15/02/2009 - 10:27

Valentine’s thời suy thoái

Bó hồng tươi thắm được thay bằng thiệp tự tay làm lấy. Vé xem xi-nê được thế bằng đĩa DVD thuê ngoài tiệm. Thay thế trang sức cá nhân đắt tiền là tập thơ tự sáng tác. Bữa tối lãng mạn ở nhà hàng nhường chỗ cho bữa ăn ấm cúng tại tư gia... Ngay cả một số đấng mày râu dự định trao lời cầu hôn vào ngày Thứ Bảy đặc biệt cũng chọn một cách tiết kiệm hơn: lục tìm trên mạng nhẫn đính hôn giảm giá, thiệp Valentine miễn phí hay quà Tình nhân thủ công. Những ví dụ vừa kể cho thấy ngày 14-2 năm nay, thần tình yêu đã trở thành nạn nhân mới nhất của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Tại Mỹ, doanh số nữ trang giảm 30% so với mùa Valentine năm trước. Lượng hoa và sô-cô-la tiêu thụ nhiều khả năng cũng sẽ giảm mạnh, do nhiều người cho biết họ sẽ mua hoa và sô-cô-la ít hơn, hoặc thậm chí là “quên” luôn hai khoản lãng mạn không thể thiếu này. Theo Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ, nếu như năm ngoái, dân Mỹ chi trung bình 122,98 USD cho ngày Valentine’s, năm nay con số này dự kiến giảm còn 102,5 đô-la. Kết quả thăm dò đối với gần 9.000 người được tiến hành vào đầu tháng 1-2009 cho thấy người dân xứ cờ hoa vẫn sẽ mừng ngày Valentine’s nhưng với tinh thần tiết kiệm triệt để. Chỉ 36% cho biết họ sẽ mua hoa cho tình nhân (hoặc bạn đời), 47% nói họ sẽ dắt người ấy đi ăn nhà hàng (như mọi năm) và 16% tuyên bố sẽ mua quà là trang sức.

Marc Matsumoto (31 tuổi), giám đốc tiếp thị ở New York bị mất việc tháng 12 năm ngoái, kể những mùa Valentine’s trước, anh bỏ ra trung bình 700-1.000 USD để ăn tối, 400-500 USD mua quần áo đắt tiền của Theory và Eli Tahari, và một khoản không nhỏ để sắm trang sức hiệu Tiffany’s. Năm nay, vợ chồng anh tổ chức Valentine’s tại gia với thực đơn gói ghém trong khoảng 125 USD. Trong khi đó, đôi uyên ương Tim Rhodes và Beth ở Snellville (bang Georgia) bật mí họ sẽ trao nhau những món quà thiết thực, như giày ống hoặc áo khoác và tiết kiệm tối đa vì họ sắp chuyển sang Nga dạy tiếng Anh. Còn vợ chồng Chadd Bennett (30 tuổi) ở Seattle quyết tâm “tạm quên” bữa tối lãng mạn dưới ánh nến trong nhà hàng và quà nữ trang đắt tiền. Thay vào đó, năm nay họ sẽ cắm trại tại phòng khách ở nhà. “Tuy kém phần lãng mạn nhưng nó chắc chắn sẽ vui hơn rất nhiều, và quan trọng là chúng tôi tiết kiệm được ít nhất vài trăm đô”, anh Bennett bộc bạch.

Tương tự như gia đình Bennett, Corinnes Van Plaar cũng quyết định làm Valentine’s tại nhà, tự tay làm bánh kem hình trái tim cho hai nhóc tì, một phần là do bóng mây suy thoái đang bao trùm nền kinh tế. Bà mẹ trẻ đơn thân này vẫn còn công việc ở cửa hiệu bán thú cưng ở New York. Nhưng Plaar và bọn trẻ biết rằng gần đây có rất nhiều người thất nghiệp. Và cô muốn dùng dịp Valentine’s này để dạy các con về ý nghĩa của tình thân. “Đơn giản chỉ là quây quần bên nhau và bảo nhau rằng chúng ta luôn quan tâm và yêu thương nhau - rất thiết thực”, Plaar tâm sự. Với Shawn Ward ở Massachusetts, “năm nay là Valentine’s đầu tiên chúng tôi không bước ra đường. Thay vì thuê người trông trẻ và ra ngoài ăn uống như mọi năm, chúng tôi quyết định tìm niềm vui ngay trong tổ ấm của mình”.

 Mua thực phẩm và bánh kem về nhà tổ chức Valentine’s là lựa chọn của nhiều gia đình Mỹ thời khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Csmonitor,  NYTimes

Những cặp đôi không muốn xóa bỏ truyền thống Valentine gồm “thiệp, sô-cô-la, hoa hồng và ăn tối ở ngoài” cũng thực hiện tinh thần tiết kiệm theo cách sáng tạo như sử dụng phiếu tặng quà, dắt nhau đi ăn Valentine’s trước một hoặc vài ngày (giá sẽ rẻ hơn), chọn nhà hàng có thực đơn khuyến mãi hoặc giảm giá... Trong khi đó, các cửa hàng, quán ăn cũng thích nghi với xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng. Chẳng hạn, hoa hồng thay vì bán theo tá thì bán theo bó 10 hoa, với giá rẻ hơn vài đô-la. Cửa hàng trang sức thì tung ra những mặt hàng bình dân hơn, còn các nhà hàng lôi kéo thực khách bằng chiêu giảm giá, khuyến mãi...

Giáo sư kinh tế Angeline Close của Đại học Nevada, chuyên nghiên cứu về thái độ của người tiêu dùng đối với Ngày Valentine’s, nhận xét cơn bão suy thoái kinh tế đã đưa Ngày Tình yêu trở về căn nguyên của nó. Thuở ban đầu hồi giữa thế kỷ 18, ngày Valentine’s chỉ là dịp để các đôi yêu nhau trao thiệp cho nhau nhưng dần dà ngày này đã phát triển thành dịp “vung tiền bậc nhì” chỉ sau Lễ Giáng sinh. “Mới đầu chỉ là thiệp và sô-cô-la. Sau đó là thiệp, sô-cô-la, hoa hồng, và nay trở thành thiệp, sô-cô-la, hoa hồng, ăn tối hoành tráng”.

DIỆP MAI (Theo NYTimes, Csmonitor)

Chia sẻ bài viết