông dắt nhau đi quanh bệnh viện, phòng nào cũng ló đầu vào xem. Cô y tá đi qua thấy hai cụ già đứng lơ ngơ liền hỏi: “Hai cụ tìm bệnh nhân ở khoa nào, tên gì để con chỉ cho?”. “Người bị tai nạn giao thông chiều nay, là mẹ con Mì đó cô!” - ông Thôi căng thẳng. “Vậy hai cụ đi hết dãy nhà này, thấy phòng cấp cứu rồi vào tìm người quen chứ nói mẹ con Mì không ai biết đâu” - cô y tá mỉm cười.
Hai ông lại lập cập dắt nhau đi, được vài bước bỗng có tiếng gọi: “Ông Thôi, ông Ngọ ơi, mẹ con Mì nằm đây nè!”. Thì ra là chị Sang bán trái cây xóm chợ. “Mẹ con Mì bị vô đầu, phải mổ đêm nay, mẹ nó cùng nhóm máu với con, con đang chờ cho máu” - chị Sang chỉ phòng đối diện, đoạn quày quả đi vô trong: “Hai ông cứ ở đây, cần con kêu”.
Sân bệnh viện về khuya vắng dần, ông Thôi chợt thấy lạnh, dịch sát gần ông Ngọ. “Tuần sau tui tính lên Gia Lai ít ngày, mẹ con Mì bị vầy tui ở nhà đến chừng ổn tui mới đi, ông quét dùm tui mấy buổi chợ nghen!”. “Ừ khi nào ông đi tui quét chợ cho. Sáng ngày mai tui nghỉ chạy xe một bữa, đi một vòng hỏi bà con trong xóm của ít lòng nhiều, góp cho mẹ con Mì qua cái đận này” - ông Ngọ khào khào “Giờ ông ngồi đây, tui ra cổng coi có gì mua vô ăn đỡ”. Miệng nói chân ông đi thoăn thoắt. Lát sau trở vào, trên ghế đá ông Thôi đã ngủ gục. Ông Ngọ ngồi xuống bên mép ghế tránh để ông bạn thức giấc.
* * *
Tiếng trống trường vang lên một hồi dài. Giờ tan học. Ngoài cổng trường đông nghịt người chờ đón con. Ông Thôi xoay càng xe, nghển cổ nhìn vào trong, một lúc sau mới thấy con Mì trong sân trường đi ra. “Mì ơi, ông nè!” - ông Thôi gọi to. Mì nghe tiếng ông, chạy lại tót lên xe. Chiếc xe ba gác ông Ngọ thuê chở rau củ nay kết hợp đưa đón Mì đi học. Tội nghiệp, mẹ nằm bệnh viện, hai đứa nhỏ cứ ngơ ngác. Buổi sáng ông Ngọ ra chợ đầu mối chở hàng, vừa đi ông vừa canh giờ về đưa Mì đến trường, trưa ông bận, lại có ông Thôi đón về. Em trai Mì có chị Sang bán trái cây trông nom, chị ra chợ mang nó theo ngồi bên, cơm nước cho chị em nó đã có bà con lối xóm.
Con Mì ngồi trên xe thích thú, có bao giờ nó được ngồi vậy đâu, mẹ toàn đưa đón nó trên cái xe đạp chở đầy vỏ lon bia và sách báo cũ. Mấy hôm nay được ông Thôi đón về bằng xe ba gác, ngồi một mình trong cái xe rộng thênh nên Mì cứ ngửa mặt lên trời khoan khoái. “Ông ơi, mai mốt mẹ con ra viện, ông có đón con bằng cái xe này nữa không?”. “Cha mày, để xe cho ông Ngọ còn đi kiếm cơm, khi nào rảnh ông mượn ông chở, ưng đi đâu thì đi” - ông Thôi mắng yêu.
Về đến nhà Mì lao vào đống sách cũ mẹ mua chưa kịp mang đi cân cho đại lý, rồi tất bật phân loại đâu đó đàng hoàng. Khi nhìn ra ngoài, trời đã tối, Mì xếp đống sách ngay ngắn rồi qua nhà cô Sang đón em về. Cô Sang nói chừng hai ngày nữa mẹ nó ra viện. Hai ngày mà Mì thấy dài như hai thế kỷ.
…Gió từ biển thổi vào mang hơi lạnh. Đêm nay ông Thôi cố gom hết rác cho ngõ sạch bong, ngày mai xóm chợ đón mẹ con Mì về, gì thì gì xóm chợ cũng phải có mâm cơm ở ngã tư đường. Hôm qua ông nghe chị Sang nhờ bà con trong xóm mỗi người một việc, riêng chị lãnh việc làm gà nấu xôi, còn ông Ngọ đi chở bàn ghế.
Xóm chợ về khuya im lìm không một tiếng động. Ông Thôi trở dậy bật công tắc đèn tìm lọ dầu bóp chân, tiện thể ông nhìn lên tờ lịch lẩm bẩm: “Mới đó đã nửa năm, ngày kia lên thăm con được rồi. Tội nghiệp, để mai qua ông Ngọ mượn cái xe ba gác đi đón con Mì một bữa nữa”…