30/12/2007 - 22:03

Công trình xây dựng cầu Cầu Nhiếm, huyện Phong Điền

Vì sao không giữ lời hứa với dân?

 Sau hơn hai năm thi công, công trình cầu Nhiếm chỉ mới hoàn thành phần bê tông mố trụ cầu và nền cát phần đường đầu cầu.
Dự án xây dựng cầu Cầu Nhiếm bắc qua sông Cần Thơ tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, được khởi công từ tháng 10-2005. Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong vòng 170 ngày… Để dự án được triển khai thực hiện tốt, nhiều người dân phải tháo dỡ nhà cửa, một số hộ mất trắng đất phải di dời đi nơi khác, chịu nhiều thiệt thòi vì lợi ích chung … Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, công trình cầu Cầu Nhiếm chỉ thi công được phần mố, trụ... rồi “im hơi lặng tiếng”, mặc cho người dân địa phương kiến nghị và mòn mỏi chờ đợi...

Dân đồng tình ủng hộ...

Tân Thới là xã anh hùng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau ngày đất nước giải phóng, chính quyền địa phương vận động nhân dân xây dựng lại quê hương. Tuy nhiên, mấy chục năm qua, người dân của 6/11 ấp ở bên kia sông, muốn đến trung tâm xã để giải quyết giấy tờ, khám chữa bệnh, mua bán ... phải qua sông bằng ghe máy hoặc bằng trẹt, tốn tiền và mất nhiều thời gian chờ đợi. Năm 2002, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ đã ra quyết định phê duyệt dự án công trình cầu Cầu Nhiếm với tổng số vốn đầu tư trên 4,2 tỉ đồng, do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2002-2003. Nhưng do thiếu vốn, mãi đến năm 2005, công trình mới bắt đầu triển khai thực hiện. Khi công trình hoàn tất, cầu Cầu Nhiếm sẽ đóng vai trò quan trọng, chẳng những giúp cho xã Tân Thới ấp liền ấp mà còn nối liền mạch giao thông với nhiều xã của các huyện lân cận, tạo điều kiện để xã Tân Thới phát triển kinh tế – xã hội.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Ơn, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Công trình ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con, nhất những hộ ở hai bên đầu cầu bị mất đất, phải di dời. Riêng trạm Y tế xã cũng phải phá bỏ một phòng bệnh để làm đường dẫn lên cầu. Vì vậy, thông qua các cuộc họp, địa phương sớm triển khai kế hoạch xây dựng cầu cho nhân dân biết, cũng như kiến nghị cùng các cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc”.

Anh Lê Văn Thôi, Trưởng ấp Trường Đông A, bộc bạch: “Những hộ dân có giấy tờ đầy đủ thì được bồi hoàn thỏa đáng, còn những trường hợp cất nhà tạm bợ, không giấy tờ thì gặp nhiều khó khăn. Như ấp Trường Đông A, khi tiến hành xây cầu, có 3 hộ mất trắng đất, phải di dời và mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 15 triệu đồng, nhưng vì lợi ích chung, các hộ này đã đồng ý di dời sớm, giao mặt bằng cho công trình”. Như trường hợp anh N.V.Đ, người dân ấp Trường Đông A, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, khi nhận 15 triệu đồng hỗ trợ di dời, gia đình anh lật đật tìm mua miếng đất sát kinh thủy lợi, để cất căn nhà nhỏ ở tạm, lòng những mong cầu xây dựng nhanh để phục vụ bà con.

Chị Lê Hồng Pha, người dân ở ấp Tân Long, nói: “Toàn bộ diện tích đất của ông bà để lại được 270m2. Mấy chục năm qua, dù cuộc sống túng thiếu nhưng vợ chồng tôi không dám nghĩ đến chuyện bán đất, dành dụm để sau này ra riêng cho 3 đứa con trai. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui, nếu ai cũng lo quyền lợi của mình thì biết bao giờ mới có cầu qua sông...Vì vậy, vợ chồng tôi đồng ý nhận tiền bồi hoàn, giao trên 150m2 đất cho công trình. Tuy nhiên, chính quyền chỉ đến vận động nhường đất, chứ không thấy đơn vị đầu tư, thi công đến bàn bạc cho dân biết hình dáng cây cầu sẽ bắc như thế nào. Nhưng chúng tôi nghĩ đây là lợi ích chung, nên hoàn toàn tin tưởng, không thắc mắc gì”. Cùng tâm trạng như chị Pha, gia đình bà Trần Thị Chín, ấp Tân Long, cũng đồng tình giao trên 200m2 đất để xây dựng đường dẫn công trình cầu Cầu Nhiếm mà không hề được biết cây cầu trong tương lai như thế nào!

Công trình thi công ì ạch...

Sau khi giải phóng mặt bằng, tháng 10-2005, công trình cầu Cầu Nhiếm chính thức khởi công, do Sở Giao thông - Công chính TP Cần Thơ làm chủ đầu tư và Công ty sửa chữa xây dựng công trình cơ khí giao thông 721, Khu quản lý đường bộ VII thi công, theo dự kiến 170 ngày sẽ hoàn thành. Thế nhưng, đến cuối tháng 12-2007, có mặt tại công trình, chúng tôi chứng kiến cảnh bà con lắc đầu ngao ngán. Sau hơn hai năm thi công, nhưng công trình chỉ mới hoàn thành phần bê tông mố trụ cầu, còn nền cát, phần đường đầu cầu – nơi Trạm Y tế xã và những hộ dân đã nhường đất - cỏ dại mọc đầy, mùa nắng bụi, cát bay mù mịt. Hỏi về công trình đang thi công, đa số người dân, thậm chí các cán bộ ấp, không biết công trình cầu Cầu Nhiếm có những hạng mục nào. Theo các đồng chí lãnh đạo xã, dù địa phương có Ban Giám sát cộng đồng, nhưng với công trình này, trong suốt quá trình thi công, người dân và chính quyền không được biết bản thiết kế của cây cầu Cầu Nhiếm nên không biết giám sát bằng cách nào và tiến độ khi nào hoàn thành. Cho nên khi công trình cầu Cầu Nhiếm ngưng thi công gần cả năm trời, bà con hỏi lý do vì sao, khi nào công trình được thi công lại, chính quyền địa phương không thể trả lời, khiến bà con càng bức xúc.

Trái với sự im lìm của công trình cầu Cầu Nhiếm, bến đò ngang vẫn hoạt động nhộn nhịp, tấp nập người qua lại. Ngay giờ cao điểm, từng tốp học sinh nghịch ngợm, xô đẩy nhau xuống trẹt, qua sông. Ông Trần Thanh Minh, Trưởng ấp Tân Long, chặc lưỡi: “Nhất là buổi sáng sớm, học sinh sợ trễ học nên chen lấn nhau xuống trẹt. Để tránh nguy hiểm, chủ trẹt thường xuyên phải la hét, buộc tụi nhỏ lên bờ bớt, chờ chuyến sau. Có đứa bị trễ học, khóc sướt mướt. Tưởng đâu mỗi người dân chịu hy sinh một ít quyền lợi cá nhân thì tụi nhỏ sẽ đỡ khổ. Nhưng không biết công trình “rùa” này sẽ kéo dài đến bao giờ?”.

Chờ đến bao giờ ?

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ xây dựng công trình cầu Cầu Nhiếm, ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông - Sở Giao thông – Công chính TP Cần Thơ, cho biết: Công trình kéo dài và hiện đang ngưng thi công một phần do đơn vị thi công không tập trung thi công, một phần do kinh phí ngân sách rót quá chậm. Ngày 5-2-2007, đơn vị thi công có văn bản gửi Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông với nội dung công ty đã thi công hoàn thành phần bê tông mố trụ cầu và nền cát phần đường đầu cầu. Tuy nhiên, do đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về vốn nên đề nghị nghiệm thu và thanh toán khối lượng đã hoàn thành với số tiền trên 1 tỉ 471 triệu đồng. Đồng thời, công ty cam kết đến 30-5-2007 sẽ hoàn thành công trình cầu Cầu Nhiếm. Nhưng do kinh phí ngân sách chậm, đến tháng 7-2007 mới trả hết số tiền khối lượng đã thực hiện. Từ đó đến nay, công trình cầu Cầu Nhiếm vẫn ì ạch.

Được biết, tháng 10-2007, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông đã làm việc với Ban giám đốc công ty và đề nghị đơn vị thi công tập trung triển khai thi công. Đến ngày 24-12-2007, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng giao thông lại tiếp tục làm việc với Ban giám đốc công ty để đôn đốc tiến độ thi công. Song, đại diện công ty cho rằng do khó khăn về vốn, tiền thanh toán từ các đợt nghiệm thu quá chậm, nên ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Công ty hứa sẽ tiếp tục thi công trong quí I -2008...

***

Vì lợi ích chung, người dân đã sốt sắng di dời nhà cửa, hoa màu để công trình được thi công. Còn chủ đầu tư và đơn vị thi công thì không tôn trọng và giữ lời hứa với dân, từ thời gian thi công 170 ngày kéo dài đến hơn 2 năm, đến nay vẫn còn ì ạch và... tiếp tục hứa! Bây giờ đã bước sang tháng đầu tiên của quí I – 2008, liệu lần này chủ đầu tư và đơn vị thi công có giữ đúng lời hứa với dân, hay để người dân tiếp tục mòn mỏi đợi chờ và mất niềm tin?

SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết