28/07/2009 - 21:04

Vươn tới ước mơ...

Lê Tiến Đạt với những chiếc huy chương

Không phải khi sinh ra ai cũng may mắn có được cơ thể lành lặn, có thể theo đuổi công việc mình yêu thích. Lê Tiến Đạt (22 tuổi, quê ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) là một trong số đó: anh lớn lên với nỗi đau tật nguyền, tưởng chừng mọi ước mơ dường như sụp đổ. Thế nhưng, với sự quyết tâm vượt qua mặc cảm về cơ thể khuyết tật, bằng chính nghị lực cùng với sự khổ luyện của Đạt đã làm nên điều kỳ diệu – góp phần làm rạng rỡ nền thể thao người khuyết tật (NKT), khiến bao người lành lặn phải khâm phục.

* Từ tập đi...

Đạt là con giữa trong gia đình có 3 anh em. Ông Lê Văn Mền (cha của Đạt) kể: “Năm lên 2 tuổi, sau một cơn sốt, đôi chân của Đạt teo tóp, không còn cử động được nữa. Tôi rất đau xót khi thấy con chịu cảnh tật nguyền”. Trong lúc những trẻ trong xóm đi đứng, chạy nhảy thì Đạt phải bò lết bằng khuỷu tay để di chuyển trong nhà. Với mong ước được đến trường như các bạn cùng trang lứa, năm 4 tuổi Đạt tập đi. Lúc đầu em dùng gậy để chống, nhiều lần té chảy máu, bầm mình nhưng không khóc, nén đau, Đạt đứng dậy tiếp tục đi. Những lúc như thế, bà Phạm Thị Hoa - mẹ của Đạt không cầm được nước mắt. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu Đạt mới có thể từng bước đi được trên đôi chân của mình, lúc đó Đạt mừng đến rơi nước mắt vì vui sướng. Đạt thổ lộ: “Em tập đi để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Khi cha mẹ già, ai lo cho mình, nghĩ thế, nên dù có khó khăn thế nào cũng cố vượt qua”. Tập đi đã khó, vậy mà, Đạt còn tập chạy xe đạp. Không ít lần lên bờ xuống ruộng, cuối cùng Đạt cũng đã chạy được xe đạp.

Điều đáng quý là gia đình Đạt tuy nghèo, nhà chỉ có vài công ruộng, nhưng anh em của Đạt đều được ăn học tới nơi tới chốn. Anh trai của Đạt sau khi tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định; Đạt đang theo học năm thứ 4, Khoa Công nghệ thông tin-Trường Đại học Cần Thơ; em gái đang học lớp 12. Lúc Đạt thi đậu đại học ai cũng ngỡ ngàng, vì không ai nghĩ với đôi chân tật nguyền, Đạt có thể theo học hết trung học phổ thông, đậu đại học. Ngày nào cũng vậy, anh em Đạt dậy sớm, chia nhau gói mì bẻ đôi, ăn sáng để đến trường. Trước kia, anh em Đạt được mẹ đưa đến trường bằng xuồng ba lá. Có hôm nước ròng không đi xuồng được, anh trai phải cõng Đạt đi học trên con đường mòn của bờ ruộng đến trường. Từ nhà Đạt đến trường đi bộ mất một tiếng rưỡi, đi xuồng mất khoảng 45 phút. Có những lúc sóng lớn đánh chìm cả xuồng, làm quần áo, tập vở ướt sũng; những ngày trời mưa đường trơn trợt, hai anh em cùng té, vào lớp quần áo lấm lem. Mặc dù đường đến trường đầy gian nan nhưng Đạt chưa hề bỏ học buổi nào. Có lúc gia đình quá khó khăn, cộng với việc đi lại của mình vất vả, Đạt bày tỏ với cha mẹ ý muốn nghỉ học, nhưng cha Đạt luôn động viên con: “Cha biết con lo lắng cảnh khó khăn của gia đình nên nói vậy chứ con rất ham học. Cha luôn mong mỏi con học thành tài. Con cũng xác định đừng bao giờ bỏ cuộc vì khó khăn. Hãy để cho mọi người thấy người khuyết tật vẫn làm được và làm tốt hơn một số việc so với người bình thường con nhé!”. Những lời nói ấy như tiếp thêm sức mạnh để Đạt tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Đối với Đạt, cha luôn là người gắn bó thân thiết. Có những khó khăn hay gút mắt gì trong cuộc sống, Đạt luôn chia sẻ và hỏi ý kiến cha. Ông Mền thường kể cho Đạt nghe những câu chuyện đời và những tấm gương vượt khó để động viên Đạt không chùn bước trước khó khăn. Trong căn nhà 2 gian được xây dựng theo quy cách nhà cổ vùng Nam bộ xưa, thoáng mát và sạch sẽ, cạnh nhà có vườn nhãn và chanh xanh ngát, những buổi trưa hè, Đạt mắc võng dưới những tán cây học bài. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng ước mơ của anh. Ngoài giờ học, Đạt còn đi suốt lúa tiếp cha mẹ.

*...Đến tập bơi

Mỗi buổi sáng, Đạt chạy xe đạp đến hồ bơi để tập luyện. Thoạt nhìn khó ai biết anh là người khuyết tật. Chúng tôi gặp Đạt tại hồ bơi của Quân khu 9 trong lúc đang tập luyện để chuẩn bị cho Paragames tổ chức vào tháng 8-2009 tại Malaysia. Dù trời đang mưa tầm tã nhưng Đạt vẫn ngâm mình dưới nước để tập luyện các động tác và kỹ thuật bơi một cách chuyên cần. Quan sát Đạt bơi ở dưới nước, nhanh lẹ, thoăn thoắt, tôi rất cảm phục. Sau buổi luyện tập, chúng tôi trò chuyện. Giọng nói Đạt chậm rãi nhưng rõ ràng, anh có gương mặt sáng, nụ cười rất tươi. Đạt cho biết: “Tôi định kỳ hè này nghỉ ngơi cho khỏe, không tham gia thi đấu nữa, nhưng các cô chú động viên quá nên tham gia. Vài ngày nữa tôi sẽ lên TP Hồ Chí Minh tiếp tục luyện tập”.

Đối với người bình thường, chuyện bơi lội còn không dễ dàng, thì với người khuyết tật như Đạt càng hết sức khó khăn, anh phải qua quá trình khổ luyện để có thể giữ được thăng bằng dưới nước. Được cái thuận lợi là Đạt sinh ra ở vùng quê mỗi năm đều sống chung với lũ, trẻ con từ 2-3 tuổi đã biết bơi nên năm lên 4 tuổi, Đạt được cha tập bơi. Đạt kể: “Cứ mỗi chiều, hai cha con lại xuống con sông phía trước nhà để lặn hụp. Tôi nhớ lần đầu tiên xuống nước rất sợ vì chân mình không cử động được, người cứ chìm xuống, uống nước căng cả bụng. Cha nâng người tôi lên và chỉ cho tôi từng động tác một và luôn theo sát tôi. Dần dần khi tôi đã quen, cha thảy cho tôi cây chuối để làm phao. Vài tháng sau thì tôi biết bơi”. Như bao đứa trẻ vùng sông nước khác, ngày nào Đạt cũng tắm sông với bạn bè đồng trang lứa, cùng nhau vui đùa, tung hoành ngang dọc trên con sông trước nhà. Những lúc như thế Đạt luôn có cảm giác mình bình thường giống như bạn bè, không ai nhìn thấy đôi chân khuyết tật của anh và anh tự tin vượt lên đường bơi của bạn một cách dễ dàng.

* ...Và lấp lánh những chiếc huy chương

Năm 2008, trong một lần tình cờ, cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT thành phố đã mời Đạt tham gia thi đấu giải thể thao NKT TP Cần Thơ. Lúc đầu, Đạt nghĩ tham gia cho vui, chứ không ngờ được giải. Tại kỳ Paralympic năm 2008, Đạt luôn giành được những giải cao, với 3 Huy chương Vàng cá nhân về thành tích bơi lội cự ly 50m, 100m và 2 Huy chương Bạc bơi tiếp sức đồng đội. Mới đây Đạt lại giành thêm 3 Huy chương Vàng cá nhân về thành tích bơi lội cự ly 50m, 100m và 2 Huy chương Bạc bơi tiếp sức đồng đội trong kỳ Paralympic được tổ chức ở tỉnh Quảng Trị vào tháng 5-2009. Với thành tích đó, Đạt được tham gia kỳ thi Paragames diễn ra trong tháng 8-2009 tới. Đạt cho biết: “Năm 2008, để tham gia thi đấu, tôi phải bảo lưu kết quả 1 học kỳ. Khi nhận huy chương, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gia đình- là cha tôi đã luôn giúp tôi hun đúc ước mơ, là mẹ tôi vất vả từng ngày trên đồng ruộng, là anh em tôi đã nhường từng bát mì, dĩa rau ngon để tôi có sức khỏe học tập, thi đấu và chiến thắng; là bạn bè, thầy cô, bà con xóm giềng đã không coi tôi là NKT,...”.

Cô Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT kiêm Chủ tịch Hội thể thao NKT TP Cần Thơ, nhận xét: “Lê Tiến Đạt là người đam mê bơi lội, nếu được bồi dưỡng thường xuyên, tài năng của Đạt sẽ vươn xa hơn. Tính tình Đạt lạc quan, sống vui vẻ, hòa đồng và hay giúp đỡ người khác. Trong đợt thi đấu vừa rồi, Đạt đã giúp chúng tôi khiêng các vận động viên NKT không khả năng đi lại được vào vị trí thi đấu, mọi người rất quý mến Đạt”.

Giờ đây, tuy đã trở thành vận động viên khuyết tật tầm quốc gia, nhưng Đạt luôn xác định việc học là chính. Trăn trở lớn nhất của Đạt là làm sao ra trường tìm được việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân. Đạt nói: “Tuy tôi không cho phép mình sống với mặc cảm là NKT nhưng không phải ai cũng dễ thông cảm và đồng cảm với NKT trong việc tuyển chọn lao động, vì vậy chặng đường phía trước, tương lai của tôi vẫn còn lắm gian nan. Nhưng mỗi ngày trôi qua, tôi luôn tự nhủ và cũng muốn nhắn nhủ với mọi thanh niên, tất cả những bạn trẻ khuyết tật: “Chỉ cần có ý chí và niềm tin, không ai sống vô nghĩa trong cuộc đời mình. Đừng để khó khăn làm rào cản, phải biết ước mơ và nỗ lực hết sức để thực hiện ước mơ của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp và ý nghĩa biết bao!”.

Những thành công của Lê Tiến Đạt, một NKT, đã chứng minh một điều: Con đường đi tới thành công không phải được tính bằng những thành quả mà anh gặt hái được mà chính bằng cách anh đã đối mặt và giải quyết những khó khăn của mình như thế nào. Lê Tiến Đạt đã khiến mọi người khâm phục là như thế!.

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết