25/05/2024 - 09:12

Vai trò an ninh của Nhật Bản tại Ðông Nam Á 

Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cho biết nước này sẽ mua 5 tàu tuần tra đa chức năng của Nhật Bản, qua đó nhấn mạnh “cam kết kiên định của 2 nước trong việc tăng cường năng lực an toàn hàng hải vì lợi ích của đất nước và cộng đồng hàng hải rộng lớn hơn”.

Tàu tuần tra SETTSU thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: AP

Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ cho Philippines vay 507 triệu USD để mua số tàu tuần tra nói trên và số tàu này sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2027-2028. Như vậy, đây là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay giữa Tokyo và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG). Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ: “Khoản vay này sẽ hỗ trợ PCG nâng cao năng lực trong các hoạt động hàng hải, đặc biệt là trong việc đối phó với tội phạm xuyên quốc gia”.

Theo giới quan sát, việc Philippines mua 5 tàu tuần tra của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông là dấu hiệu mới nhất cho thấy vai trò ngày càng tăng của Tokyo trong đảm bảo an ninh khu vực khi mà Trung Quốc hành động ngày càng quyết đoán. Giới quan sát nhận thấy vai trò đó của Nhật Bản là cần thiết giữa lúc Mỹ đang bận tâm với cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza.

Động thái trên được Nhật Bản đưa ra chỉ ít lâu sau khi Ấn Độ bàn giao loạt tên lửa “sát thủ diệt hạm” BrahMos đầu tiên cho Philippines theo thỏa thuận trị giá 375 triệu USD được ký hồi năm 2022, trong đó New Delhi đồng ý cung cấp 3 khẩu đội BrahMos với ít nhất 6 xe phóng đạn cho Manila, kèm theo huấn luyện binh sĩ vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật.

“Đó là bước đi thông minh và là dấu hiệu cho thấy thách thức khu vực đang chờ đợi. Nhật Bản cần các đối tác và nước này phải trở thành đối tác an ninh trong bối cảnh các quốc gia như Philippines cần Tokyo trở thành đối tác an ninh của họ” - Mark Cogan, phó giáo sư nghiên cứu về hòa bình và xung đột tại Đại học Kansai Gaidai (Nhật Bản), nhận định. Theo ông Cogan, hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt là ở Đông Nam Á, cần có những mối quan hệ đối tác đáng tin cậy. Ông này cho rằng Mỹ hiện không còn là đối tác đáng tin cậy và được cho đang “phân tâm” vì cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza, trong khi Nhật Bản thực hiện tốt vai trò là nhà cung cấp an ninh, vốn được thể hiện rõ trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm 23-5 cho biết có nhiều khả năng nước này và Nhật Bản sẽ ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho phép lực lượng phòng thủ của 2 nước huấn luyện trên lãnh thổ của nhau tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước (hội nghị 2+2) vào tháng 7 tới. Đây sẽ là thỏa thuận RAA đầu tiên của Nhật Bản với một nước Đông Nam Á và là hiệp ước RAA thứ ba sau các hiệp ước đã ký với Úc và Anh có hiệu lực vào năm ngoái.

Kể từ những năm 1950, Nhật Bản đã tìm cách thiết lập và duy trì quan hệ đối tác song phương với các quốc gia Đông Nam Á. Ban đầu, quan hệ giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực  chủ yếu tập trung vào hợp tác kinh tế, sau đó mới được mở rộng sang hợp tác chính trị và an ninh, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như buôn bán ma túy, cướp biển và khủng bố.

Đáng chú ý, Nhật Bản hồi tháng 4 năm ngoái quyết định thành lập khuôn khổ hỗ trợ mới có tên Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Chương trình viện trợ không hoàn lại trong lĩnh vực quân sự này được thiết lập để viện trợ cho các quốc gia đang phát triển tăng cường năng lực giám sát trên biển, trên không, ứng phó thảm họa, cũng như thúc đẩy các hình thức hỗ trợ nhân đạo và giữ gìn hòa bình quốc tế. Trong giai đoạn đầu tiên, Nhật Bản hỗ trợ các thiết bị như radar cảnh báo và giám sát cho quân đội 4 nước Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji. Giới quan sát đánh giá, cùng với khuôn khổ Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), OSA sẽ là phương tiện để Nhật Bản mở rộng ảnh hưởng cả trong lĩnh vực quân sự lẫn phi quân sự.

Theo Tiến sĩ Satoru Nagao tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ), Nhật Bản muốn duy trì sự cân bằng quân sự trong khu vực nhưng để biến điều này thành hiện thực thì rất khó, bởi nguồn lực của Tokyo còn hạn chế trong khi quá trình hiện đại hóa quân sự của Bắc Kinh lại diễn ra nhanh chóng. Ví dụ, Trung Quốc biên chế 148 tàu hải quân mới trong giai đoạn 2013-2022, bằng tổng lượng tàu hải quân Nhật Bản sở hữu.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết