08/07/2012 - 15:55

"Vua" thanh long VietGap vùng ngọt hóa Tiền Giang

Ông Võ Ngọc Diệp bên chiếc máy tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời của mình. 
Ảnh: TRUNG CHÁNH

Ở “vương quốc thanh long” huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), ông Võ Ngọc Diệp, 58 tuổi, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, được mệnh danh là “Vua” thanh long VietGap ở vùng ngọt hóa.

Ông Diệp cho biết, trước đây, trên diện tích 1 ha đất, ông chủ yếu trồng nhãn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần suy nghĩ và thấy triển vọng của cây thanh long trên vùng đất Chợ Gạo nên ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích 1 ha đất trồng nhãn sang trồng chuyên canh thanh long theo tiêu chuẩn VietGap. Trước khi bắt tay vào trồng thanh long, ông Diệp ra tận Bình Thuận để học hỏi kỹ thuật và cách làm của những nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trồng thanh long. Đúc rút được một vài kinh nghiệm sau những lần đi học hỏi, nhưng giai đoạn đầu bắt tay vào trồng, ông Diệp gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tính cần cù, chịu khó học hỏi, đồng thời được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và ngành nông nghiệp Tiền Giang hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật từ cách chọn giống, quy cách trồng, cách chăm sóc để trái thanh long cho năng suất cao, chỉ sau vài năm trồng, vườn thanh long của ông phát triển tươi tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Trên diện tích đất 1 ha, ông bắt đầu lên liếp trồng thanh long theo quy cách chiều cao trụ bê tông từ mặt đất lên tới đỉnh là 1,2 mét, mỗi trụ cách nhau 3m, mỗi liếp đều xẻ rãnh để phục vụ nước tưới và đầu tư nguồn điện ba pha, xông đèn kích thích trái thanh long ra hoa trái vụ. Với cách trồng trên và bón phân hữu cơ, sau hai năm cây thanh long cho trái và năm thứ tư trở đi thì cây cho năng suất cao. Vườn thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGap của ông Diệp, với 1.100 gốc thanh long đến nay đã trên 5 năm tuổi, mỗi năm cho ba đợt trái, bình quân đạt 30 tấn/ha/năm. Nếu tính giá bình quân 15.000 đồng/kg thì một ha thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng/năm. Ông Diệp cho biết, áp dụng quy trình sản xuất thanh long “sạch”, từ một ha đất đầu tư trồng thanh long, kinh phí bỏ ra 400-500 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hai năm là hoàn toàn lấy lại vốn và từ năm thứ ba, thứ tư trở đi cây cho năng suất cao, trong khi đó tiền đầu tư chăm sóc các năm tiếp theo lại rất ít nên lợi nhuận sẽ tăng cao.

Ông Diệp cho biết: Sở dĩ ông trồng thanh long là do loại cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất Chợ Gạo. Ngoài ra, thanh long còn có những ưu thế so với các loại cây trồng khác như ít sử dụng phân thuốc, sản lượng cao hơn các loại cây khác, đồng thời muốn ra trái lúc nào cũng được nhờ kỹ thuật xử lý xông đèn kích thích ra hoa trái vụ. Gần đây, ông Diệp còn được Hợp tác xã Đại Đoàn kết, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đặt vấn đề mời ra chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long “sạch” và cung cấp cây giống cho hợp tác xã này. “Tiếng lành đồn xa”, mô hình trồng thanh long của ông Diệp trở thành điểm đến ưa thích của các đoàn khách trong, ngoài nước như: Mỹ , Australia , Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia ... đến tham quan học hỏi. Trong một lần đến vườn thanh long của ông Diệp, Công ty MoNo Energy (Australia) đã hỗ trợ và lắp đặt cho ông hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời cho 1.100 gốc thanh long. Nhờ đó, đây là nhà vườn đầu tiên trong tỉnh áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho thanh long bằng năng lượng mặt trời, giúp giảm chi phí mà vẫn tăng năng suất cho cây thanh long.

Hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời bao gồm một máy bơm gắn trên phao nổi thả trực tiếp xuống mương, hồ nước. Phía trên gắn một hệ thống pin tích hợp năng lượng mặt trời và một tấm panel thu năng lượng mặt trời. Máy bơm được vận hành bằng một mô-tơ có công suất 375W (khoảng 1 CV), cùng với hệ thống đường ống dẫn nước đến các gốc thanh long. Tại mỗi gốc sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ cho cây phát triển. Trước đây, khi áp dụng phương pháp tưới thông thường, vườn thanh long 1ha của ông phải tốn chi phí tiền điện, nhân công hơn 5 triệu đồng/tháng. Qua 8 tháng áp dụng hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời, ông tiết kiệm được số tiền khoảng 40 triệu đồng, đồng thời năng suất thanh long tăng khoảng 30% so với trước. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn được dùng tưới phân cho thanh long bằng cách đổ trực tiếp phân bón vào bình nhựa của máy (khoảng 10lít), tiết kiệm được 20% lượng phân bón. Theo ông Diệp, việc ứng dụng hệ thống phun tưới tự động bằng năng lượng mặt trời được xem là công nghệ dễ ứng dụng nhất hiện nay, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất nhất là với các nhà vườn trồng thanh long.

Theo ông Diệp, từ việc đi tiên phong và áp dụng thành công quy trình trồng thanh long VietGap và được sự tín nhiệm của nông dân trong ấp, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú, Lương Hòa Lạc đã được thành lập với 20 thành viên trên diện tích 11 ha trồng thanh long, do ông làm chủ nhiệm. Hiện nay, các thành viên trong tổ đang từng bước áp dụng quy trình kỹ thuật này và sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP.

Là nông dân có xu hướng sản xuất theo hướng tiên tiến, có cách làm căn cơ bài bản, ông Võ Ngọc Diệp nhận thấy muốn mang lại hiệu quả sản xuất bền vững thì không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà còn phải nghĩ đến việc sản xuất theo hướng an toàn. Với cách nghĩ ấy, vườn thanh long của ông Diệp, luôn đảm bảo kỹ thuật về bón phân hữu cơ, kỹ thuật tạo ra sản phẩm đồng đều, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được ông Diệp tuân thủ nghiêm ngặt. Mô hình trồng thanh long “sạch” của ông Diệp được nhà vườn và ngành nông nghiệp đánh giá rất cao bởi cho hiệu quả cao và mang tính bền vững, đồng thời đang được tỉnh từng bước nhân rộng tại “vương quốc thanh long” huyện Chợ Gạo.

CÔNG TRÍ (TTXVN)

Ông Võ Ngọc Diệp bên chiếc máy tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời của mình.  Ảnh: TRUNG CHÁNH

Chia sẻ bài viết