31/10/2021 - 07:25

Việt Nam và các cam kết về biến đổi khí hậu 

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) từ ngày 31/10-3/11 có sự tham gia của đại biểu đến từ 197 nước thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó có gần 100 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước, hàng trăm các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí thế giới. Ðoàn đại biểu nước ta do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia hội nghị.

Một con đường của thành phố Liege, Bỉ, sau cơn lũ nghiêm trọng hồi tháng 7-2021. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Traudeau, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi… đã xác nhận tham gia hội nghị. Một số nhân vật quan trọng vắng mặt có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga  Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

COP là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ UNFCCC. Các kỳ hội nghị này đã giúp nhân loại nhận thức rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ Trái đất, bảo vệ chính mình. COP lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin (Ðức). COP3 diễn ra vào tháng 12-1997 tại Kyoto (Nhật Bản) đánh dấu mốc quan trọng khi thông qua được Nghị định thư Kyoto (có hiệu lực từ tháng 2-2005).

Tháng 12-2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại COP21 ở Paris, Pháp, trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận đạt được sau 2 tuần đàm phán căng thẳng với các phiên họp kín kéo dài suốt đêm, được xem như một cột mốc mang tính lịch sử. Nội dung chính của thỏa thuận là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Một nội dung quan trọng nữa là từ thời điểm đó đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỉ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris là văn bản thay thế khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí  hậu hết hiệu lực vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, năm 2019 đã chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp định Paris và COP25 tại Madrid (Tây Ban Nha) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. COP26 dự kiến diễn ra cuối năm 2020 nhưng đại dịch COVID-19 khiến hội nghị này chuyển sang năm 2021. Hy vọng vào thành công của COP26 tăng lên khi chính quyền Tổng thống Biden chính thức quay trở lại Hiệp định Paris vào ngày 19-2-2021.

Thế giới không có “hành tinh B”

Có thể nói Hiệp định Paris năm 2015 là một thành công mang tính biểu tượng cao trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, thực hiện Hiệp định Paris như thế nào lại là cả một câu chuyện dài. Mỗi quốc gia đều có cách diễn đạt cũng như kế hoạch khác nhau về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ Trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, một số quốc gia giàu có và nắm giữ nhiều công nghệ tối ưu lại cố tình “phớt lờ” trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Hậu quả là biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp tới  mức “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.

Báo cáo trước thềm COP26, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 25-10 cho biết mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm 2020 và xu hướng tăng này tiếp tục trong năm 2021. WMO cảnh báo với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng.

Trong bối cảnh đó, COP26 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị lịch sử ở Paris năm 2015 và được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến quan trọng trong việc đặt ra các mục tiêu về khí thải trên toàn thế giới nhằm làm chậm lại quá trình Trái đất ấm lên; cơ hội để giúp thế giới phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện với biến đổi khí hậu…Các bên sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện cam kết đến năm 2020; đưa ra cam kết cho giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực. Bên cạnh đó, các bên sẽ thảo luận về trình tự, thủ tục, thông tin cần thiết để đánh giá nội dung cam kết và việc thực hiện cam kết của một quốc gia...

Thỏa thuận mang tính đột phá đạt được tại Paris năm 2015 cho thấy các nước đã biết hợp sức để tạo ra một khuôn khổ chung, đưa thế giới phát triển đúng hướng một cách bền vững. Trước khi có Hiệp định Paris, cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố rằng thế giới chúng ta có hàng tỉ người song chỉ có một hành tinh để sinh sống là Trái đất và con người không thể có “kế hoạch B” bởi không có “hành tinh B”.

Vai trò chủ động của Việt Nam

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu. Là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong 3 thập kỷ qua và còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2020, Việt Nam đã nộp Ðóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Ban Thư ký UNFCCC. Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới nộp và là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật.

Tại COP21 năm 2015, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên bố Việt Nam đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng đã tích cực thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất…

 Tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an về an ninh khí hậu trong khuôn khổ khóa họp Ðại hội đồng LHQ tháng 9-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ biến đổi khí hậu là “mặt trận không tiếng súng” nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng. Chủ tịch nước đã chia sẻ 3 nội dung cần tập trung hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm nỗ lực xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động có các chiến lược, biện pháp về ngăn ngừa, xử lý hiệu quả; đặt lợi ích của người dân ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo;  bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực giúp triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các thỏa thuận quốc tế lớn khác. Chủ tịch nước cũng khẳng định Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon như đã cam kết tại COP21.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo COP26 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và một đối tác tin cậy và có trách nhiệm. Đây cũng là dịp để ta thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết