11/07/2009 - 08:55

Vòng đàm phán Doha bao giờ sẽ hoàn tất?

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới họp tại L’Aquila.
Ảnh: AFP

Trong phiên họp mở rộng của Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8) và Nhóm các nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất thế giới (G5) cùng Ai Cập, diễn ra ở L’Aquila (Ý) hôm 9-7, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Nghị trình toàn cầu”, trong đó kêu gọi hoàn thành hiệp định thương mại tự do toàn cầu (gọi tắt là Vòng đàm phán Doha) vào năm 2010 và ngăn chặn chiến tranh thương mại (các nước lo ngại khủng hoảng kinh tế có thể làm gia tăng các chính sách bảo hộ mậu dịch).

Vòng đàm phán Doha, được khởi động từ năm 2001 và ban đầu dự kiến kết thúc vào năm 2004, đã bế tắc do sự bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về nhiều vấn đề, trong đó có thuế quan và trợ cấp nông nghiệp. Tuyên bố cuối cùng của MEF nêu rõ, để giải quyết những tồn tại, bộ trưởng thương mại các nước phải tìm ngay mọi biện pháp có thể và các biện pháp này cần được đưa ra thảo luận trước khi diễn ra hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Pittsburgh (Mỹ) vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, để hoàn thành hiệp định thương mại toàn cầu vào năm tới, trước sức ép phải bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, là vấn đề nan giải đối với các nhà lãnh đạo. Chống chủ nghĩa bảo hộ là giải pháp ngăn chặn suy thoái kinh tế thế giới, nhưng vấn đề là để bảo vệ việc làm trong nước đang buộc các nước hành động ngược lại. Chẳng hạn, trong gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỉ USD của Mỹ có bao gồm điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ”. Trong báo cáo hồi tuần rồi, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cho biết ngày càng có nhiều nước không giữ cam kết về tự do buôn bán. Ông Lamy cảnh báo rằng thương mại thế giới năm nay sẽ giảm 10%, trong đó xuất khẩu của các nước giàu sẽ giảm 14% và của các nước đang phát triển giảm 7%.

Đối phó khủng hoảng kinh tế, các nước tìm cách bảo vệ doanh nghiệp và nông dân trong nước bằng việc dựng lên những rào cản nhập khẩu. Điều này khiến thương mại thế giới bị chững lại. Cần nhắc lại rằng các rào cản này là yếu tố chính góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi thập niên 1930. Và một trong những lý do cuộc Đại suy thoái kéo dài là do các nước hành động độc lập để bảo vệ lợi ích riêng bằng cách định giá thấp tiền tệ. Đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã chỉ trích Anh vì không hành động để ngăn chặn sự rớt giá mạnh của đồng bảng Anh so với đồng euro. Mỹ cũng thường xuyên chỉ trích Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ, khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 266 tỉ USD hồi năm ngoái.

Xem ra khả năng hoàn tất Vòng đàm phán Doha vào năm tới là khá mong manh.

N.MINH (Theo Reuters, WSJ, LA Times)

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới họp tại L’Aquila. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết