29/10/2009 - 22:16

Ung thư vòm mũi họng - Dễ nhầm với các bệnh lý vùng mũi, họng

ThS. BS. Châu Chiêu Hòa
(Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ)

Ung thư vòm mũi họng là một trong những loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam. Do các triệu chứng của bệnh không điển hình nên nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn giữa ung thư vòm họng với các bệnh lý khác: viêm mũi, viêm họng, đẹn… Vì vậy, nhiều trường hợp đến bệnh viện trễ, khi bệnh đã bước sang giai đoạn khu trú hoặc giai đoạn toàn phát. Ngược lại, cũng có trường hợp bệnh nhân lo lắng thái quá, cho rằng mình bị ung thư vòm mũi họng, nhưng thực tế chỉ bị đẹn và các vết lở loét trong miệng không dứt hẳn mà cứ tái đi tái lại.

Ở nước ta, ung thư vòm mũi họng là bệnh khá phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ và thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Các triệu chứng của bệnh lại không điển hình nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính gây ung thư vòm họng chưa được xác định, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan tới virus Epstein- Barr (EBV). Biểu hiện thường thấy của bệnh có một tổ chức loét, sùi ác tính ở bất cứ vị trí nào trong vòm họng.

Các bác sĩ đang khám bệnh vùng họng, răng hàm mặt của học sinh. Ảnh: B.Ng 

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của ung thư vòm họng thường diễn tiến âm thầm. Nhức đầu là triệu chứng sớm. Ở giai đoạn này, có đến 80% bệnh nhân ung thư vòm họng bị nhức đầu lan tỏa, âm ỉ và thường nhức nửa đầu, nhức từng cơn. Ù tai chiếm 70% ca bệnh, đa số ù một bên tai, lúc nào cũng như có tiếng ve kêu, ngạt một bên mũi lúc nặng, lúc nhẹ, có khi chảy máu mũi.

Sang giai đoạn khu trú, bệnh nhân nhức đầu nhiều, nhức sâu trong hốc mắt, vùng thái dương. Tùy theo vị trí khối u mà bệnh nhân có các triệu chứng: nghẹt mũi một bên, chảy mũi nhầy, thỉnh thoảng xì mũi lẫn ít máu; khó chịu trong tai, ù tai, nghe kém; hạch cổ một bên thường xuất hiện sớm, sau góc hàm, trên dãy hạch cảnh, hạch to dần, cứng ấn không đau, di động hạn chế; cảm giác tê bì ở miệng, một bên vùng mặt, khớp cắn hạn chế, đưa hàm qua lại khó khăn. Khi soi họng, mũi trước, thường không thấy có tổn thương nhưng khi nội soi mũi sau có thể phát hiện sớm khối u sùi, thâm nhiễm ở nóc vòm hay thành bên vòm, ở gờ loa vòi tai.

Giai đoạn toàn phát, tùy theo hướng lan của khối u mà có những triệu chứng khác nhau: bệnh nhân gầy, ăn uống kém, mất ngủ, thiếu máu, hay bị sốt do nhiễm trùng. Khối u lan ra trước gây nghẹt tắc mũi, chảy mũi lẫn máu có mùi hôi, khám thấy khối u sùi, loét nằm sâu trong hốc mũi, dễ chảy máu... Khối u lan sang bên, bệnh nhân bị ù tai nhiều, nghe kém, đau trong tai, chảy mủ tai lẫn máu, hôi thối... Khối u lan xuống dưới, bệnh nhân thường bị sặc khi nuốt, khít hàm, liệt màng hầu... Khối u lan lên trên thường gây nên các triệu chứng nội sọ và gây liệt các dây thần kinh sọ não.

Khi có biểu hiện đau nửa đầu, nghẹt mũi, chảy mũi lẫn máu, ù tai, nghe kém, có hạch cổ... cần phải khám chuyên khoa sớm để nội soi mũi sau phát hiện khối u. Nếu nghi ngờ ung thư, phải bấm sinh thiết để có kết quả xác định. Ung thư vòm họng được điều trị chủ yếu bằng tia xạ và cho kết quả khả quan nếu bệnh nhân được điều trị sớm. Hiệu quả của phẫu thuật và hóa trị liệu không cao nên ít được sử dụng, trừ phẫu thuật nạo vét hạch cổ di căn.

Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư vòm mũi họng nhưng lại nhầm với các bệnh lý khác, khi phát hiện thì đã trễ nên nguy hiểm đến tính mạng. Cần lưu ý rằng ung thư vòm mũi họng có những biểu hiện không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan đến vùng mũi, họng. Vì thế, khi có triệu chứng nhức đầu lan tỏa, âm ỉ, nhức nửa đầu, nhức từng cơn- những triệu chứng sớm của ung thư vòm mũi họng- thì nên đến cơ sở y tế kiểm tra để có hướng điều trị sớm, chính xác.

Nhưng ngược lại, nhiều bệnh nhân bị các vết lở loét trong miệng, cứ tái đi tái lại nên rất hoang mang, cho rằng mình bị ung thư vòm họng. Nhưng đó chỉ là trường hợp bị nổi đẹn thông thường hoặc bị bệnh Aphthae (dân gian gọi là bệnh đẹn trăng). Bệnh nhân bị đẹn có từ một đến vài vết loét ở niêm mạc miệng, lưỡi, môi... Nguyên nhân gây nên đẹn chưa được biết rõ nhưng có một số yếu tố liên quan được xem là nguyên nhân gây bệnh, như: thiếu vitamin C, PP, B6, nhiễm vi khuẩn hay virus; ở nữ, rối loạn nội tiết như hành kinh, có thai, mãn kinh...; do tâm lý như xúc cảm, lo lắng. Bệnh dễ xuất hiện khi bị chấn thương ở niêm mạc miệng như răng cắn vào lưỡi...

B.KIÊN (Ghi)

Chia sẻ bài viết