30/07/2021 - 00:23

Vì sao Trung Quốc “ve vãn” Taliban? 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 28-7 đã đón tiếp phái đoàn cấp cao của Taliban, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên trở nên nồng ấm trước thời điểm Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8. Giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Taliban tồn tại rất ít điểm chung về ý thức hệ, song giới phân tích cho rằng vì các lợi ích chiến lược riêng, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua những khác biệt nhạy cảm.

Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và lãnh đạo văn phòng chính trị của nhóm ở Qatar, đã dẫn đầu phái đoàn 9 thành viên tới Trung Quốc để họp bàn với Ngoại trưởng Vương Nghị ở thành phố Thiên Tân trong chuyến thăm kéo dài hai ngày, theo lời mời của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp lãnh đạo Taliban Baradar hôm 28-7. Ảnh: Tribune

Tại cuộc gặp, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá Taliban là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt, sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải và tái thiết tại Afghanistan. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc Mỹ và các đồng minh vội vã rút lực lượng khỏi Afghanistan “thể hiện sự thất bại” trong chính sách của Washington đối với nước này. Trung Quốc “không ưa” sự can thiệp của Mỹ, nhưng cũng lo ngại Washington rút quân khỏi Afghanistan có thể tạo đà phát triển cho các nhóm cực đoan như Phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan (ETIM), tổ chức lâu nay đe dọa thành lập nhà nước độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Củng cố an ninh

Afghanistan có chung đường biên giới dài 76km với Trung Quốc và tuyến biên giới này chạy dọc vùng Tân Cương. Khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại ở Afghanistan, nhất là tại những khu vực giáp biên giới Trung Quốc và việc duy trì ổn định sau nhiều thập kỷ chiến sự ở quốc gia láng giềng là hai điều khiến Bắc Kinh đặc biệt quan tâm. Nhưng nếu sự ổn định đó đòi hỏi một chính phủ do Taliban lãnh đạo, đây sẽ là một mối lo lớn đối với Trung Quốc bởi Taliban rất có khả năng sẽ hậu thuẫn cho lực lượng Hồi giáo ly khai ở Tân Cương.

Do vậy tại cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bày tỏ hy vọng Taliban cắt tất cả quan hệ với ETIM. Ông Vương nhấn mạnh “ETIM bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc coi là tổ chức khủng bố quốc tế và đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Phía Taliban cũng cam kết với Trung Quốc rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị lợi dụng để chống phá an ninh của bất kỳ quốc gia nào. Trước đây, Ngoại trưởng họ Vương cũng đã nhiều lần công khai rằng Bắc Kinh bất an trước việc Taliban vẫn chưa đoạn tuyệt với tất cả các lực lượng khủng bố để quay về với dòng chảy chính trị Afghanistan cùng “một thái độ tích cực đối với đất nước và người dân”. “Chúng tôi hy vọng Taliban Afghanistan sẽ đặt lợi ích của đất nước và dân tộc lên trên hết, giương cao ngọn cờ hòa đàm, đặt ra mục tiêu hòa bình, xây dựng một hình ảnh tích cực và theo đuổi một chính sách tính tới tất cả các bên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.

Giới phân tích nhận định bất kể Taliban có thể trở lại nắm quyền hay không, họ vẫn là lực lượng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chính trị và an ninh của Afghanistan. Theo Yan Wei, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Ðại học Tây Bắc ở Trung Quốc, Taliban có thể kiềm chế một số tổ chức khủng bố ở Afghanistan. Bắc Kinh có thể thông qua Taliban đưa ra những ràng buộc nhất định đối với các nhóm khủng bố và điều này giúp ích cho an ninh của Trung Quốc cũng như khu vực. Ngược lại, thông qua tài khoản Twitter, người phát ngôn Taliban Mohammed Naeem cho biết Trung Quốc tái cam kết tiếp tục hỗ trợ cho người Afghanistan và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này. Theo ông Naeem, Bắc Kinh cũng hứa giúp khôi phục hòa bình và giải quyết các vấn đề tại Afghanistan.

Mở rộng BRI

Ngoài ra, với Bắc Kinh, một chính quyền ổn định và sẵn sàng hợp tác ở Kabul cũng sẽ mở đường cho việc mở rộng sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) sang Afghanistan và các nước Trung Á. Taliban coi Trung Quốc là một nguồn đầu tư và hỗ trợ kinh tế quan trọng. Hồi đầu tháng này, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen cho rằng sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ phải đàm phán với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất ở Afghanistan. Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào nước này, bao gồm cam kết “rót” 3 tỉ USD để phát triển mỏ đồng Aynak.

Theo Thierry Kellner, giáo sư khoa học chính trị tại Ðại học Tự do Bruxelles (Bỉ), Trung Quốc từ lâu đã có các mối quan hệ “hậu trường” không chính thức với Taliban thông qua Pakistan và nó cho phép Trung Quốc “tránh được những cuộc tấn công lớn của phiến quân nhằm vào các dự án của mình ở Afghanistan”. Trung Quốc thậm chí từng đón một phái đoàn gồm 9 thành viên Taliban đến Bắc Kinh hồi năm 2019.

Taliban đã phát động một loạt cuộc tấn công, chiếm các huyện và cửa khẩu biên giới trên khắp đất nước trong khi các cuộc hòa đàm ở Qatar không đạt được tiến triển đáng kể. Cán cân chiến lược tại Afghanistan đang nghiêng về Taliban, khi nhóm phiến quân đã kiểm soát hơn 200 trong số 419 trung tâm huyện lỵ của quốc gia Tây Nam Á. Trong chuyến công du Nga mới đây, một phái đoàn khác của Taliban tuyên bố họ đang kiểm soát 90% đường biên giới và 85% lãnh thổ Afghanistan.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết