16/09/2022 - 22:04

Vì sao căng thẳng Nhật - Hàn chưa hạ nhiệt? 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tòa án Tối cao Hàn Quốc đang cân nhắc xét xử một vụ án mà theo đó một số công ty Nhật Bản có thể phải bán đi số tài sản của mình để bồi thường cho những lao động thời chiến của Hàn Quốc, qua đó làm gia tăng áp lực đối với cả Tokyo và Seoul trong việc giải quyết căng thẳng do các vấn đề lịch sử để lại.

Những nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến Hàn Quốc trong cuộc biểu tình hồi tháng 8-2019. Ảnh: Reuters

Ðây chỉ là một trong số hàng loạt vụ mà dân Hàn Quốc muốn kiện Nhật Bản với mong muốn nhận được số tiền bồi thường liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến và nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai. Một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc trong báo cáo hồi năm 1996 cho biết, khoảng 200.000 phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm “phụ nữ giải khuây” cho binh sĩ Nhật.

Trước đó, Tòa án Tối cao Hàn Quốc trong một loạt phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 2018 đã yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi và Tập đoàn thép Nippon của xứ hoa anh đào bồi thường cho khoảng 14 công nhân cũ vì họ bị đối xử tàn bạo và phải làm việc không lương. Nhiều người trong số họ hiện đã ở độ tuổi 90, một số thì đã qua đời kể từ khi phán quyết được đưa ra mà đến nay vẫn chưa được bồi thường.

“Tôi không thể qua đời trước khi nhận được lời xin lỗi từ phía Nhật Bản” - Yang Geum-deok, một trong những lao động thời chiến, viết như vậy trong bức thư gửi Chính phủ Hàn Quốc gần đây. Cụ bà 93 tuổi được cử đến làm việc tại một nhà máy sản xuất máy bay của Mitsubishi khi mới 14 tuổi nhấn mạnh rằng tập đoàn này “cần phải đưa ra lời xin lỗi và chuyển tiền bồi thường”.

Thế nhưng, cả Mitsubishi và Nippon đều không tuân thủ phán quyết, cho rằng vấn đề đã được giải quyết vào năm 1965 theo một hiệp định song phương được ký kết cùng với hiệp ước thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Hàn. Theo thỏa thuận, Tokyo đồng ý cung cấp cho Seoul 500 triệu USD viện trợ không hoàn lại và các khoản vay, đổi lại bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tài sản, quyền và lợi ích của 2 nước được coi là “đã được giải quyết dứt điểm”. Tuy nhiên, thỏa thuận đã dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hàn Quốc, trong đó phe đối lập và sinh viên cáo buộc Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung-hee “bán nước” để nhận về “khoản tiền ít ỏi”. Vì vậy, chính phủ buộc phải áp đặt lệnh thiết quân luật để dập tắt các cuộc biểu tình và sử dụng các nguồn quỹ của Nhật Bản để khởi động các dự án phát triển, bao gồm xây dựng các con đường cao tốc và một nhà máy thép.

Về phần mình, Nhật Bản đã phản ứng dữ đội, gọi các phán quyết nói trên là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, từ đó bãi bỏ quy chế đối tác thương mại ưu đãi đối với Hàn Quốc và áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các hóa chất quan trọng đối với ngành bán dẫn của xứ sở kim chi. Ðáp lại, chính quyền cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng hạ cấp quan hệ thương mại với Nhật Bản và gần như hủy bỏ hiệp ước tình báo quân sự giữa 2 nước, trong khi người Hàn tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.

Sau đó, các nạn nhân đã đệ đơn kiện lên các tòa án trong nước, yêu cầu thu hồi tài sản của các công ty Nhật Bản kể trên tại Hàn Quốc. Song, quy trình thu hồi, thanh lý tài sản chưa bắt đầu do những công ty này nộp đơn kháng cáo. Hiện Tòa án Tối cao Hàn Quốc đang xem xét phán quyết mà tòa án cấp thấp hơn đưa ra. Trong trường hợp phán quyết có lợi cho các nạn nhân Hàn Quốc, Mitsubishi và Nippon sẽ bị thu hồi, thanh lý tài sản tại Hàn Quốc. Ðây được cho là “lằn ranh đỏ” mà Tokyo đã nhiều lần cảnh báo Seoul không nên vượt qua.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia thúc giục Seoul và Tokyo nhanh chóng đạt được thỏa thuận trước khi phán quyết được công bố, bởi cho rằng mối hiềm khích lâu dài có thể đe dọa đến sự hợp tác an ninh giữa 2 quốc gia láng giềng này vào thời điểm Triều Tiên cảnh báo triển khai các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu và tiến hành một số vụ phóng thử tên lửa và vũ khí chưa từng có.

Mỹ cũng có lo ngại tương tự, bởi mối thù hằn như vậy sẽ làm suy yếu nỗ lực của Washington trong việc xây dựng liên minh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Daniel Sneider, chuyên gia nghiên cứu Ðông Á tại Ðại học Stanford (Mỹ) cho rằng nếu tòa án Hàn Quốc thu giữ tài sản của các công ty Nhật Bản thì “mọi thứ sẽ đổ vỡ”, có thể dẫn đến những hậu quả “bi thảm” đối với thương mại toàn cầu cũng như ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ 2 đồng minh của Mỹ trong trường hợp bị Triều Tiên tấn công. 

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo sẽ tới thủ đô Tokyo vào cuối tháng này để dự quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo. Ðây là lần đầu tiên một thủ tướng Hàn Quốc thăm Nhật Bản trong vòng 3 năm qua. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên tại thành phố New York (Mỹ) trong tuần tới. Nếu diễn ra, đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của 2 nước trong gần 3 năm qua, sau cuộc gặp hồi tháng 12-2019 giữa lãnh đạo 2 nước khi đó là Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Abe Shinzo tại Trung Quốc.

Ðây sẽ là cơ hội thắp lên hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng Ðông Bắc Á sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho đã thất bại trong việc sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy trong chuyến công du châu Á của ông hồi tháng 5 và chuyến đi dự Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6 tại Tây Ban Nha.

 

Chia sẻ bài viết