23/03/2019 - 10:01

Vị thế Cần Thơ trong quan hệ Việt-Pháp 

TP Cần Thơ ngày càng phát huy lợi thế, đóng vai trò quan trọng, góp phần vun đắp mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có Pháp.

Việc tổ chức Ngày hội Pháp ngữ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp... là những sự kiện điển hình thể hiện vị thế của TP Cần Thơ trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược
Việt-Pháp.

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy và lãnh đạo sở, ngành chụp hình lưu niệm với Tổng Lãnh sự Floreani. Ảnh: ANH DŨNG

Quan hệ song phương đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược ngày 25-9-2013 nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp (13/4/1973 - 13/4/2018) và 5 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, đồng thời ghi nhận sự phát triển chưa từng có trong quan hệ song phương với các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe tháng 11. Gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng tại Canada hồi tháng 6-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm nay.

Trong các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực văn hóa, khẳng định quyết tâm đưa các thiết chế văn hóa của mỗi nước trở thành trung tâm hợp tác và giao lưu văn hóa lẫn nhau, cụ thể là Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Viện Pháp tại Việt Nam; tăng cường phối hợp bảo đảm thành công Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 11 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4-2019 tại thành phố Toulouse. Lãnh đạo hai nước cũng  nhất trí tăng cường trao đổi tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; đồng thời phát huy vai trò của các cơ chế điều phối, chỉ đạo hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối hợp tác kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không - vũ trụ, y tế, khoa học - công nghệ, truyền thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh...

 Pháp là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương châu Âu hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỉ USD (tính từ năm 1993). Việt Nam là một trong số ít quốc gia được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp là ODA từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Pháp cũng đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 512 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỉ USD. Đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo...

 Ở lĩnh vực thương mại, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm 2017 đạt 4,62 tỉ USD và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018, trong đó Việt Nam nhiều năm liền thặng dư. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Pháp các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép các loại; máy vi tính và linh kiện; gỗ và các sản phẩm gỗ; thủy sản... Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là nhóm hàng dược phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng.

Những dấu ấn đậm nét của Cần Thơ

Về phần mình, năm 2018 TP Cần Thơ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp. Có mặt tại sự kiện này, ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh phát biểu: Với nền tảng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp, lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Đây là một trong những hoạt động giao lưu hữu nghị nhằm quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của nước Pháp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng với nhân dân Pháp. Lễ kỷ niệm này là cơ hội để người dân hai nước trao đổi những hiểu biết và kinh nghiệm với nhau trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế… Tổng Lãnh sự Floreani cam kết sẽ làm "cầu nối" đưa nhiều nhà đầu tư, khách du lịch từ Pháp đến Cần Thơ tham quan và đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên mời gọi của thành phố hiện nay như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, du lịch…; tạo điều kiện thuận lợi liên kết sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thực phẩm…

Chiều 9-3-2019, trong khuôn khổ Ngày hội Pháp ngữ khu vực ĐBSCL lần thứ 22, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đã tiếp ông Vincent Floreani. Đồng chí Bí thư bày tỏ phấn khởi với mối quan hệ hợp tác toàn diện, đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Riêng TP Cần Thơ nhiều năm qua đã tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa, ngoại giao nhân dân với các địa phương của Pháp. Cụ thể, thành phố đã kết nghĩa với thành phố Nice năm 2011, qua đó từng bước tạo thuận lợi cho việc hợp tác trên các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, du lịch... Tháng 9-2016, thành phố tổ chức Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần 10 với chủ đề: "Hướng tới đối tác kinh tế hiệu quả và bền vững", với sự tham dự của đại diện các địa phương của Việt Nam và Pháp; đại diện các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp hai nước. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp được đánh giá đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, xây dựng quan hệ giữa Việt Nam và Pháp; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ở Việt Nam.  Hiện có khoảng 19 địa phương Pháp đã và đang triển khai các dự án hợp tác với 17 địa phương của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, Pháp ngữ, văn hóa - di sản, xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, phát triển nông thôn, khoa học công nghệ, môi trường, nước sạch, vệ sinh.

Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung cho biết, các doanh nghiệp Pháp đến nay đã đầu tư vào TP Cần Thơ 6 dự án với tổng vốn 7,5 triệu USD. Đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của Pháp đối với TP Cần Thơ, nhất là việc hỗ trợ vốn ODA để thực hiện Dự án trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Dự án xây dựng bờ kè ứng phó với biến đổi khí hậu với tổng giá trị hơn 38 triệu euro. Cùng với đó, các dự án viện trợ của các tổ chức phi chính phủ Pháp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đã và đang góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Năm 2018, thành phố đã xuất khẩu sang Pháp các mặt hàng gạo, thủy sản, may mặc đạt giá trị 22 triệu USD và nhập khẩu các mặt hàng phân bón, hóa chất trị giá 7,7 triệu USD. Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư từ Pháp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, thương mại; hỗ trợ thực hiện việc tôn tạo, giữ gìn một số công trình kiến trúc do Pháp xây dựng; hợp tác thực hiện dự án Khu công nghệ thông tin tập trung TP Cần Thơ và dự án Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vĩnh Thạnh.

 Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Pháp ngữ khu vực ĐBSCL chiều 9-3 tại TP Cần Thơ, Tổng Lãnh sự tại TP Hồ Chí Minh Vincent Floreani khẳng định Cần Thơ là một trong những thành phố năng động nhất trong các hoạt động cộng đồng Pháp ngữ, giúp duy trì phát triển tiếng Pháp tại khu vực, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam từng tổ chức hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 năm 1997 tại Hà Nội. Ngày nay, cộng đồng Pháp ngữ quy tụ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Pháp và Việt Nam là những thành viên tích cực của cộng đồng. 

PHÚC NGUYÊN

Chia sẻ bài viết