17/05/2013 - 08:26

Vươn tới tầm cao tri thức

 Học sinh Trường Tiểu học Trung Thạnh 2 (huyện Cờ Đỏ) đang thực hành tin học.

10 năm qua, từ khi chia tách và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương,  Cần Thơ đã tiến bước vững chắc và phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong đó, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cũng có những bước tiến dài. Thành phố đã tập trung đầu tư nguồn lực, phục vụ nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy và học. Thế nhưng, vấn đề đáng quan ngại là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ, vẫn còn là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Thực trạng này đòi hỏi cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho công tác GD-ĐT…

* Thêm nhiều trường chuẩn

Cô Đặng Thị Thanh Thủy, có 2 con gái là Phan Đặng Thanh Trúc, học lớp 7 Trường THCS Trung Thạnh và Phan Đặng Thùy Trâm, học lớp 2 Trường Tiểu học Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), kể: “Lúc trước, Trường THCS Trung Thạnh khi còn “ở chung” với Trường THPT Trung An, việc học của các cháu khá vất vả, phải đi bộ, qua đò mới đến được trường. Sau này, địa phương đã bắc cầu ngang sông, trường lớp xây mới khang trang, đầy đủ tiện nghi… tạo điều kiện học tập tốt hơn”. Thầy Lưu Thành Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Thạnh, cho biết: “Trường được đưa vào sử dụng vào đầu năm 2012, với cơ sở vật chất khang trang, khích lệ thầy và trò nỗ lực dạy và học”.

Không phải ngẫu nhiên mà các thầy, cô bộc bạch như thế, bởi dạo quanh khuôn viên Trường THCS Trung Thạnh mới thấy, môi trường sư phạm nơi đây khá tốt. Trường hiện có 18 phòng học trang bị đầy đủ các thiết bị giảng dạy; các phòng thí nghiệm, thực hành, đảm bảo phục vụ cho hơn 1.500 học sinh. Cô Nguyễn Kim Diệu, giáo viên (GV) dạy Nhạc, cho biết: “Tôi công tác ở trường đến nay đã 7 năm. Trước kia, có khi tiết học diễn ra ở một góc sân, phòng học thì không đủ tiện nghi. Giờ thì trường, lớp khang trang, thiết bị đầy đủ, tiết học thêm sinh động, học sinh tiếp thu bài nhanh”. 

Đến Trường Tiểu học (TH) Trung Thạnh 2, chúng tôi không ngờ ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp, phòng ốc ngổn ngang ngày nào, giờ là những dãy lầu cao khang trang, khuôn viên rợp bóng cây xanh… Thầy Hiệu trưởng Trần Phước Chiến khoe: “Ngoài khối nhà 1 trệt, 1 lầu (10 phòng học), 10 phòng chức năng của trường cũng được nâng cấp, sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng năm học này, nâng tổng số lên 16 phòng học và 12 phòng chức năng, phục vụ 559 học sinh”. Trước đây, Trường TH Trung Thạnh 2 có 4 điểm lẻ, phần lớn các phòng học bán kiên cố đã xuống cấp nên ảnh hưởng đến việc dạy và học. Khi cơ sở vật chất hoàn thiện, trường có điều kiện mở thêm lớp 2 buổi/ ngày, từ 2 lớp lên 14 lớp (trong tổng số 18 lớp). Tháng 11-2012, trường vinh dự đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Không chỉ riêng các trường ở xã Trung Thạnh mà mạng lưới trường lớp ở huyện Cờ Đỏ mấy năm qua được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước sắp xếp ổn định theo hướng xóa dần các điểm lẻ, đạt chuẩn, để người dân huyện nhà có cơ hội tiếp cận gần hơn nền giáo dục hiện đại. Từ một vài ngôi trường ở trung tâm huyện, xã, đến nay, toàn huyện đã có 46 trường, trong đó, có 9 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 5 trường so với năm 2009). Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trường lớp khang trang dễ  huy động học sinh ra lớp. Chất lượng hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, các phong trào mũi nhọn tăng lên rõ nét”. 

* Phát triển nhanh nguồn lực

Đầu tháng 5-2013, chúng tôi có dịp trở lại Trường THCS Thới An Đông (quận Bình Thủy), đường đi thuận lợi, dễ dàng. Trước đây, muốn đến trường (điểm A và B) phải đi xe men theo đường sông, cẩn thận lắm mới không “lọt sông”. Giờ đây, điểm A của trường là khuôn viên thoáng mát, với 8 phòng học khang trang. Năm học 2008-2009, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Theo thầy Lư Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, là trường vùng ven của quận, còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô đều cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ tin học, nhằm ứng dụng hiệu quả vào giảng dạy. Lúc mới thành lập, trường có 5 cán bộ (CB), giáo viên, nay tăng lên 57 CB, GV, 100% đạt chuẩn, trong đó, có 46% giáo viên vượt chuẩn. Thầy Sáu nói: “Khi đó, những GV biết ứng dụng công nghệ thông tin “đếm trên đầu ngón tay”, nhưng các thầy cô không ngại khó, mày mò học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức”. Cô Nguyễn Ngọc Diệp, GV bộ môn Văn, bộc bạch: “Gần 30 năm gắn bó với nghề nên tôi rất hiểu sự khó khăn, thiếu thốn ở trường vùng ven và tâm nguyện không thể rời xa các học sinh. Giờ đây, điều kiện giảng dạy thuận lợi  hơn, chúng tôi càng ra sức học tập, trang bị kỹ năng dạy học, nỗ lực hơn với nghề”.

