14/10/2013 - 21:16

Vĩnh biệt “đệ nhất danh ca tài tử” Nam bộ

Nghệ nhân ca tài tử Bạch Huệ đã qua đời vào ngày 12-10-2013, ở tuổi 80. Trái tim người nghệ sĩ được xem là "bậc thầy" của nghệ thuật ca tài tử Nam bộ, người con ưu tú của quê hương Cần Thơ, đã ngừng nhịp, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người mộ điệu và là khoảng trống không gì bù đắp cho đờn ca tài tử Nam bộ.


Hầu như Liên hoan Đờn ca tài tử TP Cần Thơ lần nào cô Bạch Huệ cũng nhận lời mời làm giám khảo. Trong Liên hoan cách đây 2 năm, cô bị tai nạn gãy chân, phải chống nạng, nhưng cô vẫn bước lên sân khấu hát vài điệu thức đờn ca tài tử để tặng khán giả. Cô từng tâm sự: "Về Cần Thơ, về quê nhà, cô có cảm giác ấm cúng lắm! Nhìn các em cháu đờn ca tài tử say sưa, yêu nghề vầy là cô mừng vô cùng".

 Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ.
Ảnh: cailuongvietnam.vn
 

Nghệ nhân Bạch Huệ tên thật là Huỳnh Thị Huệ, sinh năm 1933 tại Cần Thơ. Thuở nhỏ, cô sống với gia đình trong con hẻm nhỏ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Ninh Kiều ngày nay. Cô là một trong những nghệ nhân đờn ca tài tử gạo cội, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật, cha là nhạc sư đờn kìm Sáu Tửng nổi danh từ những năm đầu thế kỷ 20, anh trai là nhạc sĩ Huỳnh Anh, tác giả các ca khúc "Mưa rừng", "Hoa trắng thôi cài trên áo tím"… nên từ nhỏ cô đã được đào tạo giọng ca, nét diễn bài bản. Mới 13, 14 tuổi, cô đã có mặt khắp các "chiếu" tài tử ở vùng sông nước Cần Thơ. Theo cha mẹ lên Sài Gòn năm 14 tuổi, tài danh của cô nhanh chóng tỏa sáng, được mời hát ở các các sân khấu, rạp hát tại Sài Gòn và được mời thu thanh cho các hãng đĩa nổi tiếng. Sau ngày đất nước giải phóng, cô Bạch Huệ được thỉnh giảng ở các trường sân khấu.

Gần 60 năm theo nghiệp xướng ca, cô Bạch Huệ thường nói rằng đờn ca tài tử đã thấm vào máu của cô. Kiến thức được chân truyền và cách ca đúng điệu, đúng chất tài tử giúp cô Bạch Huệ được báo chí những năm 1950 bầu chọn là "đệ nhất danh ca tài tử" và đến nay vẫn có một không hai. Nghe cô Bạch Huệ hát giọng Oán với đờn theo dây hò nhì mới cảm nhận được hồn cốt của ca tài tử. Cô đã đào tạo hàng trăm học trò cho bộ môn nghệ thuật này.

Trọn cuộc đời cô cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Chắc hẳn cô Bạch Huệ và người mộ điệu đờn ca tài tử đang rất mong chờ ngày Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng cô đã không chờ được!

Xin vĩnh biệt nghệ nhân Bạch Huệ, người nghệ sĩ một đời "rút ruột nhả tơ"!

ĐĂNG HUỲNH

 

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô:
Nghệ nhân Bạch Huệ - một nghệ sĩ nghiêm túc với nghề

Từng ngồi ghế giám khảo với chị Bạch Huệ ở nhiều Liên hoan Đờn ca tài tử, điều ấn tượng nhất của tôi đối với chị là thái độ nghiêm túc với nghề. Thí sinh nào ca dối, chưa tới chữ đờn là chị rầy liền. Với nghệ nhân đờn cũng vậy, cầm cây đờn không đúng cách là chị không vừa lòng, nhắc nhở ngay.

Nhiều lần tôi tìm đến nhà chị để nhờ cung cấp thông tin về các văn nghệ sĩ quê Cần Thơ, chị nhiệt tình giúp đỡ, chân tình như người thân. Hai kỳ Giỗ Tổ Sân khấu 2009 và 2010, chị đều về Cần Thơ chung vui với anh em. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng chị cùng anh em ca hát thâu đêm. Chị nói: "Đâu gì bằng được đờn ca trên quê hương mình".

DUY LỮ (ghi)

Chia sẻ bài viết