30/04/2015 - 20:32

Vang xa bánh dân gian Cần Thơ

Hôm nay (1-5), Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IV-2015 do TP Cần Thơ tổ chức sẽ khép lại với những kỳ vọng về hướng hội nhập cho ẩm thực dân gian Cần Thơ và Nam bộ. Qua đó, bánh dân gian không chỉ là điểm nhấn văn hóa đặc trưng, mà còn góp phần phát triển kinh tế, du lịch của TP Cần Thơ.

Định hình thương hiệu

 Các loại bánh dân gian Cần Thơ rất thu hút thực khách.

Là cái nôi của văn minh miệt vườn, từ bao đời nay, Cần Thơ không chỉ nổi tiếng với cây lành trái ngọt mà còn được nhắc đến qua những món bánh quê dân dã, mộc mạc. Trong xu hướng kinh tế thị trường, nhiều nghệ nhân, lão nông tri điền đã biến các món ngon ấy thành sản phẩm du lịch, tạo thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Cần Thơ.

Lò hủ tiếu Sáu Hoài của ông Nguyễn Hữu Hoài, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, vào mỗi buổi sáng đều đông khách tham quan. Du khách thích thú khi được tìm hiểu các công đoạn tráng bánh, phơi nắng, sắt sợi hủ tiếu và cuối cùng là tô hủ tiếu đậm đà hương vị. Càng thích thú hơn khi du khách được tận tay múc gàu bột tráng bánh trên bếp lò rực hồng. Ông Sáu Hoài cho biết, làm hủ tiếu là nghề gia truyền của gia đình ông và xóm nhỏ trong rạch Rau Răm. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sức ép từ kinh tế thị trường nên nhiều lò hủ tiếu phải đóng cửa. Ông Sáu Hoài nghĩ ra hướng du lịch làng nghề và đã thành công. Đặc biệt, sản phẩm hủ tiếu chiên với tên gọi “pizza hủ tiếu” do gia đình ông sáng chế ra đã trở thành một món ăn lạ miệng, hấp dẫn khách nước ngoài. Anh Karol, một du khách đến từ Ba Lan, thích thú: “Pizza hủ tiếu gần giống như pizza châu Âu nhưng lại khác về nguyên liệu, mùi vị. Rất ngon! Tôi thật ngạc nhiên khi biết đây là sự biến tấu của ông chủ ở đây”.

 Tiềm năng kết hợp bánh dân gian với phát triển du lịch, kinh tế ở Cần Thơ còn rất lớn. Trong ảnh: Nghệ nhân Chín Tảo (huyện Phong Điền) đang cán bánh phồng – nghề truyền thống của gia đình.

Còn rất nhiều món ăn dân dã đã định hình thương hiệu, hấp dẫn thực khách trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ như: bánh hỏi mặt võng Út DZách (Phong Điền), bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh xèo Mười Xiềm (Bình Thủy), bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), bánh xèo Bảy Tới (Ninh Kiều)... Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều sản phẩm ẩm thực dân gian ở Cần Thơ đã có lâu đời nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả như: cơm rượu Trung Thạnh (Thốt Nốt), bánh đa, chả lụa (Vĩnh Thạnh)…

Một du khách người Anh thích thú trải nghiệm sắt sợi hủ tiếu ở lò hủ tiếu Sáu Hoài.
 

Trong một lần ra Hà Nội, chúng tôi tò mò ghé vào nhà hàng có tên “Bánh khọt Bến Ninh Kiều”, được mọi người giới thiệu là “ẩm thực Tây Đô giữa lòng Thủ đô”. Thật ngạc nhiên khi nhìn vào thực đơn của một nhà hàng miền Bắc lại có đầy đủ bánh xèo, lẩu mắm… và đặc biệt là món bánh khọt với nhiều loại nhưn: tôm, thịt, hải sản, chay… Được biết, chủ quán là anh Dư Thành Trung, một người Hà Nội gốc, nhưng bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp và món ngon của Cần Thơ nên nghĩ ra việc kinh doanh ẩm thực mang đậm bản sắc Tây Đô. Hơn một năm hoạt động, nhà hàng hoạt động rất thành công, là địa chỉ hiếm hoi cho người Thủ đô muốn thưởng thức hương vị đồng bằng.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ, nhận định: Ẩm thực dân gian Cần Thơ rất phong phú và đa dạng, thu hút du khách bởi sự mộc mạc, giản dị. Với tiềm năng đó, Cần Thơ đã và đang thúc đẩy để xây dựng thương hiệu cho ẩm thực dân gian, khai thác tối đa lợi thế theo hướng vừa bảo tồn phát huy giá trị truyền thống, vừa hội nhập để nâng cao đời sống cho nghệ nhân.

Tiếp sức

Ông Nguyễn Khánh Tùng cho rằng, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ do TP Cần Thơ tổ chức suốt 4 năm qua đã giúp các nghệ nhân nuôi dưỡng tình yêu nghề và có thêm động lực cải tiến mẫu mã, chất lượng, tạo hướng mở cho bánh dân gian hội nhập. Bên cạnh đó, lễ hội còn giúp các làng nghề, nghệ nhân hình thành phân khúc thị trường, sự chuyển đổi của xu hướng tiêu dùng trong thời buổi hội nhập để thích ứng.

Để hỗ trợ nghệ nhân, nhiều năm qua, Sở Khoa học – Công nghệ TP Cần Thơ đã làm tốt việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề, sản phẩm dân gian… Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ quảng bá, giới thiệu thông qua con đường xúc tiến thương mại hoặc ngoại giao. Điển hình như thương hiệu “Bánh tét lá cẩm Cần Thơ” do gia tộc họ Huỳnh ở quận Bình Thủy xây dựng đã được công nhận thương hiệu, bảo hộ độc quyền từ giữa năm 2014. Là một trong những loại bánh tham gia Ngày hội Bánh dân gian cách đây 3 năm, gia đình bà Huỳnh Thị Trọng đã được Sở Khoa học – Công nghệ thành phố hỗ trợ đăng ký thương hiệu với kiểu dáng, logo sản phẩm… Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đã giúp bánh tét lá cẩm Cần Thơ vào hệ thống siêu thị, tạo thành một món ăn và quà biếu tiêu biểu cho du lịch Cần Thơ.

Cũng từ giữa năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đã ra mắt Câu lạc bộ sản phẩm đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MekongSP Club-MSC) nhằm hỗ trợ nghệ nhân bánh dân gian trong quảng bá, tiếp cận thị trường. Anh Trần Thiện Cảnh, chủ điểm du lịch làng nghề bánh hỏi mặt võng Út DZách, cho biết, anh đã tham gia MSC từ đầu. MSC đã hỗ trợ điểm du lịch của anh hiệu quả, trong đó có việc hướng dẫn kỹ năng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với du khách.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, bánh dân gian thường “vướng” ở khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm, bao bì, nhãn mác. Do vậy, bánh dân gian Cần Thơ không thể sử dụng được lâu, điều kiện vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo nên chưa tiếp cận được thị trường tiêu dùng, nhất là xuất khẩu. Ngoài ra, sức ép từ các loại thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh không hề nhỏ. “Làm sao đáp ứng các yêu cầu: mẫu mã, bao bì, hạn sử dụng lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng để bánh dân gian Cần Thơ trở thành sản phẩm được sử dụng hằng ngày, không phải chỉ đến dịp lễ, Tết. Có như thế, bánh dân gian mới đi sâu vào đời sống đương đại” – ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ghi nhận từ các nghệ nhân, Nhà nước cần đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị bánh dân gian Nam bộ, mở rộng các hình thức xã hội hóa để mọi người dân có thể tham gia gìn giữ và phát huy theo kiểu “lấy nghề nuôi nghề”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách khuyến khích các nghệ nhân, mở lớp đào tạo, truyền dạy kỹ năng chế biến bánh dân gian Nam bộ. Như cách nói của anh Út Bé, con rể của bà Huỳnh Thị Trọng khi tham gia Lễ hội Bánh dân gian Cần Thơ năm nay: “Quận và Ban tổ chức lo hết thảy, tôi chỉ việc ngồi bán, còn gì bằng!”.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Tiềm năng kết hợp du lịch còn rất lớn

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP Cần Thơ nhận định: Hiện tại, theo khảo sát nhu cầu của du khách khi đến Cần Thơ ngoài tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu văn hóa thì hoạt động trải nghiệm làng nghề, cùng người dân chế biến thức ăn, bánh dân gian, rất được yêu thích. Hiện một số địa phương trong thành phố cũng đã triển khai các hoạt động trải nghiệm nhưng chưa nhiều và quy mô còn nhỏ lẻ.

Tiềm năng bánh dân gian Cần Thơ còn lớn, tài hoa và sức sáng tạo của nghệ nhân còn lớn, vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa nghệ nhân và các công ty lữ hành, du lịch để phát huy lợi thế này.

Chia sẻ bài viết