01/02/2019 - 10:32

Vì sao bạn nên thức sớm? 

Theo các phát hiện mới công bố trên Tạp chí Nature Communications, những người thức dậy sớm có sức khỏe tốt hơn và ít nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe tâm thần hơn so với những người thức khuya.

Dậy sớm giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh về tâm thần.

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đến từ Đại học Exeter (Anh) và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã nghiên cứu dữ liệu gien của 250.000 người đăng ký tại công ty cung cấp thử nghiệm di truyền 23andMe và của 450.000 người đăng ký tại UK Biobank (Ngân hàng sinh học Anh quốc). Trong đó, những người tham gia được hỏi xem liệu họ là “chim sớm” hay là “cú đêm”, đồng thời bộ gien của họ cũng được đem đi phân tích nhằm tìm hiểu xem số gien chung mà họ cùng chia sẻ có ảnh hưởng ra sao đến thói quen ngủ/thức. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng so sánh các kết quả phân tích gien với số dữ liệu thu thập được nhờ các thiết bị theo dõi hoạt động đeo ở cổ tay của 85.000 người đăng ký trong UK Biobank.

Kết quả, các nhà khoa học xác định được 327 vùng gien mới đóng vai trò quyết định xem liệu một người sẽ là “chim sớm” hay “cú đêm”. Cụ thể, những người có số lượng gien “chim sớm” nhiều nhất được “lập trình” thức sớm hơn khoảng 25 phút so với những người mang nhiều gien “cú đêm” hơn. Trong đó, các vùng gien được nhận diện bao gồm cả những vùng gien trung tâm đối với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể (tức “đồng hồ sinh học”), cũng như các gien được biểu hiện tại não và mô võng mạc trong mắt. Đây là những gien đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối “đồng hồ sinh học”của cơ thể với các tín hiệu từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, so với nhóm mang gien “cú đêm”, nhóm mang gien “chim sớm” đã giảm được tối đa 11% nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và giảm 33% nguy cơ trầm cảm. Kết quả cũng cho thấy những người dậy sớm có sức khỏe tổng thể tốt hơn và sống vui vẻ hơn. 

Các phát hiện mới cũng lần đầu tiên cho thấy rằng người dậy sớm và người thức khuya có quá trình xử lý caffeine (chất kích thích thường có trong trà và cà phê) khác nhau. Nhưng nhóm “cú đêm” được nhận xét là chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ caffeine - điều giúp lý giải tại sao chất này khiến họ tỉnh táo lâu hơn hoặc nó lưu lại lâu hơn trong cơ thể họ, khiến họ thức muộn hơn vào ban đêm.

Tiến sĩ Samuel E Jones, tác giả chính của nghiên cứu, nhận xét: “Công trình của chúng tôi chỉ ra rằng một phần lý do tại sao một số người là “chim sớm” trong khi số khác là “cú đêm” - đó là do sự khác biệt trong cách thức mà bộ não phản ứng với tín hiệu ánh sáng bên ngoài, cũng như hoạt động bình thường của đồng hồ sinh học bên trong cơ thể”. Theo các tác giả, những phát hiện mới có thể giúp mang đến một loại thuốc giúp chúng ta chống lại nguy cơ mắc trầm cảm và giúp dậy sớm hơn, nhờ tác dụng chặn đứng những gien gây rắc rối.

AN NHIÊN (Theo Guardian, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết