28/09/2010 - 20:50

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Điều tra * ANH THY

Kỳ cuối: CƠ HỘI MỚI...

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố mức chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015. Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chuẩn nghèo mới ở các quận, huyện. Với chuẩn nghèo mới, thành phố sẽ có thêm nhiều hộ nghèo tiếp tục được thụ hưởng các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp của Nhà nước như là một điểm tựa an toàn để tự tin vươn lên thoát nghèo. Vấn đề đặt ra là, thành phố sẽ có kế hoạch như thế nào để tạo điều kiện cho tất cả hộ nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội một cách công bằng, bền vững và hiệu quả đúng như mục tiêu CTMTQGGN đề ra…

Nhiều địa phương chủ động vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp, chăm lo tốt hơn cho hộ nghèo (trong ảnh: Lãnh đạo phường Ba Láng, quận Cái Răng trao quà cho người nghèo trong phường). Ảnh: P.M.

* Rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, 5 năm qua, phong trào giảm nghèo được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Theo ước tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 9,5%, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ĐBSCL là 7,32%.

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Quyết định ban hành chuẩn nghèo mới, áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực nông thôn), từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị). Như vậy, mức chuẩn nghèo mới do Bộ đề xuất sẽ cao gần gấp đôi mức hiện hành. Khi chuẩn nghèo mới được thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng CTMTQGGN 2011-2015. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ tương đương 14-15,5%.

Việc tổ chức điều tra, xác định hộ nghèo theo chuẩn được Chính phủ giao cho Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm và hàng năm công bố tỷ lệ nghèo của cả nước đến các tỉnh, thành phố. Mục tiêu giai đoạn 2011-2015, cả nước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân 2%/năm. Đảm bảo các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội, tạo điều kiện về giáo dục, dạy nghề, tín dụng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Các địa phương triển khai thực hiện chuẩn nghèo mới, đổi mới phương pháp đánh giá, xác định hộ nghèo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo; lập sổ theo dõi hộ nghèo...

Thông qua các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở các cấp, các ngành, khuyến khích tăng nhanh hộ giàu, giảm mạnh hộ nghèo, động viên, tạo điều kiện giúp hộ nghèo tự lực thoát nghèo. Cả nước đẩy mạnh thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg...

* Những kế hoạch của thành phố

Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố là 4,62%. Tỷ lệ này sẽ thay đổi đáng kể khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo và cận nghèo ở các địa phương tăng lên khá cao thì các chính sách trợ giúp phải đồng thời tăng lên, tạo được hiệu ứng xã hội và sức lan tỏa trong cộng đồng. Kết quả dự báo của Tổng cục Thống kê theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo TP Cần Thơ tương đương 7-8,5%, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Trong tháng 9-2010, UBND TP Cần Thơ thành lập BCĐ khảo sát hộ nghèo thành phố, do ông Tô Minh Giới, Phó chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Để đảm bảo chính xác và khách quan trong số liệu sau khảo sát, còn có sự tham gia của Cục Thống kê TP Cần Thơ là thành viên BCĐ. Thành phố tổ chức 15 lớp tập huấn khảo sát xác định hộ nghèo cho gần 1.540 cán bộ là lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn; cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, trưởng khu vực, điều tra viên. Theo Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đây là lực lượng gần và sát người nghèo nhất nên đợt tập huấn nhằm cung cấp những yêu cầu, mục đích cần thiết đối với cán bộ, điều tra viên để khi triển khai xác định chính xác, đúng quy trình, đối tượng hộ nghèo, đảm bảo các chính sách trợ giúp của Nhà nước đến đúng đối tượng, công bằng xã hội và đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Rút kinh nghiệm công tác giảm nghèo thời gian qua, trong giai đoạn mới, cán bộ tham gia công tác giảm nghèo không chỉ nắm vững chủ trương, chính sách mà còn phải chủ động trong giám sát, để có thể đảm đương và nâng cao hiệu quả hoạt động. Cán bộ giảm nghèo phải thay đổi cách quản lý, theo dõi đời sống, thu nhập, nắm tâm tư, nguyện vọng để có những đề xuất hợp lý bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Muốn vậy, ngoài việc tổ chức tập huấn thường xuyên, cung cấp những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, từng bước nâng cao năng lực, ngành chức năng thành phố cần nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố chăm lo chế độ lương, phụ cấp thỏa đáng nhằm góp phần ổn định đội ngũ cán bộ, công tác sẽ gặp nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả hơn. Bà Võ Thị Thanh Nga nhấn mạnh: Giảm nghèo là nhiệm vụ chung của các ngành, các cấp, không thuộc riêng ngành nào nên cần thiết tăng cường trách nhiệm của các thành viên BCĐ CTMTQGGN các cấp, phát huy tính chủ động, tích cực của các Hội, đoàn thể thành phố và địa phương trong công tác phối hợp, hỗ trợ hội viên nghèo sử dụng vốn, học nghề, tạo việc làm, xây dựng các mô hình giảm nghèo để công tác đạt hiệu quả hơn.

* Nhiều giải pháp từ thực tế...

Đối với việc triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp hộ nghèo, ngành chức năng thành phố sẽ kết hợp với các thành viên BCĐ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp đồng bộ, đạt hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, Quyết định 74/2008/QĐ-TTg chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường cho vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ, miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế; triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo... Từ đó, xây dựng kế hoạch CTMTQGGN giai đoạn 2011-2015 sát thực tế, phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, cho biết: Giai đoạn 2011-2015, ngoài các chương trình trợ giúp của Nhà nước, thành phố sẽ triển khai và vận dụng linh hoạt các chương trình dành cho người nghèo của Chính phủ, gồm: Cơ sở hạ tầng: giao thông, chợ, nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, nhà ở... các trung tâm văn hóa, giáo dục và cả dịch vụ trợ giúp pháp lý... để chăm lo cho hộ nghèo tốt hơn.

Quận Ninh Kiều chú trọng chính sách cho vay vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng các loại hình thương mại, dịch vụ để thu hút người nghèo vào làm việc, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo lâu dài, bền vững. Bà Phan Thị Minh Thu, nguyên Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (hiện nay là Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Cần Thơ), cho rằng: “Áp dụng chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của quận chắc chắn sẽ tăng rất nhiều. Tuy nhiên, qua đó, người nghèo có thêm cơ hội được Nhà nước và xã hội chăm lo, rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo. Vì vậy, để góp phần thực hiện đạt hiệu quả công tác giảm nghèo những năm tới, các hội, đoàn thể của thành phố cần tăng cường nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ cận nghèo”.

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, cho biết: “Tôi nhất trí với việc thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảm nghèo, đoàn thể. Đây là việc hết sức cần thiết, đảm bảo khâu rà soát, bình xét hộ nghèo chính xác, đúng đối tượng cũng như chăm lo đời sống, chế độ để họ làm tốt công tác”.

Hiện nay, các quận, huyện đều sẵn sàng lực lượng tham gia các hoạt động triển khai chuẩn nghèo mới, góp phần đảm bảo quyền lợi cho hộ nghèo được toàn diện, đầy đủ hơn, mở ra giai đoạn mới hứa hẹn nhiều thành công.

********

Giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo từng năm, không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của BCĐ CTMTQGGN các cấp, sự tích cực tham gia của các ngành, đoàn thể chức năng trong tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp đến từng hộ nghèo. Thời gian qua, công tác này phần lớn dựa vào các chính sách trợ giúp từ nguồn kinh phí Trung ương và thành phố, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, sự chủ động của địa phương rất hạn chế, chưa huy động hết nguồn lực của cộng đồng trong hỗ trợ hộ nghèo. Nhiều hoạt động trợ giúp của các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhà hảo tâm nhưng mang tính tự phát, chưa tập trung thành hoạt động thường xuyên, rộng rãi để thu hút nhiều sự quan tâm, đồng thuận. Khi thực hiện chuẩn nghèo mới, thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, trong đó quan tâm hơn nữa các chính sách đãi ngộ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức trong và ngoài nước để vận động sự tham gia của toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tiến độ giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, thành phố cần ưu tiên đầu tư các chính sách, chương trình trợ giúp giảm nghèo cho các huyện vùng sâu. Trong đó, tăng cường dạy nghề phù hợp, tạo việc làm, ổn định đầu mối tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo vốn vay thỏa đáng cho hộ nghèo với chủ trương xử lý khi có rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại các Hội nghị có liên quan đến công tác giảm nghèo, đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ CTMTQGGN TP Cần Thơ luôn nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực cũng như trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong việc tích cực chăm lo cho hộ nghèo, chú trọng giáo dục ý thức tự lực vươn lên của hộ nghèo, không ỷ lại sự quan tâm của Nhà nước. Các cấp, các ngành chức năng cần ra sức vận động, khơi gợi tinh thần tương thân tương ái của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo, để công tác này trở thành phong trào rộng khắp, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, CTMTQGGN giai đoạn 2006-2010 được triển khai thực hiện trong cả nước với kinh phí 1.874,9 tỉ đồng. Theo đó, trên 6.134.000 lượt hộ nghèo được vay 42.000 tỉ đồng vốn ưu đãi; 4,5 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn; tổ chức trên 50.000 lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật. Cùng thời gian này, cả nước có trên 250.000 người nghèo được học nghề miễn phí; 84 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí. Bằng nhiều nguồn kinh phí vận động, trên 450.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở; 28 tỉnh, thành phố được UBTƯ MTTQVN công nhận hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo…


Điều tra * ANH THY

Chia sẻ bài viết