15/03/2020 - 18:50

Dịch COVID-19:

WHO hoài nghi cách tiếp cận của Anh trong xử lý dịch bệnh 

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan mạnh tại nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận của Chính phủ Anh đối với công tác xử lý dịch bệnh.

Cảnh vắng vẻ tại Plaza Mayor ở trung tâm Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trao đổi với báo giới, đề cập cách tiếp cận của Anh tạo "miễn dịch cộng đồng" để chống lại COVID-19, người phát ngôn WHO Margaret Harris cho rằng đến nay chưa có đủ nghiên cứu khoa học về SARS-CoV-2 gây COVID-19. Theo bà Harris, chủng virus này xuất hiện trong cộng đồng chưa đủ lâu để có thể biết được nó tác động thế nào đến hệ miễn dịch trong cơ thể người. Bà nêu rõ: "Mỗi virus hoạt động khác nhau trong cơ thể con người và kích thích miễn dịch khác nhau. Chúng ta có thể nói về các lý thuyết, song ở thời điểm hiện tại chúng ta đang thực sự đối mặt với tình huống cần phải đưa ra hành động". Người phát ngôn của WHO cho rằng cần phải kết hợp tất cả các biện pháp, bao gồm xét nghiệm trên diện rộng để bảo vệ đất nước trong dài hạn.

Nhận định của người phát ngôn WHO đưa ra sau khi ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ngày 13-3 bày tỏ hy vọng cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc đối phó với SARS-CoV-2 sẽ tạo ra "miễn dịch cộng đồng", theo đó, cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. "Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm.

Tính tới chiều 15-3, Anh ghi nhận 1.140 ca nhiễm và 21 người tử vong do COVID-19.

Úc áp đặt quy định tự cách ly đối với người nhập cảnh 

Ngày 15-3, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố bất cứ ai đến nước này sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày để kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Quy định này có hiệu lực từ nửa đêm 15-3.

Ngoài ra, Úc cũng cấm tất cả các tàu du lịch từ các cảng biển ở nước ngoài tới nước này trong vòng 30 ngày.

Đến nay Úc đã phát hiện 283 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 4 người tử vong.

Hàng nghìn hành khách mắc kẹt trên du thuyền ở New Zealand do có ca nghi nhiễm

Ngày 15-3, giới chức y tế New Zealand thông báo khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Golden Princess cập cảng Akaroa, gần thành phố Christchurch, miền Nam nước này, không được phép rời tàu do phát hiện trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Trao đổi với báo giới, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, ông Ashley Bloomfield cho biết 3 hành khách trên Golden Princess đã được các bác sĩ trên tàu cách ly, một trong số đó có các triệu chứng mắc COVID-19 và đang được điều trị y tế. Toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn cũng không được rời tàu cho tới khi có kết quả xét nghiệm 3 trường hợp trên trong ngày 16-3.

Du thuyền Golden Princess đã di chuyển trong vùng biển New Zealand trước khi nhà chức trách nước này ngày 14-3 áp đặt lệnh cấm tất cả du thuyền đến New Zealand, có hiệu lực tới ngày 30-6. Chuyên gia y tế Brian Cox thuộc Đại học Otago nhận định nếu xác nhận có ca nhiễm SARS-CoV-2 trên tàu Golden Princess, những hành khách còn lại không nên tiếp tục ở trên tàu. Ông viện dẫn trường hợp cách ly tàu Diamond Princees với 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn tại cảng Yokohama của Nhật Bản trước đó và tàu này đã trở thành "ổ dịch" với hơn 700 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Theo chuyên gia này, việc cho phép những người trên tàu xuống và tự cách ly trong 2 tuần là giải pháp an toàn nhất.

SỐ CA NHIỄM VÀ TỬ VONG VÌ COVID-19 TÍNH TỚI CHIỀU 15-3

 

Thế giới

Trung Quốc

Ý

Iran

Hàn Quốc

Đức

Pháp

Mỹ

Số ca nhiễm

157.188

80.849

21.157

12.729

8.162

4.599

4.469

3.044

Số ca tử vong

5.839

3.199

1.441

611

75

9

91

60

Diễm Quỳnh - Phương Oanh

Chia sẻ bài viết