27/09/2010 - 10:03

Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

Điều tra * ANH THY

Kỳ 1: CHUNG SỨC VÌ NGƯỜI NGHÈO

Đến thời điểm này, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo (CTMTQGGN) giai đoạn 2006-2010 sắp kết thúc. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo và gặt hái những kết quả khả quan. Từng năm, những chính sách trợ giúp đã được các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đồng loạt triển khai, là điểm tựa để hộ nghèo từng bước vượt khó, vươn lên…

Nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và chí thú làm ăn, chị Tuyết Linh ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đã có điều kiện buôn bán, nâng cao thu nhập gia đình.

* Mỗi năm giảm 1% hộ nghèo...

Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo ở quận Bình Thủy rất được chú trọng. Thông qua các chính sách trợ giúp của Trung ương, thành phố và sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân, quận đã triển khai đồng bộ các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo các phường, tạo điều kiện cho hộ nghèo làm ăn, vươn lên. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2010 của Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, quận đã xây dựng và bàn giao 42 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cấp 5.281 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo, tặng 300 phần quà cho hộ nghèo, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 800 lượt người nghèo... Cùng thời gian này, quận Bình Thủy còn tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố mở 12 lớp dạy nghề cho 360 lao động, phát vay 2,4 tỉ đồng cho 265 hộ nghèo, giải quyết việc làm cho trên 3.100 lao động... Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Thủy, mỗi năm, quận nỗ lực thực hiện các hoạt động trợ giúp kịp thời và đúng đối tượng hộ nghèo, nên đều đạt chỉ tiêu giảm nghèo từng năm. Có được kết quả đó là do sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ cũng như trách nhiệm của các phường và các đoàn thể, chủ động xây dựng các mô hình giúp người nghèo giảm nghèo. Theo chỉ tiêu của Ban chỉ đạo (BCĐ) CTMTQGGN thành phố và Nghị quyết của Quận ủy Bình Thủy, năm 2010, toàn quận phấn đấu từ 989 hộ nghèo, tỷ lệ 3,42 hộ nghèo (đầu năm 2010) giảm còn 684 hộ nghèo, tỷ lệ 2,34% cuối năm 2010.

Tuy là huyện vùng sâu, kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, với quyết tâm cao, Cờ Đỏ vẫn nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội hàng năm, trong đó có công tác giảm nghèo. Các chính sách trợ giúp được huyện triển khai thực hiện sâu rộng đến từng hộ nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng khá đầy đủ. Trong năm 2009, huyện Cờ Đỏ xây dựng 200 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trong tổng số 842 hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 6.950 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay trên 41,9 tỉ đồng vốn sản xuất; tất cả hộ nghèo đều có thẻ bảo hiểm y tế; 160 người nghèo, người dân tộc thiểu số được học nghề miễn phí, 1.892 học sinh nghèo được miễn giảm học phí... Đối với một số xã tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, như: Thạnh Phú, Thới Đông, Thới Xuân... huyện đã ưu tiên tổ chức các hoạt động dạy nghề phù hợp, cho vay vốn, hướng dẫn cách sản xuất, giúp người nghèo có điều kiện làm ăn đạt hiệu quả. Trong năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện Cờ Đỏ giảm từ 12,36% xuống còn 11,97% với 819 hộ thoát nghèo...

Ở huyện Thới Lai, các chính sách trợ giúp của Nhà nước đã được huyện triển khai thực hiện đúng, đủ đến tận hộ dân, giảm thiểu tình trạng hỗ trợ không đúng hay bỏ sót đối tượng. Thời gian qua, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm từ 1%-2%/năm. Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, nói: “Các đoàn thể đã tích cực chăm lo cho hộ nghèo. Giúp vốn thôi chưa đủ mà phải giúp hộ nghèo xây dựng mô hình làm ăn phù hợp, hỗ trợ giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm. Các đoàn thể đã xem xét hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo vay vốn, đồng thời tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay, hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả...”. Ông Trần Văn Mới, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết: “Nhờ triển khai khá tốt các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Tân Thạnh hiện còn trên 7,1%, 130 hộ cận nghèo. Xã phân công cho các đoàn thể tiếp tục giúp đỡ số hộ nghèo và cận nghèo này...”. Chị Lê Thị Tuyết Linh, hộ nghèo ở ấp Thới Phước 2, xã Tân Thạnh, được địa phương xây nhà tình thương và xét thoát nghèo năm 2009. Từ 4 năm qua, vợ chồng chị được địa phương hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Đầu tiên, vay 7 triệu đồng/năm, rồi 9 triệu đồng/năm, chị Linh làm vốn mua bán rau cải ở chợ và tại nhà. Được một thời gian, chị Linh bàn với chồng vay thêm vốn mua ghe nhỏ, hàng ngày thu mua các lóc đồng ở các ấp rồi theo ghe đi bán sỉ ở các chợ. Dù buôn bán cực khổ, phải thức khuya dậy sớm, nhưng vợ chồng chị Linh rất vui vì thu nhập ổn định, có điều kiện cho 2 con học hành tấn tới để “sau này không phải cực khổ như cha mẹ”.

Ở quận Ninh Kiều, tỷ lệ 1,31% hộ nghèo cuối năm 2009 đã phản ánh được thực tế công tác giảm nghèo của địa phương. Theo bà Phan Thị Minh Thu, nguyên Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (hiện nay là Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP Cần Thơ), do là quận nội ô, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nên so với các quận, huyện khác, người nghèo trên địa bàn quận Ninh Kiều dễ có việc làm với thu nhập bình quân vượt qua mức chuẩn nghèo hàng tháng.

* Hiệu quả của sự đồng lòng

Tùy theo tình hình thực tế, thế mạnh, mỗi địa phương mỗi cách làm khác nhau để có thể phát huy hết nội lực cùng chăm lo cho hộ nghèo, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu giảm nghèo hàng năm của thành phố. Các mô hình sản xuất, kinh doanh, làng nghề truyền thống, liên kết giải quyết việc làm... đã phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết khá cơ bản việc làm, thu nhập cho người nghèo, như: mô hình trồng màu (phường Trường Lạc, quận Ô Môn), đan thảm lục bình, làm nhang điện (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), đan cần xé, chằm nón lá, may gia công (xã Trường Thắng, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai), đan rổ (xã Trường Long, huyện Phong Điền)...

Có thể nói, thời gian qua, chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi ủy thác qua các hội, đoàn thể địa phương đã tạo điều kiện giúp nhiều hộ gia đình, trong đó có hộ nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2010, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ủy thác 10 chương trình cho vay qua 4 Hội, đoàn thể với dư nợ ủy thác đạt trên 759,9 tỉ đồng (chiếm 97,84% tổng dư nợ) cho 83.444 hộ vay. Trong đó, Hội Phụ nữ có số dư nợ đạt 363,6 tỉ đồng, nợ quá hạn đến thời điểm cuối tháng 6-2010 trên 6,7 tỉ đồng, hỗ trợ 38.266 hộ vay; Hội Nông dân có số dư nợ đạt 308,2 tỉ đồng, nợ quá hạn trên 9,5 tỉ đồng, hỗ trợ 35.697 hộ vay.

Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng luôn được Ngân hàng Chính sách Xã hội tín nhiệm về việc bảo quản và thu hồi vốn đúng hạn. Hiện nay, Hội Phụ nữ phường đang quản lý nguồn vốn trên 9,1 tỉ đồng (5 chương trình vay vốn), giúp 725 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Bà Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường nói: “Hội Phụ nữ phường luôn quan tâm tạo điều kiện cho chị em vay vốn, không phân biệt phụ nữ nghèo hay cận nghèo. Để quản lý và giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, chúng tôi phân công cán bộ chi hội phụ nữ hướng dẫn chị em cách làm ăn phù hợp”. Chị Từ Kim Hoàng, hội viên phụ nữ nghèo, ở khu vực Thạnh Phú, được phường Thường Thạnh vận động cất tặng nhà tình thương vào cuối năm 2009, nói: “Mấy năm qua, nhờ được Hội Phụ nữ phường xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hướng dẫn mở quán giải khát trước cửa nhà, nên cuộc sống của tôi dần được ổn định”.

Từ các chính sách trợ giúp, sự nỗ lực của các địa phương, trong giai đoạn 2006-2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm từ 9,46% (năm 2006) xuống còn 5,62% (năm 2009) và phấn đấu đến cuối năm 2010, giảm còn 4,62%. Theo báo cáo của BCĐ CTMTGN TP Cần Thơ: Từ nay đến cuối năm 2010, TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp, các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, như: xây dựng 1.115 căn nhà đại đoàn kết, kinh phí trên 25,8 tỉ đồng; cung cấp tín dụng ưu đãi cho 15.000 lượt hộ vay, với số tiền trên 112 tỉ đồng; dạy nghề miễn phí cho 560 người nghèo, kinh phí trên 1,4 tỉ đồng; thực hiện Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 1.783 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn, kinh phí trên 24,2 tỉ đồng. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, hội, đoàn thể huy động tối đa sự hỗ trợ xã hội giúp người nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú: hùn vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình, hỗ trợ cây con giống, cấp phát học bổng, dụng cụ học tập, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, xây dựng nhà tình thương, giới thiệu việc làm, trợ cấp xã hội, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... tạo nên không khí sôi nổi, thiết thực cho công tác giảm nghèo thành phố.

Với nguồn kinh phí đầu tư khá lớn, thông qua các chính sách trợ giúp, hàng năm thành phố giảm từ 1% đến 1,3% tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu thành phố vận dụng và phát huy tối đa các chính sách, chương trình, dự án trợ giúp của Nhà nước đồng thời với huy động có hiệu quả nguồn lực của xã hội và cộng đồng thì tỷ lệ giảm nghèo này có thể cao hơn nữa mới tương xứng với nguồn nhân lực và tài lực thành phố đầu tư cho công tác giảm nghèo trong 5 năm qua.

Vấn đề đặt ra là phải làm gì để giúp hộ nghèo thụ hưởng đầy đủ, có hiệu quả các chính sách trợ giúp, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, khi thành phố áp dụng chuẩn nghèo mới và xây dựng CTMTQGGN giai đoạn 2011-2015 để mục tiêu an sinh xã hội thật sự đạt hiệu quả, thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội và cộng đồng?

Kỳ 2: GIẢM NGHÈO CHƯA BỀN VỮNG

Điều tra * ANH THY

Chia sẻ bài viết