Ngành công nghiệp quân sự máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine đang bùng nổ và trở thành “điểm nóng” trên chiến trường. Thế hệ người trẻ tại quốc gia Đông Âu này bị vẻ đẹp và tính logic của UAV truyền cảm hứng để chế tạo. Nhiều người trong số họ là nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, thậm chí là các cựu game thủ nhưng tất cả đều có chung đam mê trong ngành công nghệ thời chiến này.

Roman Shemechko bên mẫu UAV tự chế. Ảnh: Csmonitor
Phi công người Ukraine Roman Schechko là một thí dụ. Thuở nhỏ, Schechko đã yêu thích việc chế tạo máy bay mô hình và “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine đã cho anh một cái cớ để quay lại niềm đam mê đó. Nguyên mẫu UAV tấn công và giám sát do công ty Besomar của anh chế tạo được đặt đầy trong căn phòng tại một tòa nhà văn phòng bị phá hủy ở thành phố Lviv. “UAV có thể giám sát một cách hiệu quả hơn so với máy bay có người lái. Bạn có thể bay an toàn và không lo sợ nguy hiểm đến tính mạng. Một người có thể chế tạo ra nhiều UAV dùng để thả bom hoặc do thám kẻ thù. Ngược lại, việc đào tạo ra một phi công đòi hỏi rất nhiều thời gian. Bạn cần từ 2-3 tháng để đào tạo ra một phi công có trình độ kiến thức và kỹ năng tốt” - Schechko chỉ ra lợi ích của UAV so với máy bay có người lái. Không những vậy, UAV cũng dễ thay thế hơn. Khi một UAV bị phá hủy hoặc thất lạc, người điều khiển chúng có thể thay thế bằng một UAV mới và tiếp tục hành trình.
Gần đây, Ukraine trở thành nơi thử nghiệm UAV của Mỹ, Đức, Ba Lan và một số đối tác khác. Vô số công ty phát triển UAV mới đang được hình thành, trong khi nhiều nhóm kỹ sư nỗ lực nghiên cứu tạo ra các nguyên mẫu UAV, cố gắng đạt được các yêu cầu kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Họ hy vọng sẽ ký được các hợp đồng quân sự với chính phủ hoặc NATO. “NATO đến Ukraine để tìm hiểu xem liệu UAV có thực sự là UAV chiến đấu hay không. Ở Ukraine, chiến tranh không còn ở tiền tuyến nữa mà luôn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi cần công nghệ” - Maxim Sheremet, Giám đốc công ty sản xuất UAV Dronarnia, cho biết. Sheremet làm việc cho các công ty công nghệ quân sự từ năm 2012. Với sự giúp đỡ của những sinh viên đam mê chế tạo UAV, Sheremet đã thành lập công ty Dronarnia chỉ một tháng sau khi Nga tấn công Ukraine.
Một người đam mê sản xuất UAV khác nữa là Oleksandr Ykovenko, Giám đốc điều hành của TAF Drone. Đến nay, TAF Drone có 4 nhà máy sản xuất UAV trên khắp Ukraine dù công ty này đã hứng chịu một cuộc tấn công phá hoại, gây thiệt hại lên tới 300.000USD hồi tháng 7. Phần lớn nguồn cung cấp thiết bị của TAF Drone (90%) đến từ Trung Quốc đại lục hoặc Đài Loan, phần còn lại đến từ các nhà cung cấp ở châu Âu và Mỹ. “Chúng ta phải tạo ra những sản phẩm rẻ hơn mục tiêu. Nếu không, chúng ta sẽ không thắng vì kẻ thù có nhiều tài nguyên hơn đất nước chúng ta” - Ykovenko nói.
Thật ra, UAV đã trở thành một phần trong khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga hồi năm 2014 khi Mát-xcơ-va tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp một phần miền Đông Ukraine. Với chi phí thấp, UAV mang lại nhiều lợi thế trong chiến tranh bất đối xứng. Chúng có thể được sử dụng để giám sát, trinh sát và tấn công chính xác. Ngay cả mẫu UAV đắt nhất cũng rẻ hơn nhiều so với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, trong khi những mẫu UAV cơ bản cũng có thể mang đủ chất nổ để “hạ gục” một chiếc xe tăng.
Chính việc UAV được “chuộng” dùng trong cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến cả Mát-xcơ-va và Kiev nỗ lực điều chỉnh toàn bộ các công nghệ và chiến lược chiến đấu liên quan. Nếu như trong năm 2014 Ukraine chỉ có một số trường dạy lái UAV thì hiện nước này có tới hơn 30 trường. “So với lúc trước khi bị Nga tấn công, Ukraine hiện có thêm hàng ngàn phi công lái UAV. Ukraine và Nga giống như những con ngựa đua. Họ đang đối đầu với nhau. Có những lúc chúng tôi thấy người Nga đánh cắp công nghệ của chúng tôi. Trong những tình huống khác, chúng tôi lại thấy mình đứng sau họ. Chúng tôi có thể thua sút họ về số lượng UAV nếu không tăng cường sản xuất” - Andrii, giảng viên dạy lái UAV tại Trường Quân sự Boryviter, lo ngại.
Phần lớn các cuộc tấn công qua lại giữa Nga và Ukraine hiện nay là bằng UAV nên có nhận định cho rằng cuộc chiến UAV đầu tiên trên thế giới đang diễn ra ở Ukraine. Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết UAV đã nhanh chóng trở thành “người thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường khi “hạ gục” hàng loạt khí tài của Nga. Ông đánh giá đôi khi những chiếc UAV tầm thấp FPV hoạt động còn hiệu quả hơn cả pháo binh. “FPV thực sự là một cuộc cách mạng công nghệ, mặc dù bản thân công nghệ này khá đơn giản”, ông Fedorov chia sẻ với tờ Newsweek. Vì thế, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin vừa tuyên bố nước này có kế hoạch sản xuất 1 triệu chiếc FPV và hơn 11.000 chiếc UAV tấn công tầm trung và tầm xa vào năm tới.
Trong khi đó, Nga cũng đã đầu tư lớn vào UAV quân sự từ năm 2009. Tuy nhiên, UAV của Nga chủ yếu được dùng cho trinh sát và chiến tranh điện tử, trong khi UAV chiến đấu chỉ được nghiên cứu và phát triển từ năm 2022. Đó là lý do người ta thấy Nga thường sử dụng UAV có nguồn gốc từ Iran tại chiến trường Ukraine. Đến tháng 6-2023, Chính phủ Nga mới phê chuẩn “Chiến lược phát triển UAV đến năm 2030”.
|
TRÍ VĂN (Tổng hợp)