24/08/2018 - 07:23

Vĩnh Thạnh bảo vệ lúa thu đông mùa lũ 

Đầu tháng 8-2018, nước lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường, mực nước trên sông, rạch ở huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh lên cao, đe dọa sản xuất nông nghiệp... Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cùng nông dân tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới gia cố đê bao, bảo vệ lúa…

TẬP TRUNG SẢN XUẤT

Dọc theo con lộ bê tông nối liền các xã Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh là những cánh đồng lúa xanh rì, tươi tốt đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Tiếng cười nói, chuyện trò rôm rả của bà con chăm sóc lúa làm cho cánh đồng vui hẳn lên. Mặc dù trong những ngày qua, thời tiết không thuận lợi, trời mưa lớn, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Thạnh Thắng vẫn gia cố đê bao, phòng ngừa nước lũ lên cao, nhấn chìm lúa. Ông Tâm cho biết: “Vụ thu đông năm nay, gia đình tôi gieo sạ trên 10 công đất. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” lúa phát triển tốt, giảm chi phí sản xuất. Nhưng năm nay mới đầu tháng 7 âm lịch mà nước lũ lên cao, lo ngại gây hại lúa thu đông. Hiện chúng tôi đang tập trung gia cố đê bao, nâng cao mặt đê ngăn chặn nước lũ, ảnh hưởng lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện”.

Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đóng cừ, gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông khi nước lũ về. Ảnh: HÀ VĂN
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đóng cừ, gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông khi nước lũ về. Ảnh: HÀ VĂN

Không riêng gì gia đình ông Tâm mà hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng bắt tay vào  bảo vệ lúa thu đông, tránh thiệt hại do lũ gây ra. Vụ thu đông năm nay, bà con nông dân huyện Vĩnh Thạnh gieo sạ trên 21.000ha, chủ yếu là các giống lúa OM 5451, 4218, nếp, và các giống lúa thơm đặc sản. Do đặc thù thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh chia làm 2 giai đoạn xuống giống cho vùng Nam Cái Sắn và Bắc Cái Sắn. Trà lúa thu đông phía Nam Cái Sắn đang trong giai đoạn đòng, trổ, một số đồng lúa đã vào chắc. Phía Bắc Cái Sắn lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ, cứng cây và có khả năng bị đe dọa khi lũ chính vụ đổ về.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để có một vụ lúa thu đông thắng lợi tránh tình trạng dịch bệnh, sâu hại phá hoại chúng tôi hướng dẫn bà con ứng dụng các biện pháp sản xuất “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch bệnh tổng hợp vào sản xuất; ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn còn hỗ trợ bà con bảo vệ đê bao, tập trung phương tiện bơm tát hạn chế tác hại do lũ. Đặc biệt, khi lúa bắt đầu vào giai đoạn chín, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thu hoạch ngay, tránh lũ về nhanh, gây thiệt hại; đồng thời, sau thu hoạch khuyến cáo bà con mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa cho vụ đông xuân sắp tới”.

BẢO VỆ LÚA THU ĐÔNG

Vĩnh Thạnh là huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ và là địa phương có mực nước lũ về cao nhất so với các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố. Do đó, hằng năm, khi mùa nước lũ về, bà con nông dân mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa. Bởi, đây là việc làm cần thiết, không chỉ bồi đắp phù sa màu mỡ  đất sản xuất lúa mà còn là biện pháp khoa học, nhằm dội rửa mầm bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ gây hại cho vụ lúa sau. Ông Trần Văn Hai, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nước lũ về, ngoài nguồn lợi thủy sản còn mang theo phù sa bồi bổ cho ruộng đồng. Đây là lượng dinh dưỡng tạo màu mỡ cho đất và là điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất lúa đông xuân tới, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, năm nay lũ về sớm, lúa thu đông đang bị đe dọa nên chúng tôi phải thăm đồng thường xuyên”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, những ngày qua (giữa tháng 8-2018), nước lũ lên nhanh làm mực nước trên kênh rạch và nội đồng tăng nhanh. Mực nước lũ trên kênh Cái Sắn đo được tại trạm Thạnh An là 1,14m, cao hơn so với cùng kỳ khoảng 15cm và đã có hơn 4.500ha lúa thu đông ở các xã Thạnh Lợi, Thạnh An, Thạnh Tiến, Thạnh Quới, Thạnh Mỹ và Vĩnh Bình bị đe dọa. Chính quyền địa phương đã vận động nhân dân gia cố, bồi đắp ở những đoạn đê thấp, yếu; các tổ liên kết sản xuất cũng đã tiến hành đặt máy bơm rút nước; các trạm bơm điện cũng bắt đầu hoạt động 24/24 giờ… Để giúp các địa phương trên địa bàn bảo vệ an toàn diện tích lúa thu đông, huyện Vĩnh Thạnh cũng huy động thêm 10 phương tiện cơ giới túc trực tại các cánh đồng để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố bất thường, lũ đột ngột lên nhanh, hại lúa. Số phương tiện này sẽ tăng gấp đôi trong cuối tháng 8 và những tháng tới để sẵn sàng hộ đê, cứu lúa. Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Thạnh cũng triển khai thực hiện 12 công trình thủy lợi, như: gia cố, bồi đắp đê bao; gia cố các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở, vỡ đê… Tổng chiều dài các công trình trên 42,5km, kinh phí thực hiện hơn 11,6 tỉ đồng.

Mới đây, ông Đỗ Thanh Thảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Thạnh và lãnh đạo UBND huyện, ngành chức năng kiểm tra, khảo sát thực tế  tình hình sản xuất lúa thu đông và công tác phòng tránh lũ các xã, thị trấn trên địa bàn. Ông Đỗ Thanh Thảo yêu cầu: “Ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn khẩn trương huy động nhân lực, vật lực tại chỗ cùng với bà con nông dân gia cố các đoạn đê bao xung yếu; bồi đắp cống, đập đảm bảo an toàn lúa thu đông khi lũ chính vụ đổ về. Trạm Thủy lợi huyện thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn để kịp thời thông báo bà con nông dân ứng phó, phòng ngừa; cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa thu đông cho bà con nông dân; chủ động xây dựng kế hoạch nâng cấp toàn tuyến các đê bao bảo vệ lúa để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho các vụ mùa tiếp theo…”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết