05/12/2009 - 10:43

Vũ khí hạt nhân Mỹ tại châu Âu

Trong bối cảnh bảo đảm an toàn cho các kho vũ khí hạt nhân trở thành vấn đề cấp thiết của thế giới, báo chí Mỹ những ngày qua một lần nữa đặt nghi vấn về sự tồn tại “bấp bênh” của hàng trăm quả bom nhiệt hạch có sức công phá lớn (mạnh gấp 13 lần so với quả bom nguyên tử đã hủy diệt thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945) mà Mỹ đang đặt ở Italia, Bỉ, Đức và Hà Lan.

Bom nhiệt hạch B61 của Mỹ. Ảnh: DoD 

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tin rằng hiện nay có khoảng 200 quả bom nhiệt hạch B61 tại 4 quốc gia châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể trên. Theo một thỏa thuận ký kết từ thời Chiến tranh lạnh, các nước thành viên NATO phải “chia sẻ gánh nặng hạt nhân” cho nhau, điều này có nghĩa Mỹ có thể phân tán vũ khí hạt nhân tại châu Âu. Thỏa thuận nêu rõ về mặt kỹ thuật, Mỹ là bên có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân tại nước tiếp nhận, nhưng có thể chuyển giao quyền kiểm soát cho lực lượng không quân của bên tiếp nhận trong trường hợp nước này lâm vào xung đột vũ trang. Thỏa thuận này không có gì sai trái thời Chiến tranh lạnh, nhưng nếu dựa theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực năm 1968, Mỹ và 4 nước châu Âu kể trên không thể tiếp nhận việc chuyển giao vũ khí hạt nhân, hay kiểm soát loại vũ khí này cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Ngay cả khi Chiến tranh lạnh kết thúc cùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin cách đây đã 20 năm, Mỹ vẫn duy trì vũ khí hạt nhân tại một số nước châu Âu. Đây là lý do mà nhiều nước trên thế giới phê phán Mỹ và châu Âu không tôn trọng nghĩa vụ giải giáp vũ khí hạt nhân theo tinh thần NPT.

Mặt khác, theo một báo cáo của Không lực Mỹ năm 2008, bom hạt nhân của Mỹ đặt tại các căn cứ không quân ở châu Âu không đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an ninh cơ bản. Báo cáo này thu hút sự quan tâm của dư luận cựu lục địa và khiến họ càng phản đối sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận năm 2006 cho thấy khoảng 70% người dân Italia, Bỉ, Đức, Hà Lan muốn Mỹ rút vũ khí hạt nhân về nước. Còn sau báo cáo của Không lực Mỹ, Quốc hội Bỉ đã thông qua nghị quyết yêu cầu Washington đưa vũ khí hạt nhân về nước. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle mới đây cũng bày tỏ ý định muốn Berlin gương mẫu trong chính sách phi hạt nhân hóa trên lãnh thổ nước này, đồng thời kêu gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama phi hạt nhân hóa châu Âu vì một thế giới phi hạt nhân. Người ta tin rằng Đức có thể đi tiên phong buộc Mỹ phải rút vũ khí hạt nhân về nước nếu như Không lực nước này sớm cho “nghỉ hưu” thế hệ máy bay chiến đấu Tornado (có thể chở bom B61) và thay bằng Eurofighter (không thể chở B61).

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Tổng thống Obama dù đã hô hào vì một thế giới không vũ khí hạt nhân, nhưng ông không đủ quyền lực giải giáp vũ khí hạt nhân của chính nước Mỹ. Các quan chức quân sự “đầu sỏ” trên lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Mỹ mới đây tuyên bố rằng sự hiện diện của B61 tại châu Âu vẫn là một “mắt xích quân sự và chính trị trọng yếu giữa các nước thành viên NATO ở Bắc Mỹ và châu Âu”. Nói cách khác, Mỹ vẫn sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Âu và ngăn ngừa các nước này phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

KIẾN HÒA (Theo Time)

Chia sẻ bài viết