08/03/2018 - 07:38

Washington dè dặt về khả năng đối thoại Mỹ - Triều 

Hôm nay (8-3), hai quan chức cấp cao Hàn Quốc vừa trở về từ chuyến thăm CHDCND Triều Tiên sẽ tới Mỹ để tóm tắt kết quả cuộc họp vừa qua tại Bình Nhưỡng.

Dẫn lời quan chức thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cho biết người được Seoul cử đi là Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Chung Eui-yong và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) Suh Hoon. Ông Chung vốn là chính khách kỳ cựu có quan hệ gần gũi với Mỹ trong khi Giám đốc NIS được biết đến là nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Giám đốc NIS Suh Hoon (trái) và ông Chung Eui-yong, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Giám đốc NIS Suh Hoon (trái) và ông Chung Eui-yong, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Theo tin tức ông Chung chia sẻ tại cuộc họp báo hôm 6-3, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Mỹ, kể cả vấn đề phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ. Lãnh đạo Triều Tiên còn nói rằng ông hiểu rõ các cuộc tập trận qui mô Mỹ - Hàn có thể nối lại vào tháng 4 tới nhưng Bình Nhưỡng hy vọng hoạt động này sẽ được điều chỉnh nếu tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục ổn định. “Triều Tiên không đưa ra yêu cầu cụ thể nào cho việc trở lại bàn đàm phán. Thay vào đó, họ chỉ nói rằng muốn được nhìn nhận như một đối tác nghiêm túc” - Reuters trích lời đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc. Ngoài ra, ông Chung cho biết sẽ truyền tải đến các quan chức Mỹ “thông điệp bí mật” từ Triều Tiên khi ông có chuyến thăm 2 ngày đến Nhà Trắng. Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia tin tưởng tín hiệu tích cực trong mối quan hệ liên Triều sẽ đủ để khởi động đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Được biết sau chuyến đi này, ông Chung tiếp tục thăm Trung Quốc và Nga trong khi Giám đốc NIS sẽ sang Nhật Bản để trực tiếp trình bày kết quả chuyến thăm Triều Tiên vừa rồi. Đây đều là những nước từng tham gia đàm phán hạt nhân 6 bên vốn bị đình chỉ từ cuối năm 2008.

Trước tín hiệu lạc quan trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn nhận nỗ lực nghiêm túc giữa các bên liên quan là “điều tuyệt vời” đối với cộng đồng quốc tế. Ông chủ Nhà Trắng tin tưởng Triều Tiên “chân thành” khi bày tỏ ý định muốn đàm phán với Washington trong vấn đề giải trừ hạt nhân. Theo Tổng thống Trump, đây là kết quả khi Bình Nhưỡng phải đối mặt áp lực từ các lệnh trừng phạt. “Thế giới đang quan sát và chờ đợi! Có thể là hy vọng ảo tưởng nhưng Mỹ sẵn sàng hành động dù theo chiều hướng nào” – ông Trump tuyên bố nhưng không nhắc đến việc Washington liệu có đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào với Bình Nhưỡng hay không.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tỏ ra thận trọng hơn khi cảnh báo Washington đã đàm phán với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân trong 27 năm qua và “Bình Nhưỡng đã phá vỡ mọi thỏa thuận mà họ ký kết với Mỹ”. Có một số ý kiến cho rằng quốc gia Đông Bắc Á đang “câu giờ” nhằm tiếp tục phát triển vũ khí và giảm áp lực trừng phạt. Trong một tuyên bố, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định chính quyền Trump sẽ tiếp tục “gây áp lực tối đa” lên Triều Tiên và tất cả giải pháp đều được cân nhắc cho đến khi Mỹ nhìn thấy những bước đi đáng tin cậy hướng tới phi hạt nhân hóa. Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức Mỹ xác nhận quân đội nước này sẽ nối lại các cuộc tập trận chung với đồng minh khu vực, bao gồm Hàn Quốc. Trước đó, Mỹ - Hàn đã nhất trí hoãn tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2018 và  hoạt động này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 4 tới.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những tuyên bố của Triều Tiên đồng thời đánh giá cẩn thận hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thực sự dẫn tới việc Bình Nhưỡng chấm dứt phát triển hạt nhân và tên lửa. Ông Onodera nói rõ Tokyo không thay đổi lập trường vốn coi quan hệ hợp tác với Mỹ-Hàn nhằm gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng là điều cần thiết. Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngược lại hoan nghênh tuyên bố của Hàn Quốc với kỳ vọng các bên liên quan sẽ nắm bắt cơ hội và hướng tới giải pháp chính trị giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết