07/05/2014 - 14:07

Vì sao Trung Quốc không muốn là “trùm” kinh tế thế giới?

Phố Đông (Thượng Hải) nhìn từ trên cao. Ảnh: CNN

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ vào cuối năm nay để trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại muốn chối bỏ danh hiệu được cho là "danh giá" này.

Theo CNN, Mỹ đã qua mặt Anh trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và tận hưởng quyền lực mà danh hiệu này mang lại trong suốt hơn 140 năm qua. Tuy nhiên, một báo cáo của Chương trình so sánh quốc tế thuộc WB mới đây cho thấy Trung Quốc sẽ có thể "soán ngôi" Mỹ trong năm nay tính theo phương pháp sức mua tương đương (PPP). Theo báo cáo, nền kinh tế Trung Quốc có quy mô 13,5 nghìn tỉ USD tính theo PPP năm 2011. Và trong giai đoạn 2011-2014, mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh là 24%, cao hơn nhiều so với con số 7,6% của Mỹ. Do vậy, GDP của Trung Quốc ước đạt 16,7 nghìn tỉ USD vào cuối năm nay, "nhỉnh" hơn con số 16,6 nghìn tỉ USD của Mỹ.

Tuy nhiên, thay vì tỏ ra tự hào về vị trí "trùm" kinh tế thế giới, Trung Quốc đã cố bác bỏ báo cáo của WB và ra sức ngăn chặn giới truyền thông trong nước công bố thông tin vụ việc. Giới phân tích cho rằng phản ứng của Bắc Kinh tương đối khó hiểu. Danh hiệu này được xem là mơ ước của biết bao quốc gia. Nó sẽ giúp củng cố tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về việc mang lại thịnh vượng và sự tôn trọng quốc tế đối với Bắc Kinh. Với danh hiệu siêu cường kinh tế thế giới cùng với sự suy giảm đáng kể của Mỹ, Trung Quốc sẽ có thể đạt được những thành công đáng kể trong việc thay đổi vị thế địa chính trị và kinh tế ở nhiều nơi, đặc biệt tại châu Phi, Mỹ La-tinh và Trung Đông.

Vì sao Trung Quốc lại không thích danh hiệu này? CNN cho rằng chính quyền Bắc Kinh một mặt muốn lấy danh hiệu này của Mỹ, mặt khác lại không muốn thực thi các nhiệm vụ quốc tế đi kèm với vị trí đó. Nếu trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể sẽ được kêu gọi đóng góp nhiều hơn cho công tác viện trợ quốc tế và ngân sách Liên Hiệp Quốc (LHQ). Được biết, hiện Bắc Kinh chỉ đóng góp 5% ngân sách LHQ trong khi con số đó của Mỹ là 22%. Một mối lo ngại lớn nữa của Trung Quốc đó là vị thế siêu cường mới này có thể gây khó khăn cho vị thế đàm phán của họ trong các cuộc họp về biến đổi khí hậu. Về góc độ địa chính trị, rủi ro từ vị thế số một thế giới là không thể lường được trước. Mỹ và đồng minh có thể tìm cách cân bằng quyền lực chống lại Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc hiểu quá rõ rằng báo cáo của WB chỉ là lý thuyết. Nó sẽ chẳng thay đổi được gì, người dân Trung Quốc sẽ không cảm thấy đột nhiên giàu lên hoặc biết ơn chính phủ. Còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, báo cáo này chỉ mang tính học thuật. Họ chỉ quan tâm đến hai điều. Một là thu nhập bình quân đầu người - yếu tố quyết định sức tiêu thụ hàng hóa của người dân. Hai là tính cạnh tranh, trong đó bao gồm các thể chế chính trị, công nghệ, đột phá và sự phát triển của ngành tài chính.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Reuters)

Trung Quốc viện trợ bổ sung cho châu Phi hơn 12 tỉ USD

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 5-5 cho biết sẽ viện trợ bổ sung ít nhất 12 tỉ USD cho châu Phi, đồng thời chia sẻ công nghệ tiên tiến nhằm giúp lục địa đen phát triển đường cao tốc. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ tăng mức tín dụng cho châu Phi thêm 10 tỉ USD và bổ sung 2-5 tỉ USD cho Quỹ phát triển Trung Quốc - châu Phi. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ viện trợ 100 triệu USD cho châu Phi để bảo vệ động vật hoang dã.

Chia sẻ bài viết