Năm 2004, toàn quận Bình Thủy có 40 cơ sở giáo dục, đến nay có 55 cơ sở giáo dục. Ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT Bình Thủy, nói: “Đi đôi với việc kiện toàn cơ sở vật chất, ngành còn tập trung nâng cao trình độ đội ngũ CB, GV. Nếu năm 2004, ngành có 710 CB-GV-NV, (71,77% đạt chuẩn và 33,06% trên chuẩn), thì nay tăng thêm 361 CB-GV-NV (trên 50% trên chuẩn). Đội ngũ CB-GV-NV hiện nay cơ bản ổn định, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục”. Còn theo ông Trần Ngọc Nghị, lúc mới thành lập, trình độ đội ngũ CB, GV của huyện Cờ Đỏ có phần chắp vá. Nhiều người chỉ học hết lớp 9, phải đào tạo trình độ 9+3; 12+2,… Giờ thì trình độ GV nâng lên về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Hiện nay, huyện Cờ Đỏ có 1.314 CB-GV-NV (tăng 195 người so với năm 2009), 100% GV đạt chuẩn và vượt chuẩn từ hơn 37% đến hơn 88%; trong khi năm 2009, số CB, GV vượt chuẩn rất thấp, thậm chí chưa chuẩn.

Cùng với Cờ Đỏ, Bình Thủy thì các quận, huyện như: Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh,… qui mô mạng lưới trường lớp và CB-GV-NV đều tăng so với 10 năm trước. Năm học 2012-2013, thành phố có hơn 12.500 CB-GV-NV; trong đó có hơn 10.900 GV (tăng 15% so với năm học 2005-2006). Số GV đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ khá cao (1 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh, 164 thạc sĩ và 136 GV đang học cao học)… Theo bà Trần Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, trình độ đội ngũ GV và CB quản lý giáo dục thành phố từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa và phương pháp dạy học.

* Còn nhiều trăn trở…

Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư của thành phố và ngành giáo dục trong việc chăm lo, phát triển giáo dục; từ đó, đã tạo nền tảng giúp các trường có điều kiện để nâng cao chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho thành phố. Bởi, thời điểm năm 2005, thành phố có trên 330 trường mầm non, phổ thông; còn thiếu hàng trăm phòng học, phổ biến tình trạng học phòng tre, lá, ca 3  thì nay, mạng lưới trường, lớp ở thành phố phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đến tháng 2-2013, thành phố có 269 trường phổ thông công lập; 4 trường phổ thông tư thục; 1 trường dạy trẻ khuyết tật và 1 trường dân tộc nội trú. Không chỉ thế, đội ngũ CB, CV được đào tạo bồi dưỡng chuẩn hóa, đủ số lượng, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tuy  nhiên, nhìn chung, bức tranh tổng thể phát triển vẫn còn “độ vênh” so với vị thế của ngành giáo dục thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố còn thiếu hơn 230 phòng học mầm non, mẫu giáo; một số trường tiểu học, THCS xuống cấp, thiếu sân chơi, bãi tập. Ông Trần Ngọc Nghị nói: “Cơ sở vật chất toàn ngành còn hạn chế, một số điểm trường xuống cấp, thiếu phòng chức năng, huyện Cờ Đỏ còn 122 điểm lẻ. Đó là chưa kể đội ngũ CB, GV còn  thiếu (cụ thể, bậc mầm non thiếu 20-30 người), ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”. Còn theo ông Nguyễn Văn Xuân, quận Bình Thủy có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư tăng nhanh, áp lực học sinh đầu cấp khá lớn nên chắc chắn phòng lớp sẽ khó đáp ứng yêu cầu. Nhất là các trường đang và sắp xây dựng mới, sẽ cần thêm GV giảng dạy.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, thành phố vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu GV cục bộ. Phần lớn đội ngũ CB quản lý giáo dục có trình độ cao đẳng trở lên, số cán bộ có trình độ sau đại học còn thấp (chỉ chiếm 2,55%). Nhiều đơn vị có tỷ lệ GV đạt chuẩn đào tạo cao nhưng kỹ năng sư phạm của một bộ phận GV còn yếu, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy. Quá ít GV cốt cán, đầu ngành; hạn chế khả năng sử dụng thạo ngoại ngữ và tin học… Chính vì thế, song song với đào tạo bồi dưỡng CB, GV, rất cần sự đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trong Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 của HĐND TP Cần Thơ, phấn đấu đến năm 2015, thành phố trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế và văn hóa của vùng ĐBSCL. Theo đó, tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi, mẫu giáo đạt 90%, tiểu học 100%, THCS 88%, THPT 65%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học: mầm non, mẫu giáo  50%; tiểu học 60%, THCS 50% và THPT 33%... Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, thành phố chỉ có 83 trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng bậc THPT chỉ có Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) là trường đạt chuẩn nhưng đang trong tình trạng xuống cấp. Như vậy, sẽ khó đạt các mục tiêu Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND đã đề ra nếu không có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, ngành giáo dục theo lộ trình đầu tư cả về nhân lực và vật lực, là cơ sở để tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong toàn ngành. Vì vậy, thời gian tới, thành phố đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ ngành giáo dục phát triển bền vững, hướng đến thực hiện mục tiêu: Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL ở các lĩnh vực, trong đó có GD&ĐT. 

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

 

Chia sẻ bài viết