08/10/2019 - 11:17

Viêm tụy cấp ở trẻ: Ít gặp nhưng nguy hiểm 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm tụy cấp khá hiếm gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu không phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.

Khuya 16-9, bé gái T.H.K.N (4 tuổi, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đột ngột đau bụng quanh rốn từng cơn, nôn ói nhiều lần, mức độ đau ngày càng tăng, mệt lừ, được người thân đưa nhập viện Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Mẹ bệnh nhi cho biết, chiều hôm trước bé ăn nhiều bánh gạo với cơm. Qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị phù nề quanh tụy. Bé được điều trị tích cực và theo dõi sát diễn tiến của bệnh. Qua đợt điều trị, bé giảm đau bụng, hết nôn ói và xuất viện sau 1 tuần nằm viện.

Theo bác sĩ Quách Thị Kim Phúc, bác sĩ chuyên khoa Nhi của BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua. Nếu chẩn đoán và xử trí muộn, bệnh diễn tiến phức tạp, gây mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, liệt ruột, hạ canxi máu… Tuyến tụy bị hoại tử và xuất huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Do vậy, bé nôn ói nhiều, lượng trẻ ói nhiều hơn lượng thức ăn ăn vào, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Sau khi điều trị viêm tụy cấp cần cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay gây kích thích… Cha mẹ cũng không nên ép trẻ ăn quá no hay quá nhu cầu hằng ngày, làm tăng hoạt động của các tuyến tiêu hóa, đặc biệt tuyến tụy sẽ gây ra quá trình tự tiêu, gây viêm tụy tái phát.

Bác sĩ Quách Thị Kim Phúc cho biết, tuyến tụy là một cơ quan của hệ tiêu hóa, tiết ra các men tiêu hóa giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn. Viêm tụy cấp là quá trình tự tiêu hủy của tuyến tụy, gây ra do men tụy, lan đến mô xung quanh và các cơ quan xa. Viêm tụy cấp có nhiều nguyên nhân như sỏi túi mật, thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chức năng… Nhưng ở trẻ em, bệnh thường không tìm được nguyên nhân, diễn tiến từ nhẹ đến nặng, dẫn đến tử vong.

Bệnh khởi phát đau bụng, xảy ra đột ngột, thường xuất hiện sau bữa ăn, nhất là bữa ăn có nhiều mỡ. Vị trí đau trên rốn, có thể đau thượng vị, 1/4 trên phải, hay đau bụng trái. Cơn đau bụng dữ dội đạt đến ngưỡng sau 10-20 phút, có thể kéo dài nhiều giờ. Trẻ có những triệu chứng trên cần được chẩn đoán, điều trị sớm, tránh bỏ sót bệnh hoặc điều trị muộn. Viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua. Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là phát hiện sớm và chẩn đoán đúng bệnh, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết