15/11/2023 - 00:10

Vì sao ông Cameron trở lại? 

Theo giới phân tích, việc cựu Thủ tướng Anh David Cameron trở lại chính trường cho thấy nỗ lực đưa chính phủ trở lại trung tâm, hòa nhập với phe trung dung trong bối cảnh người dân mệt mỏi về tình hình chính trị hỗn loạn.

Thủ tướng Sunak (phải) và ông Cameron. Ảnh: No 10 Downing Street

Ngày 13-11, Số 10 Phố Downing thông báo cựu Thủ tướng Cameron được mời gia nhập chính phủ ở cương vị Ngoại trưởng. Ðây là một phần của cuộc cải tổ nội các rộng lớn, gây chú ý trong đó còn có vụ Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman bị sa thải và được thay bởi Ngoại trưởng James Cleverly.

Trả lời phỏng vấn, ông Cameron bày tỏ tin tưởng vào chính phủ và kỳ vọng kinh nghiệm bản thân có thể hỗ trợ Thủ tướng Rishi Sunak giải quyết những thách thức quan trọng. Ông Cameron từng lãnh đạo đảng Bảo thủ giai đoạn 2005-2016 và đắc cử Thủ tướng từ năm 2010. Ðến năm 2016, ông từ chức và rút khỏi Hạ viện sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) do mình đề xướng. Sự kiện đó từng gây chấn động lớn cho xã hội khi mà quá bán cử tri Anh, trái với suy nghĩ của ông Cameron, đã bỏ phiếu rút nước này khỏi EU (Brexit). Gần như sau một đêm, những chính sách tiêu biểu như ủng hộ môi trường, cải cách xã hội và quan điểm về chủ nghĩa bảo thủ tự do trung dung của ông Cameron bị gạt sang một bên, để lại khoảng trống quyền lực cho cánh hữu.

Kể từ khi tiếp nhận vai trò lãnh đạo cách đây hơn một năm, Thủ tướng Sunak đã nỗ lực ổn định chính phủ hỗn loạn kế thừa từ người tiền nhiệm Liz Truss. Ðó là tình trạng lạm phát 2 con số, lãi suất không ngừng tăng và đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD sau nhiều thập kỷ trong bối cảnh đảng cầm quyền vật lộn khôi phục sự ủng hộ sau nhiệm kỳ thủ tướng của ông Boris Johnson vốn kết thúc bằng vụ bê bối tiệc tùng giữa COVID-19 khiến công chúng phẫn nộ. Bất chấp mục đích ổn định chính phủ, Thủ tướng Sunak liên tục gặp khó trong thuyết phục cử tri và người trong đảng về cá tính chính trị cũng như đường lối bảo thủ.

Nhưng giờ đây, với việc bổ nhiệm ông Cameron cùng lúc sa thải bà Braverman, các nhà phê bình cho rằng động thái này cho thấy chủ trương của Thủ tướng Sunak hợp tác với phe ôn hòa và tránh xa cuộc chiến văn hóa, chính sách dân túy từ thời ông Johnson. Trong thông báo, Phố Downing cũng nói rõ tân Ngoại trưởng Cameron sẽ chịu trách nhiệm duy trì ổn định tập thể. Ðây được cho là lý do bà Braverman không chỉ phải thôi chức bộ trưởng đầy quyền lực mà bị Thủ tướng Sunak mời ra hẳn khỏi Chính phủ Anh. Với tư cách Bộ trưởng Nội vụ, bà đóng vai trò trọng yếu giúp ổn định xã hội khi làn sóng đấu tranh, biểu tình và tuần hành đối chọi nhau diễn ra. Nhưng khi xung đột Israel - Hamas khiến tình hình chung xấu đi ở Anh, bà Braverman bị cho “thêm dầu vào lửa” với các phát biểu ủng hộ Tel Aviv chưa được Văn phòng Thủ tướng phê chuẩn. Trước  đó, bà cũng gây tranh cãi với lối hùng biện cực hữu về các vấn đề như tội phạm và nhập cư.

Do đó, với quyết định đưa ông Cameron trở lại chính trường, một số đảng viên Bảo thủ coi đây là ý tưởng hay giúp xoa dịu phe ôn hòa và thể hiện chính phủ nghiêm túc trở lại. Nhưng diễn biến này có thể chọc giận cánh hữu, đặc biệt khi ông Cameron từng thất bại trong vai trò lãnh đạo chiến dịch giữ Anh ở lại EU cũng như có thái độ quá thân Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, CNN)

 

Chia sẻ bài viết