30/01/2024 - 09:46

Vĩnh Thạnh tập trung chăm sóc lúa đông xuân 

Vụ lúa đông xuân 2023-2024, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) sản xuất với tổng diện tích 24.780ha. Hiện trà lúa chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trổ, chắc xanh và phát triển tốt. Tuy nhiên, tình hình thời tiết và dịch hại diễn biến phức tạp, nông dân không nên chủ quan mà cần chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa, nhất là vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp đến.

Hệ thống bơm tát, dự trữ, dẫn nước vào đồng ruộng tại huyện Vĩnh Thạnh được kiểm tra an toàn, sẵn sàng phục vụ khi ruộng lúa đông xuân thiếu nước.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện phát triển tốt, năng suất dự kiến trên 7 tấn/ha, sản lượng ước trên 217.200 tấn lúa khô. Ðể đạt hiệu quả trong sản xuất, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân đảm bảo yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và sử dụng giống bền vững, phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường; tập trung sản xuất nhóm giống lúa thơm, đặc sản như Jasmine 85, Ðài Thơm 8, OM 18, RVT… Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ðến thời điểm này, ruộng lúa của tôi cũng như của bà con tại địa phương đều phát triển tốt và gặp thuận lợi về thời tiết. Gia đình tôi canh tác 10 công lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận. Lúa hơn 2 tháng tuổi, phát triển tốt nhờ canh tác theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, hạn chế phun xịt thuốc, bón phân nên cũng ít tốn chi phí. Vụ này, khả năng lúa trúng mùa rất cao, bởi đồng ruộng bồi bổ phù sa, nguồn nước đầy đủ cho lúa phát triển. Cánh đồng của tôi có hệ thống đê bao, thủy lợi khá tốt nên thuận lợi trong chăm sóc, dự trữ nước”.

Ðể sản xuất lúa đông xuân và các vụ lúa trong năm đạt hiệu quả cao, năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện nhiều công trình thủy lợi. Trong đó, địa phương đã thực hiện thủy lợi mùa khô với khối lượng nạo vét 57.450m3, đạt 100,09% kế hoạch, kinh phí thực hiện 1,436 tỉ đồng; triển khai thi công nhiều công trình vốn ngân sách nhà nước, gồm nâng cấp đê bao Kênh Sườn (từ kênh Hải Nàm - Xẻo Xanh), xã Thạnh Mỹ và vùng đê bao kênh 300 - Kênh Sườn, xã Thạnh Lộc; nâng cấp đê bao Kênh 1000, xã Thạnh Tiến và vùng đê bao kênh 500 - kênh Ðích, xã Thạnh Tiến... với khối lượng thực hiện 149.029m3, đạt 68,02% kế hoạch năm... Trong năm, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cũng tăng cường kiểm tra đê bao trong mùa mưa, bão, triều cường. Qua đó đã nạo vét, gia cố lại các tuyến kênh để bảo vệ sản xuất các vụ lúa, rau màu, vườn cây ăn trái trong năm.

Ngoài cơ sở hạ tầng nông nghiệp được đầu tư thực hiện, vụ lúa đông xuân này huyện Vĩnh Thạnh còn tập trung hướng dẫn nông dân ứng dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến vào sản xuất, như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp… vào sản xuất. Thời gian qua, lúa đông xuân phát triển khá tốt, có nhiều đối tượng sâu bệnh xuất hiện trên ruộng lúa nhưng ở mức độ thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, do diện tích lúa trổ và chắc xanh đang tăng nhanh vào dịp Tết Nguyên đán, bên cạnh đó thời tiết se lạnh và có sương mù về đêm, sáng sớm, thích họp cho nhiều đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh, phát triển, như rầy nâu, rầy phấn trắng, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn bông và bệnh lem lép hạt trên lúa. Trong đó rầy nâu là đối tượng cần đặc biệt quan tâm theo dõi và phòng trị khi mật số lên cao. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Do thời tiết se lạnh, có sương mù… là điều kiện để sâu bệnh, dịch hại xuất hiện phá hại. Dự báo mật số rầy sẽ gia tăng từ nay đến Tết và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, do đó nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi kỹ ruộng lúa để chủ động phòng trừ kịp thời khi phát hiện mật số rầy lên cao...”.

Ðể chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại lúa nói chung, rầy nâu nói riêng nhằm bảo vệ tốt lúa đông xuân, nhất là trong khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, UBND huyện Vĩnh Thạnh xây dựng Kế hoạch bảo vệ lúa đông xuân 2023-2024, đồng thời phân công cụ thể từng cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật theo dõi từng cánh đồng. Cán bộ kỹ thuật tham gia phòng, chống rầy nâu phải bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến sâu bệnh nói chung, rầy nâu nói riêng để kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trị hiệu quả. Tập trung tuyên truyền, vận động nông dân phòng trừ, hạ thấp mật số rầy xuống mức an toàn trước khi đón Tết.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại lúa trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phối hợp Trạm Khuyến nông và UBND các xã, thị trấn thuộc địa bàn được phân công tổ chức thăm đồng, nắm sát tình hình sâu bệnh, hướng dẫn phòng trừ; UBND các xã, thị trấn phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức rà soát tình hình sâu bệnh trên địa bàn, đặc biệt là rầy nâu, bệnh đạo ôn, rầy phấn trắng… và kịp thời thông báo đến tận xóm, ấp để nông dân biết, chủ động theo dõi và phòng trừ hiệu quả trước khi đón Tết. Ðối với khu vực có nguy cơ cao về dịch hại cần tổ chức thành đoàn thăm đồng để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ an toàn lúa, không vì đón Tết mà để lúa bị thiệt hại do sâu bệnh, nhất là rầy nâu…

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhấn mạnh: “Lúa đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, do đó địa phương chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn, hiệu quả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Không để rầy nâu và các loại dịch hại khác phát triển, gây thiệt hại trên diện rộng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Vụ lúa đông xuân 2023-2024, Vĩnh Thạnh tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, số lượng lớn, an toàn thực phẩm với mô hình tổ hợp tác, cánh đồng lớn, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp liên kết sản xuất… nhằm đạt được mục tiêu mang lại lợi nhuận cao nhất cho nông dân”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết