24/07/2020 - 08:01

Vi khuẩn gây sâu răng nguy hiểm như thế nào? 

Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Science Signaling, Fusobacterium nucleatum (viết tắt là F. nucleatum, một vi khuẩn gây sâu răng) có thể cũng góp phần giúp tế bào ung thư ruột kết lây lan sang các nội tạng khác trong cơ thể.

Giữ vệ sinh răng miệng tốt cũng là một cách giúp phòng chống ung thư.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra F. nucleatum trực tiếp xâm lấn khối u ruột kết, nhưng chưa hiểu rõ cơ chế góp phần gây ung thư của vi khuẩn này. Song, một nghiên cứu hồi năm 2017 phát hiện khi cấy khối u ruột kết có F. nucleatum của người vào chuột, các tế bào ung thư chứa vi khuẩn sống sẽ tách ra và bám vào gan. Ðây là bằng chứng đầu tiên cho thấy F. nucleatum có thể liên quan trực tiếp đến việc lây lan tế bào ung thư khắp cơ thể.

Ðể làm sáng tỏ khả năng làm ung thư di căn của F. nucleatum, các chuyên gia tại Ðại học Công nghệ Virginia (Mỹ) sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào ung thư. Họ nhận thấy vi khuẩn từ miệng đã bám và xâm nhập các tế bào ung thư ở ruột kết, bằng cách sử dụng prôtêin Fap2 sẵn có trên bề mặt tế bào ung thư. Việc này khiến tế bào ung thư giải phóng IL-8 và CXCL1, hai loại prôtêin đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt khả năng chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch.

Họ nhận thấy IL-8 và CXCL1 đã gửi tín hiệu tới các tế bào ung thư, tế bào miễn dịch và nhiều loại tế bào khác bao quanh một khối u, giúp chúng phát triển và lan ra xung quanh. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy nhiễm vi khuẩn F. nucleatum khởi đầu cho việc di căn của tế bào ung thư. Ðây là thông tin quan trọng vì 90% số ca tử vong liên quan đến ung thư là do các khối u hoặc các vị trí ung thư không phải là nguyên phát đã di căn đến nơi khác trong cơ thể”- chuyên gia Daniel Slade, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Trước phát hiện mới, các tác giả cho rằng việc xác định vai trò của F. nucleatum trong tiến triển ung thư ruột kết có thể giúp ích cho việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này, chẳng hạn như một liệu pháp nhằm ngăn tế bào miễn dịch tiết ra IL-8 và CXCL1.

Cũng liên quan đến mối quan hệ giữa sức khỏe răng miệng và ung thư, các nhà nghiên cứu tại Ðại học Harvard (Mỹ) cho biết thường xuyên đánh răng có thể giúp giảm nguy cơ khởi phát ung thư miệng hoặc dạ dày.

Khuyến nghị này được đưa ra sau khi họ xem xét tỷ lệ mắc ung thư thực quản và ung thư dạ dày trên hơn 148.000 người (cả nam và nữ) trong trung bình 20 năm. Kết quả cho thấy, nguy cơ mắc hai dạng ung thư nói trên khi lớn tuổi ở nhóm có tiền sử mắc bệnh nướu cao hơn ở mức tương ứng là 43% và 52%. Và so với người không mất răng, nguy cơ mắc ung thư thực quản và dạ dày ở người bị mất răng cũng cao hơn lần lượt là 42% và 33%.

Ðược biết, mối liên quan giữa ung thư thực quản và các vi khuẩn phổ biến trong miệng (như tannerella forsythia và porphyromonas gingivalis) đã được phát hiện trong nhiều nghiên cứu. Và vệ sinh răng miệng kém và bệnh nướu được biết là có thể thúc đẩy sự hình thành của vi khuẩn gây ung thư dạ dày.

Chế độ ăn tốt cho sức khỏe răng miệng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe răng miệng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn hằng ngày.

Cụ thể, để răng nướu thêm chắc khỏe, cần giảm lượng tiêu thụ nhóm tinh bột - đường, đồng thời tăng cường dung nạp chất xơ và các dưỡng chất quan trọng cho răng miệng như canxi, phốt-pho và magiê. Song song đó, tránh dùng các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều axít và chứa hàm lượng tinh bột - đường cao mà không có giá trị dinh dưỡng.

Ngoài ra, 5 nhóm thực phẩm có lợi cho răng miệng mọi người cần ưu tiên sử dụng là bột ca cao nguyên chất (hoặc sô - cô - la đen), các chế phẩm từ sữa bò hữu cơ, các loại cá béo, rau lá màu xanh đậm và trái cây họ cam quýt.

5 thực phẩm cần hạn chế tiêu thụ bao gồm bánh quy, trái cây sấy khô, nước ngọt, trà lên men Kombucha và các loại đậu.

AN NHIÊN (Theo Eurekalert,  Daily Mail, Healthline)

Chia sẻ bài viết