29/10/2013 - 09:17

Vị đắng hậu ly hôn

Bài cuối: Phía sau bản án ly hôn

Được tòa án công nhận ly hôn, mỗi người sẽ có hướng đi riêng cho mình. Thế nhưng, dù sống đơn thân hoặc xây dựng gia đình mới, với họ, ly hôn mãi là vết thương lòng khó phai.

Chọn con đường đơn thân

Đối với chị K.L., 31 tuổi (quận Ninh Kiều), ly hôn là bắt đầu chặng đường chông gai khác. Trước khi ra tòa, chồng năn nỉ, xin hàn gắn, nhưng xét thấy tình cảm không còn, chị không chấp nhận. Do chồng đi làm xa, nhà chồng đơn chiếc, tòa xử chị L. được quyền nuôi con. Mục đích không đạt được, bên chồng bắt đầu quậy phá. Biết chị L. rất thương con, mẹ chồng hay đón cháu ở trường mầm non và giữ miết, không mang cháu trả cho chị. Khi chị L. dặn cô giáo, đừng để mẹ chồng rước cháu thì bà gởi đơn kiện thưa. Bà ra điều kiện hai ngày cuối tuần sẽ rước cháu về nhà nội chơi. Chị L. ấm ức cho biết: "Mỗi lần cháu từ nội về là không chịu lại gần mẹ, còn mắng mẹ là đồ độc ác, xấu xa, rồi nhào vào đánh mẹ. Cháu gần 3 tuổi, đang trong giai đoạn học hỏi, đâu biết phân biệt đúng sai. Cha và bà nội bé thật nhẫn tâm, đã đầu độc tâm hồn đứa trẻ, dùng cháu trả thù tôi".

Chị Hồ Thanh Thúy và con gái quay nước mía bán cho khách.

Sự việc không dừng lại ở đó, chồng và mẹ chồng đến cơ quan chị L. làm việc nói xấu chị, dùng các sim điện thoại khuyến mãi nhắn tin, gọi điện khủng bố tinh thần. Đến khi chị thay sim khác họ mới thôi trò này. Còn việc cấp dưỡng nuôi con cũng lắm gian nan. Mỗi tháng cha cháu bé đưa tiền cấp dưỡng theo quy định nhưng yêu cầu chị phải gặp mặt, ký tên nhận tiền, mắng nhiếc… Đã có thời gian chị L. bị stress nặng, nhờ người thân chia sẻ, động viên, chị mới dần ổn định tinh thần. Ngoài giờ làm ở cơ quan, ban đêm, chị L. còn nhận ráp đồ gia công, kiếm thêm tiền lo cho con. Chị tâm niệm: "Vì con, cực khổ cỡ nào cũng chịu được".

Bà Lê Thị Đẹp (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) vẫn còn nhớ như in cái ngày con gái của bà là Nguyễn Thị U. tức tưởi về nhà mẹ ruột sau hơn 2 năm lấy chồng. Là một cô thôn nữ hiền lành, giỏi giang, thông qua mai mối, bà Đẹp gả U. về làm dâu ở huyện Phong Điền năm con vừa tròn 24 tuổi. Thời gian đầu, vợ chồng U. sống khá hạnh phúc, nhưng từ khi mẹ chồng con dâu phát sinh mâu thuẫn, bà bắt đầu tỏ thái độ ghét bỏ, chồng nghe lời mẹ, hờ hững với vợ. Sau khi sinh con xong, không chịu nổi sự hắt hủi, U. quyết định xin ly hôn. Bà Đẹp kể: "Từ ngày về đây, suốt ngày U. ở miết trong nhà, không đi đâu và tiếp xúc với ai. Mọi người thay nhau coi chừng, sợ U. làm chuyện dại dột. Khi bắt đầu nguôi ngoai, cháu xin làm công nhân may. Năm đầu, mẹ chồng bắt con, U. phải sắp xếp thời gian về bên chồng, chầu chực để được gặp con. Nhờ chính quyền đoàn thể can thiệp, cuối cùng, U. được quyền nuôi con. Tội nghiệp đứa nhỏ nhớ mẹ, lại thiếu người chăm sóc, bị suy dinh dưỡng, chậm chạp, ít nói. Nhìn cháu con, tôi đứt từng khúc ruột".

Lương công nhân của U. mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, cô gói ghém nuôi dạy và lo việc học hành của con. Chồng không cấp dưỡng, U. cũng không yêu cầu hoặc làm khó dễ. Năm rồi, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, hai mẹ con U. có căn nhà tươm tất. Bây giờ, cháu đã học lớp 1, rất dễ thương, lễ phép. Ban ngày, cháu được dì ruột đưa đón đi học, được ngoại chăm sóc; đến tối, U. đi làm về, mẹ con quấn quýt nhau. Dù cuộc sống đã ổn định, được gia đình đùm bọc, yêu thương, nhưng U. vẫn chưa quên được vết thương lòng. Thương nhất là con trai, cứ hay nhắc cha và bà nội, đòi về thăm, cứ hỏi sao cha không về ở chung nhà. U. chia sẻ: "Một mình nuôi con không đơn giản, nhưng tôi vẫn cố gắng bù đắp, không để cháu hụt hẫng. Tôi muốn cháu luôn hồn nhiên, vô tư và hạnh phúc khi nhớ về nguồn cội".

Chị Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Lê Bình, quận Cái Răng, cho biết: "Ai cũng muốn có cuộc sống hạnh phúc, nhưng vì hoàn cảnh, phải chọn con đường ly hôn. Làm mẹ đơn thân không đơn giản, không chỉ vượt qua định kiến xã hội mà còn phải vượt lên chính mình. Phường Lê Bình có khá nhiều chị em lâm cảnh này, Hội luôn quan tâm hỗ trợ chị em vốn làm ăn, giới thiệu việc làm, giúp các chị ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng, một số chị nỗ lực vượt qua khó khăn, nuôi con cái học hành, thành đạt, trở thành những tấm gương vượt khó tiêu biểu". Như chị N.T.H., 53 tuổi, ở khu vực Yên Hạ. Hôn nhân kém may mắn, sớm đổ vỡ, chị H. cùng con gái về ở nhà mẹ ruột. Thời gian dần trôi, nỗi buồn nguôi ngoai, chị H. nỗ lực vươn lên, xây dựng nhà cửa đàng hoàng và nuôi con học đại học.

Tái hôn, không đơn giản

Chúng tôi đến nhà chị Hồ Thanh Thúy (39 tuổi) ở khu vực Thới Ninh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, khi chị và con gái 12 tuổi đang bận rộn ép nước mía bán cho khách, rồi quay sang nạo dừa, cân gạo và một số thực phẩm để bỏ mối cho khách. Trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, chị Thúy vui vẻ khoe album ảnh gia đình. Rồi chị Thúy kể về người chồng sau, anh Nguyễn Quốc Vũ, người giúp chị hồi sinh, khêu lại ngọn lửa lòng tưởng đã lụi tàn theo cuộc hôn nhân đổ vỡ. Năm 20 tuổi, qua mai mối, chị Thúy lập gia đình. Nhưng chỉ 5 tháng sau, vì nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn, chị Thúy quyết định chia tay chồng. Suốt 6 năm đằng đẵng, chị Thúy làm công nhân may, đi về lầm lũi, không hẹn hò ai, từ chối tất cả những cơ hội đến với mình. Trong số những người theo đuổi, có anh Vũ (công nhân một công ty chế biến thức ăn gia súc) là "chì" nhất, thẳng thắn đặt vấn đề nghiêm túc. Chị Thúy quyết định nói cho anh Vũ biết sự thật. Trái với suy nghĩ của chị, anh Vũ không từ bỏ ý định mà còn quyết tâm tiến tới, mặc bao lời dị nghị. Sau tiệc cưới đơn sơ, hai vợ chồng mướn nhà trọ ở và cùng đi làm, tích lũy gầy dựng gia đình. Khi sinh con gái đầu lòng, mẹ ruột cho chị Thúy miếng đất nhỏ ở khu vực Thới Ninh, vợ chồng về cất chòi nhỏ ở tạm. Sau thời gian tích cóp, hai vợ chồng xây được nhà và sinh thêm con trai kháu khỉnh, nay gần 3 tuổi. Từ ngày có vợ, anh Vũ bỏ dần thói quen hút thuốc, nhậu nhẹt, chị Thúy cũng trẻ đẹp hơn xưa. Chị tâm sự: "Tôi biết ơn anh Vũ đã thấu hiểu, thông cảm với hoàn cảnh của tôi, thương yêu vợ con, chí thú làm ăn. Nhớ về quãng đường đã qua, tôi càng thêm trân trọng hạnh phúc mình đang có".

Theo chị Võ Hoàng Uyên Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường Thới An Đông, ngoài gia đình chị Thúy, phường có không ít trường hợp tái hôn đang sống rất hạnh phúc. Các tổ hòa giải phường cố gắng tìm cách hàn gắn các cặp vợ chồng "cơm không lành canh không ngọt". Thời gian qua, ngoài việc thành lập các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, các ban, ngành, đoàn thể phường Thới An Đông tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: mở các lớp tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp các bạn trẻ trang bị kỹ năng xây dựng cuộc sống gia đình, tránh nguy cơ đổ vỡ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mục đích ở "tập hai". Có những trường hợp khi tái hôn, bắt đầu lâm cảnh con anh con tôi, tài sản chung - riêng, không dung hòa quan điểm sống, thế là dẫn đến bi kịch. Sống với nhau 6 năm, sinh đôi hai con trai, vì không chịu nổi việc chồng thường xuyên đi công tác, kinh tế không dư dả, vợ anh V. (ở An Giang) bỏ con, theo người đàn ông khác. Gởi 2 con trai cho ông nội, anh V. đến TP Cần Thơ làm việc. Trong lần cơ quan anh phỏng vấn tuyển nhân sự, anh gặp và đem lòng cảm mến C., kém hơn mình 14 tuổi. Mặc gia đình hai bên quyết liệt phản đối, hai người vẫn tiến tới hôn nhân. Mâu thuẫn phát sinh từ khi C. nghỉ làm để sinh con gái. Những lần chồng về quê thăm con, gởi tiền chu cấp hay liên lạc điện thoại với vợ cũ, C. đều kiếm cớ gây sự. Do ở chung gia đình vợ nên anh V. bị lép vế. Trong một lần cãi nhau, anh V. dọn ra ngoài ở, C. nhất quyết không theo. Hiện tại, hai cha con anh ở cùng quận Ninh Kiều mà mỗi tuần chỉ gặp nhau đôi lần. Tâm sự với bạn bè, anh V. thường cám cảnh: "Nếu biết thế này tôi không lấy vợ nữa".

Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận chia sẻ: Kết hôn và ly hôn ảnh hưởng cả đời nên phải cân nhắc kỹ càng. Mỗi người đều có cá tính riêng, nếu chấp nhận sống chung thì phải tiết chế cái tôi của mình, lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng bạn đời, để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình vững bền. Còn nếu hôn nhân không có cơ hội cứu vãn, hãy bình tĩnh suy nghĩ thấu đáo, nhờ những người hiểu biết tư vấn, để chuẩn bị cho mình và con cái một tương lai chắc chắn. Một khi hôn nhân không còn khả năng cứu vãn thì hãy quyết định ly hôn để giải thoát, tạo dựng cuộc sống tốt hơn. Đừng để ly hôn trở thành vết thương khó lành và mãi hối tiếc trong quãng đời còn lại.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

 

Chia sẻ bài viết