01/10/2011 - 20:49

GHI CHÉP

Về thăm kinh Giải Phóng

Kinh Giải Phóng hôm nay.
Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Về phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nghe bà con nhắc nhiều về con kinh Giải Phóng ở khu vực Trường Hòa. Con kinh như dãy lụa xanh nằm vắt ngang cánh đồng vàng đang vào mùa gặt. Bà con nhắc đến con kinh không chỉ vì đã thịnh tình vun bồi phù sa cho cây lành trái ngọt, mà còn vì những chiến công lịch sử bi hùng của ông cha đã ghi dấu nơi dòng kinh này.

Chỉ về phía cuối ngọn kinh, ông Lê Hồng Lâm (Hai Lâm), Bí thư Chi bộ khu vực Trường Hòa, bồi hồi: “Con kinh nhỏ vậy chớ gắn liền với lịch sử chống xâm lăng, bảo vệ quê hương của người dân Trường Lạc chúng tôi. Biết bao người đã ngã xuống để con kinh được thông dòng, trong đó có cha của tôi...”.

Ông Hai Lâm dẫn chúng tôi đến nhà ông Ngô Văn Quang (Chín Quang), nguyên là cán bộ Tuyên giáo của xã Trường Lạc (cũ) những năm 1960 của thế kỷ XX, một trong số ít chứng nhân lịch sử tham gia đào kinh. Ông Chín Quang năm nay đã 76 tuổi, dáng người nhỏ, đôi tai đã không còn nghe rõ, đôi chân đi đã loạng choạng. Mảnh đạn còn đang găm vào cạnh hàm nên một thời gian dài, ông Chín trở nên lúc nhớ, lúc quên bởi những con đau nhức. Tuy vậy, vụ thảm sát ở kinh Giải Phóng ông chẳng bao giờ quên.

Ông Chín Quang kể, khoảng năm 1960, để đưa quân và vận chuyển đạn dược từ xã Trường Lạc ra lộ Vòng Cung, quân ta phải đi vòng qua nhiều kinh, rạch vừa khó khăn, vất vả lại hiểm nguy. Chi bộ Trường Lạc bàn cách đào con kinh cắt ngang ba con kinh, rạch là: kinh Đình, rạch Ngã Bát và rạch Trà Luộc để thông kinh Hàng Tràm, tiến ra lộ Vòng Cung. Chủ trương này được bà con địa phương rất đồng tình. Ngày 24-4-1961 (âm lịch), chi bộ, dân quân và nhân dân tiến hành lấy lệ để ngày hôm sau chính thức đào với hơn 120 nhân công. Biệt kích Ô Môn đánh hơi biết nên cho quân đóng chặn, bao vây khu vực định đào kinh. Sáng hôm sau, khi quân dân đang hì hục đào thì chúng ập đến, số lớn nhân công tháo chạy về ngọn kinh Đình may mắn trốn thoát. Số còn lại chém vè ở các bụi rậm, ao đìa bị chúng phát hiện, bắt đánh đập, bắn chết. Có 11 người đã hy sinh ngay tại bờ kinh này. Trong đó, có 4 người đã chết vẫn bị chúng mổ bụng lấy gan, mật. Ông Năm Diệp, một bệnh binh được về an dưỡng, tham gia đào kinh đã bị chúng dùng lưỡi lê súng đâm xuyên qua tay chân, căng người trên bờ ruộng để mổ bụng sống. Bọn biệt kích bắt những người lớn tuổi phải đứng xem để khủng bố tinh thần. Ông Chín Quang kể lại: “Thi thể nằm dài trên bờ kinh, máu nhuộm đỏ kinh...”.

Ba ông Hai Lâm là ông Lê Văn Thới (tự Bảy), cán bộ Nông hội xã thời bấy giờ, cũng hy sinh trong vụ thảm sát. Ông Hai Lâm kể: “Lúc ba hy sinh, tôi mới 6 tuổi. Má tôi đã quỵ xuống, ôm tôi cùng hai đứa em thơ, đứa mới 4 tuổi, đứa mới 8 tháng tuổi khóc thảm thiết. Má suy sụp trong suốt một thời gian dài nhưng rồi bà cũng cố gượng dậy để nuôi con. Đến bây giờ, dù đã gần 80 tuổi nhưng cái chết của ba vẫn là cú sốc không thể nguôi ngoai của má”. Không chỉ có má ông Hai Lâm mà nhiều bà má Trường Lạc cũng có cùng nỗi đau xé lòng. 11 người đã vĩnh viễn nằm xuống bên bờ kinh là nỗi đau, nỗi căm hờn chung cho quân dân Trường Lạc.

* * *

Khoảng 10 giờ ngày 25-4 (âm lịch), giặc rút hết, bà con mới đem thi hài người thân về an táng. Lòng căm hờn như tiếp thêm sức mạnh để bà con tiếp tục hoàn thành việc đào kinh. Đợi giặc rút, quân dân Trường Lạc lại đào. Mọi người đào kinh ngày đêm, có lúc vào khuya hay giữa trưa. Con kinh ngang 2m dài gần 2km đã hoàn thành và mừng công đúng vào sinh nhật Bác năm 1961. Bà con đặt tên cho con kinh ấy là kinh Giải Phóng – như một sự ghi công và cũng nói lên ước mơ của quân dân địa phương. Kinh Giải Phóng đã đi vào lịch sử bi hùng của cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Ở Trường Lạc bây giờ, bà con vẫn còn truyền tụng bài “Vè Kinh Giải Phóng”, nhắc lại câu chuyện đào kinh và cuộc thảm sát năm ấy: “Nghe vẻ nghe ve. Bà con lắng nghe. Tôi đọc bài vè. Của rạch Trà Luộc. Rạch cong đuôi chuột. Trổ tuốt Rạch Tra. Có nhiều ngã ba. Miễu Trắng ngó qua. Ngã ba Giải Phóng. Kinh đào thông thống. Phóng giáp kinh Đình. Nghị quyết đồng tình. Đào kinh chống Mỹ. Bấm tay tính kỹ. Năm sáu mươi mốt. Hai lăm tháng tư. Nông dân vui cười. Cùng nhau xuống vá. Thằng giặc bắn phá. Lừa lúc canh ba. Đặt lọp chận ta. Sáng ra mặt nổi. Súng cối nổ đùng. Hướng lộ Vòng Cung. Càn lùng bắn giết. Quân ta quyết liệt. Chạm súng chống càn. Bảo vệ địa bàn. Dân công tránh né. Rút thoát lọt kẻ. Kẹt số chém vè. Giặc đè mổ bụng. Con số tính chung. Là mười một bạn. Kinh đào còn cạn. Quyết tử hoàn thành. Ngày nay thành danh. Con kinh Giải Phóng”.

* * *

Sau 36 năm đất nước hòa bình, thống nhất và sau 50 thông dòng, kinh Giải Phóng vẫn êm ả dòng trôi, cần mẫn đưa nước đến cho những ruộng lúa trên đồng quê Trường Hòa, Trường Lạc. Mùa này, những chiếc xuồng, ghe chở đầy ắp lúa xuôi theo con kinh. Khu vực Trường Hòa đã được công nhận danh hiệu văn hóa năm 1998. Hầu như điện, đường đã phủ khắp các địa bàn trong khu vực. Đời sống của người dân, nhất là các gia đình chính sách, có công với cách mạng đã được cải thiện nhiều nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó bao đời của bà con. Nhờ hệ thống kinh rạch hoàn chỉnh, thông thoáng, đến nay, khu vực Trường Hòa đã canh tác 3 vụ lúa trong năm với năng suất rất cao, có vụ lên tới hơn 60 giạ/công. Bà con trong vùng còn chăn nuôi, trồng trọt để có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học...

Bao nhiêu thế hệ Trường Lạc đều biết lịch sử kinh Giải Phóng. Những người lớp trước thường nhắc con cháu phải sống tốt hơn để xứng đáng với xương máu mà ông cha đã đổ xuống trên dòng kinh này. Bà con hình thành nếp sống văn hóa tốt đẹp, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Được biết, UBND quận Ô Môn đang triển khai kế hoạch xây dựng một bia căm thù đặt ngay đầu kinh Giải Phóng để ghi nhớ và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay.

* * *

Chia tay tôi bên dòng kinh, ông Hai Lâm nhắn nhủ rằng: “Chừng nào kinh Giải Phóng còn chảy, người dân chúng tôi vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Nguyện sống sao cho trọn với tiền nhơn”.

Đặng Duy Khôi

Chia sẻ bài viết