29/04/2021 - 09:07

Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện các biện pháp bảo đảm sản xuất thắng lợi vụ lúa hè thu 

Vụ lúa hè thu 2021, huyện Vĩnh Thạnh đưa ra kế hoạch tập trung nhân lực, huy động sức dân gia cố đê bao, nạo vét hệ thống kênh mương, tưới tiêu, đảm bảo an toàn sản xuất trong mùa khô hạn. Bên cạnh đó, nhiều cánh đồng lúa liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cũng được thực hiện với mong muốn gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong vụ lúa này.

Lúa hè thu ở huyện Vĩnh Thạnh phát triển tốt và hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa hè thu 2021 toàn huyện đã xuống giống tổng diện tích 24.018ha, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 149.700 tấn. Hiện lúa đang trong giai đoạn mạ, đòng và phát triển tốt. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, lúa hè thu phát triển tốt, ít sâu hại, đảm bảo đủ nước cung cấp trong suốt thời gian canh tác. Ðể vụ hè thu thắng lợi, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp huyện tích cực vận động bà con chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa kém hiệu quả. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa hè thu sắp gieo sạ. Chúng tôi hướng dẫn bà con sản xuất đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ hè thu ít nhất từ 15 đến 20 ngày, nhằm tiêu diệt các mầm bệnh, sâu hại tồn động trên đồng ruộng…”.

Mặc dù lúa hè thu huyện Vĩnh Thạnh phát triển tốt, nhưng sâu hại, như: bù lạch vẫn xuất hiện rải rác tỉ lệ 2-3% trên trà lúa đẻ nhánh, tập trung ở các xã Nam Cái Sắn; sâu cuốn lá xuất hiện rải rác với mật số 3-5 con/m2, tuổi 2-3 phân bố ở xã Vĩnh Bình và xã Vĩnh Trinh trên trà lúa đẻ nhánh; rầy nâu di trú không đáng kể do mật số thấp… Ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tập trung hướng dẫn người dân cách phòng trị, ngăn ngừa dịch hại phát triển, phá hại mùa màng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vụ lúa hè thu năm nay nông dân tập trung sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ruộng lúa của tôi cũng như bà con tại địa phương phát triển tốt, không thiếu nước sản xuất trong mùa khô hạn. Ðó là nhờ chính quyền địa phương vận động bà con trong cùng cánh đồng liên kết nạo vét kênh thủy lợi, mương rạch nội đồng để trữ nước, phục vụ sản xuất. Hiện nay, mùa mưa đến, nước phục vụ sản xuất lúa hè thu đảm bảo và thuận lợi hơn, hạn chế được chi phí bơm tát nước vào ruộng lúa...”.

Vụ mùa hè thu, huyện Vĩnh Thạnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, được thị trường chấp nhận, doanh nghiệp có nhu cầu bao tiêu. Các giống lúa mà địa phương chọn gieo trồng, như: OM5451, OM4218 và một số giống khác phù hợp được doanh nghiệp đặt hàng. Ðồng thời, ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân trước khi gieo sạ từ 5 đến 7 ngày phải thử độ nảy mầm của hạt giống, từ đó loại bỏ lô giống có tỷ lệ nảy mầm thấp hoặc thời gian nảy mầm kéo dài. Lượng giống gieo sạ hàng 80-120 kg/ha, sạ tay: 120-150 kg/ha trong vụ hè thu này.

Ðể thích ứng thời tiết khô hạn, sau khi lúa đông xuân 2020-2021 thu hoạch, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung hướng dẫn nông dân gia cố bờ vùng, bờ thửa để quản lý nước thuận lợi; trang sửa, trục, trạc tạo mặt ruộng bằng phẳng; nạo vét mương, rãnh tưới tiêu đủ sâu, đủ rộng để việc tưới tiêu được thuận lợi; thu gom, diệt trừ tốt ốc bươu vàng trên nền ruộng trước, trong và sau khi xuống giống, nhất là trong giai đoạn lúa non; phát huy tốt hiệu quả hoạt động của các trạm bơm điện... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng thân thiện môi trường, nhằm hạn chế sâu bệnh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm như kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới ướt khô xen kẽ. Tổ chức các điểm trình diễn để nông dân tiếp cận quy trình sản xuất theo các kỹ thuật nêu trên. Tạo thuận lợi để doanh nghiệp liên kết nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa, liên kết trong sản xuất và bao tiêu lúa giống. Vận động nông dân tuân thủ thỏa thuận về áp dụng quy trình sản xuất trong hợp đồng bán lúa hàng hóa với doanh nghiệp…

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, ngoài giải pháp trên, địa phương còn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Củng cố và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch hại lúa các cấp, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò lực lượng khuyến nông, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật cơ sở. Tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình rầy vào đèn, dịch hại trên đồng ruộng; thông tin dự báo tình hình dịch hại kịp thời, chính xác đến nông dân, đồng thời tổ chức phòng trừ hiệu quả không để dịch hại gây hại diện rộng… Trong quá trình thực hiện, các trạm, đơn vị có liên quan trực thuộc Phòng NN&PTNT, UBND xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi và báo cáo những thuận lợi và khó khăn về UBND huyện, Phòng NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ bà con nông dân tháo gỡ khó khăn.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Vụ lúa hè thu 2021, Vĩnh Thạnh tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, số lượng lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm với các mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chăm sóc lúa, không chủ quan lơ là, phải thăm đồng thường xuyên để bảo vệ tốt ruộng lúa, sản xuất thắng lợi vụ mùa này…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết