Bài, ảnh: GIA BẢO
Trong 35 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khẳng định vai trò là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua và trở thành điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Các DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam cũng có xu hướng mở rộng và phát triển sang các lĩnh vực công nghệ, năng lượng… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.
Thương mại - dịch vụ là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Sự dịch chuyển làn sóng FDI
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, dòng đầu tư nước ngoài chững lại kể từ giữa năm 2022 và có thể đi ngang trong năm 2023. Cạnh tranh thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo khảo sát tháng 1-2023 về môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), các DN thành viên EuroCham nhận định Việt Nam thuộc tốp 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Cụ thể, kết quả khảo sát cho biết, có 41% DN đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khoảng 35% cho rằng Việt Nam thuộc tốp 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu; 12% đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư quốc tế hàng đầu.
Còn theo kết quả khảo sát năm 2022 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với các DN Nhật đang hoạt động tại Việt Nam, có 60% cho biết sẽ “mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới” (cao nhất trong khối ASEAN). Hơn một nửa công ty Nhật Bản tại Việt Nam định hướng xuất khẩu và 22% là nhà xuất khẩu 100%. Các DN cũng nhận định, Việt Nam có lợi thế về tiềm năng tăng trưởng cao, DN có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu... Theo JETRO, quý I-2023, mặc dù giá trị đầu tư giảm, nhưng số lượng đầu tư vào Việt Nam tăng 53%, các DN Nhật Bản vẫn duy trì các khoản đầu tư thâm dụng vốn và đặt mục tiêu thâm nhập thị trường B2C và B2B đang mở rộng tại Việt Nam.
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư nước ngoài cuối tháng 4-2023, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, hiện có 9.000 DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992). Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất lịch sử là 87,7 tỉ USD. DN Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 700.000 lao động...
Theo Kocham, nhiều DN Hàn Quốc đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, các ngành công nghệ cao, giảm bớt tỷ trọng đầu tư các ngành thâm dụng lao động. Công ty Ðiện tử Samsung - DN Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam cũng đã đầu tư thêm 20 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Ðông Nam Á từ cuối năm 2022, nâng tầm Việt Nam thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển của Ðiện tử Samsung. Các công ty như Ðiện tử LG, LG Display, LG Innotek cũng đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng... Lotte đang coi Việt Nam như một cứ điểm toàn cầu khi có đến 19 công ty thành viên trong tập đoàn, bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, khách sạn, cửa hàng miễn thuế và công ty sản xuất đã đầu tư vào Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 ở mức 1,7% - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm, vì vậy các dòng đầu tư được dự báo có thể sụt giảm mạnh trong năm 2023. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho DN FDI và đã có sự dịch chuyển lớn dòng vốn FDI từ các quốc gia sang Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới.
Cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Trong tổng số trên 800.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có hơn 25.000 DN FDI. Phát biểu tại cuộc gặp gỡ với DN FDI vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn FDI. Trong ngắn hạn, ngoài tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam cần chuẩn bị đón làn sóng đầu tư. Cụ thể như: chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị của DN FDI, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích đầu tư. Trong dài hạn, tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư công bằng, thông thoáng, minh bạch; tăng cường năng lực DN trong nước; phát huy tối đa nguồn lực con người nhằm tạo sức mạnh nội sinh; tích cực đổi mới, sáng tạo, tăng kết nối trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng chính sách thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền…
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn đầu tư cho những dự án đang triển khai có hiệu quả tại Việt Nam. Còn theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), đến cuối tháng 4-2023, cả nước có 37.065 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 445,87 tỉ USD. Vốn thực hiện đạt hơn 279,8 tỉ USD, bằng gần 62% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Khối FDI hiện chiếm khoảng 74% kim ngạch xuất khẩu và 65,2% kim ngạch nhập khẩu trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 409 tỉ USD. Việt Nam hiện có 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng. Các DN FDI đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện rõ rệt uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với độ mở lớn của nền kinh tế như hiện nay, cùng với sự năng động, cam kết xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ… được kỳ vọng tạo nên bứt phá trong thu hút FDI giai đoạn tới.