07/04/2013 - 19:31

Vai trò, lợi ích của hiến máu và những lưu ý khi đi hiến máu

Hiến máu tình nguyện vừa giúp cứu chữa người bệnh, vừa có lợi cho sức khỏe.
Ảnh: H.G

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị, tuy nhiên hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu máu cho điều trị. Do vậy rất cần nhiều người tham gia hiến máu, đây là việc làm nhân đạo không chỉ giúp cứu chữa người bệnh mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người hiến máu.

Vì sao cần hiến máu?

Máu là một chất lỏng lưu thông trong các mạch máu của cơ thể, gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần làm nhiệm vụ khác nhau: hồng cầu làm nhiệm vụ chính là vận chuyển oxy; bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể; tiểu cầu tham gia vào quá trình đông cầm máu; huyết tương gồm nhiều thành phần khác nhau: kháng thể, các yếu tố đông máu, các chất dinh dưỡng...

Máu giúp duy trì sự sống và cần thiết cho việc điều trị hàng ngày. Theo các bác sĩ, trên thực tế, có rất nhiều người cần được truyền máu, đó là những trường hợp mất máu do bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương, xuất huyết tiêu hóa, thảm họa…; bệnh nhân bị mắc các bệnh lý về máu như ung thư máu, suy tủy xương, máu khó đông, xuất huyết giảm tiểu cầu… Ngoài ra, những ca phẫu thuật tim mạch, cắt dạ dày, ghép tạng… cũng cần truyền rất nhiều máu.

Máu an toàn để cứu chữa người bệnh chủ yếu được lấy từ người khỏe mạnh hiến máu. Tại TP Cần Thơ, theo số liệu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, trung bình mỗi năm, bệnh viện thu nhận khoảng trên 50.000 đơn vị máu hiến tặng. Ông Từ Minh, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho biết, đơn vị máu ban đầu sau khi tiếp nhận về sẽ được bệnh viện tiến hành sản xuất và tách ra các chế phẩm máu (như khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu pool, tiểu cầu máy chiết tách từ một người cho, tủa lạnh…). Đồng thời, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc (gồm: nhóm máu ABO, Rh, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét…), sau khi có kết quả sẽ lựa chọn những đơn vị máu đạt chuẩn, đưa vào bảo quản, đảm bảo cung cấp máu an toàn cho các bệnh viện, những đơn vị máu nào không đạt chuẩn thì hủy bỏ theo quy định.

Hiến máu có nhiều lợi ích

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, tất cả mọi người khỏe mạnh, đủ điều kiện nên tham gia hiến máu, hiến máu không chỉ cứu sống được tính mạng người bệnh mà còn mang lại sức khỏe cho người hiến máu.

Khoa học đã chứng minh người khỏe mạnh mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe, người 45kg có thể hiến từ trên 350ml máu mỗi lần. Hiến máu nhiều lần còn có thể giúp giảm nguy cơ ứ đọng sắt, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và là cách để mỗi người kiểm tra và tự giám sát sức khỏe của mình.

Khi hiến máu, tất cả vật liệu và dụng cụ dùng cho lấy máu như: túi lấy máu, kim, bông, găng tay… đều đảm bảo vô trùng, chỉ sử dụng một lần vì vậy không thể lây bệnh cho người hiến máu. Tham gia hiến máu, người hiến máu còn được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu, được cấp giấy chứng nhận tham gia hiến máu, nhận quà lưu niệm và hỗ trợ một phần chi phí đi lại.

Những người đủ điều kiện hiến máu: trong độ tuổi từ 18-60 đối với nam, 18-55 đối với nữ; cân nặng: nam và nữ trên 45 kg; khoảng cách giữa hai lần hiến máu là 12 tuần; không có nguy cơ cao lây nhiễm HIV  và các bệnh lây qua đường máu, không bị bệnh viêm gan B  hoặc C và các bệnh mãn tính…

Để hiến máu an toàn, các bác sĩ khuyên người hiến máu cần lưu ý: đêm trước khi hiến máu không nên thức quá khuya; ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ), không nên uống rượu, bia trước khi hiến máu; chuẩn bị tâm lý ổn định thoải mái…; mang theo giấy tờ tùy thân khi tham gia hiến máu. Sau hiến máu: giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường; hạn chế các hoạt động gắng sức đòi hỏi nhiều thể lực như đá bóng, tập thể hình, không leo trèo cao, không thức quá khuya; không uống rượu bia; tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng, sữa; dùng thêm các thuốc cung cấp sắt nếu có thể; hạn chế sử dụng bia, rượu trong ngày đầu sau khi hiến máu.

NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết