26/02/2018 - 21:45

Vững vàng y tế tuyến đầu
Bài cuối: Đổi mới y tế cơ sở 

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đòi hỏi phải đổi mới hoạt động của y tế cơ sở để phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng các mục tiêu của ngành đề ra.

Thay đổi cách tiếp cận

Những năm qua, ngành y tế Cần Thơ được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế và lãnh đạo thành phố, từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Việc đầu tư cho y tế cơ sở gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng được xem là chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ của thành phố mà cả vùng ĐBSCL.

Từ cuối năm 2015 đến nay, tất cả 85 trạm y tế của thành phố đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020. Tuy nhiên, một số trạm y tế còn thiếu danh mục kỹ thuật, trang thiết bị y tế triển khai tại trạm chỉ đáp ứng 80% yêu cầu của Bộ Tiêu chí. Để tăng cường nguồn lực cho trạm y tế, từ năm 2011 đến năm 2017, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Sở Y tế tổ chức lễ đi bộ vận động nguồn xã hội hóa nhằm hướng về y tế cơ sở.

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế.
Trong ảnh: Dược sĩ Lê Thị Ngọc Thúy, Trưởng Trạm y tế Thạnh Mỹ cấp thuốc cho bệnh nhân.

Kinh phí vận động được ngành dùng mua sắm một số trang thiết bị cần thiết như máy siêu âm, máy điện tim, máy đo đường huyết, bộ tiểu phẫu, ống nghe, huyết áp kế... Riêng về nguồn nhân lực, chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng được ngành thực hiện từ nhiều năm qua; Đề án: “Đào tạo, tuyển dụng phát triển nguồn nhân lực ngành y tế TP Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020” cũng được phê duyệt năm 2016. Trong tổng số 661 viên chức của mạng lưới trạm y tế, có gần 100 cán bộ đại học và và sau đại học.

Trước những vấn đề tồn tại của hệ thống y tế tuyến đầu, bác sĩ CKII Bùi Thị Lệ Phi chia sẻ, ngành tập trung vào nhiều giải pháp, trong đó chú trọng yếu tố nhân lực có trình độ. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của y tế cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình bác sĩ gia đình.

Theo đó, ngành y tế thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế đến năm 2020. Triển khai việc xây dựng hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân trên địa bàn, mở rộng việc quản lý các bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi tại cộng đồng. Chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài. Chú trọng đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và quyền lợi khi mua bảo hiểm y tế. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Phát huy vai trò hạt nhân

Qua 30 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, hiện là Trưởng Trạm y tế Phú Thứ đã kinh qua 6/7 trạm y tế của quận Cái Răng. Theo bác sĩ Vũ, yếu tố phát huy vai trò của trạm y tế là cán bộ phải thực hiện tốt 12 điều y đức, thầy thuốc phải tôn trọng bệnh nhân, quan tâm, chia sẻ vấn đề bệnh tật của người bệnh. Khi tiếp xúc, tạo sự thoải mái để người bệnh “mát bụng”, hợp tác thì hiệu quả điều trị mới được “mát tay”.

Nhờ hết lòng vì người bệnh, nên từ khi bác sĩ Vũ chuyển về công tác tại trạm y tế vào giữa năm 2017, lượng bệnh nhân tìm đến khám tăng dần so với trước, đến nay đạt 40 - 50 lượt/ngày. Cùng với công tác điều trị, bác sĩ Vũ chú trọng phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giữa năm 2017, Phú Thứ bùng phát dịch khi có đến 7/14 khu vực có dịch với tổng số gần 20 ca mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Vũ tham mưu cho cấp trên, phân công cán bộ chỉ đạo trực tiếp, theo dõi chặt chẽ diễn tiến dịch. Quá trình chống dịch, thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu để tuyên truyền, lấy sự việc cụ thể, nói theo cách dễ hiểu để người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi. Khi kiểm tra việc thực hiện của bà con, cán bộ y tế trước hết phải động viên những việc bà con đã làm được rồi nhắc nhở thiếu sót sau. Nhờ đó, dịch bệnh được đẩy lùi, tạo sự tin tưởng cho cả chính quyền và người dân. Gắn bó với y tế cơ sở, bác sĩ Vũ trăn trở, mong sao trạm y tế được tháo gỡ các vướng mắc, được quan tâm đầu tư, phát triển nhiều hơn, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà con địa phương.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hằng, phụ trách Trạm y tế Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cũng nhiều năm gắn bó với người dân cù lao, luôn day dứt niềm mong mỏi làm sao đem những kiến thức có được để phục vụ quê hương. Sau khi tốt nghiệp đại học y dược Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, chị Hằng về công tác tại trạm, mấy năm sau, vì muốn nâng cao chuyên môn, chị tiếp tục học lên CKI rồi quay về phục vụ người dân Tân Lộc. Chị chia sẻ, tham gia các chương trình cộng đồng, chị nhận thấy, bà con phần nhiều còn thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe, nên chị tích cực triển khai thực hiện các chương trình truyền thông cộng đồng. Chị kể, mình nói cho bà con hiểu biết những kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đem lại hiệu quả trực tiếp, bản thân cảm thấy có thêm niềm vui và động lực gắn bó với nghề…

Có thể nhận thấy, các bác sĩ giỏi, tận tâm, nhiệt tình giữ vai trò hạt nhân trong sự phát triển của các trạm y tế. Để nâng chất hoạt động của các trạm, vai trò hạt nhân này cần được xây dựng và phát huy một cách tích cực, hiệu quả.

*    *    *

Mặc dù còn nhiều khó khăn phải giải quyết để điều chỉnh hướng đi phù hợp của hệ thống y tế tuyến đầu, nhưng tin rằng với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Sở Y tế và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt cùng với những con người tâm huyết gắn bó với cơ sở, mạng lưới trạm y tế sẽ ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết