22/05/2023 - 20:28

Ukraine thắng lợi ngoại giao tại hội nghị G7 

MAI QUYÊN (Theo AP, DW)

Theo giới quan sát, chiến dịch “tấn công ngoại giao” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhật Bản coi như kết thúc thắng lợi, sau khi Kiev nhận được đảm bảo về các cam kết hỗ trợ kiên định từ Mỹ và đồng minh trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu trong cuộc họp với Tổng thống Zelensky. Ảnh: AP

Ngày 21-5, Tổng thống Zelensky họp với lãnh đạo Mỹ, Anh, Ý, Pháp, Ðức, Canada và Nhật Bản trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ðây là lần đầu tiên ông Zelensky đến châu Á, kể từ sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022. Theo chuyên gia Matthew Goodman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở ở Washington, sự xuất hiện trực tiếp của nhà lãnh đạo Ukraine tại Hiroshima nhấn mạnh tính chất trung tâm của cuộc chiến ở Ðông Âu đối với G7. Ðồng thời, đó cũng là áp lực buộc các nền dân chủ giàu có hỗ trợ nhiều hơn hoặc trực tiếp giải thích với Kiev tại sao họ chùn bước.

Nhìn chung, những lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh đã được đáp lại khi G7 cho biết tăng cường sức ép lên Nga thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới. Khối cũng cam kết tiếp tục viện trợ cho Kiev. Trước đó, Nhà Trắng công bố gói viện trợ trị giá 375 triệu USD bao gồm đạn dược cho bệ phóng tên lửa HIMARS, đạn pháo, tên lửa chống tăng có điều khiển và hệ thống ảnh nhiệt. Trong cuộc họp báo vào cuối hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn tán thành chương trình đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16, vốn được coi là nền móng cho việc chuyển giao tiêm kích này cho Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết Ottawa hỗ trợ Kiev lâu nhất có thể và duy trì hoạt động huấn luyện quân đội Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi chuyến đi của ông Zelensky tới Nhật Bản là “con đường dẫn tới hòa bình”, còn Thủ tướng Ðức Olaf Scholz thì nói rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng không chỉ đóng băng xung đột mà cần làm rõ thông điệp “Nga phải rút quân”.

Tầm quan trọng của Nam bán cầu

Theo các nhà quan sát, nhu cầu về nước cờ ngoại giao táo bạo của Tổng thống Zelensky ở Nhật Bản phản ánh những khó khăn trên chiến trường Ukraine, đặc biệt là tuyên bố của Nga đã nắm quyền kiểm soát thành phố Bakhmut. Tuy bác bỏ tin tức này, ông Zelensky thừa nhận khu vực chiến lược ở miền Ðông đã bị biến thành đống đổ nát và “không còn thứ gì” sau nhiều tháng giao tranh tàn khốc. Ðặt trong bối cảnh như vậy, các nhà phân tích cho biết chuyến thăm Hiroshima là cơ hội để ông Zelensky gửi thông điệp tới những người đứng đầu các quốc gia Nam bán cầu, vốn còn chần chừ và hoài nghi.

Một trong những nước miễn cưỡng là Ấn Ðộ. Tránh lên án Nga, New Delhi hơn một năm trở lại đây còn tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Mát-xcơ-va. Nhưng vài tuần trước, nhu cầu thu mua dầu và than giá rẻ từ Nga của Ấn Ðộ gặp trở ngại khi 2 bên dừng các nỗ lực thiết lập cơ chế trao đổi thương mại song phương bằng đồng rupee của Ấn Ðộ. Và tại cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G7, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi đã cam kết với Tổng thống Zelensky rằng New Delhi “sẽ làm mọi thứ” có thể để giúp chấm dứt xung đột vì chiến tranh là “vấn đề của nhân loại”.

Theo nhà khoa học chính trị Ian Chong từ Ðại học Quốc gia Singapore, việc ông Modi sẵn sàng gặp Tổng thống Ukraine cho thấy Ấn Ðộ có thể đang suy nghĩ lại về cuộc xung đột đang diễn ra. Còn với ông Zelensky, cơ hội gặp trực tiếp Thủ tướng Modi có thể mở ra lựa chọn quốc gia Nam Á làm cầu nối trong đàm phán với Nga, qua đó nhắc nhở Trung Quốc rằng họ không phải là “lựa chọn duy nhất trên bàn”.

Nga - Trung nổi giận

Trước các cam kết của G7 đối với Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích toàn bộ hội nghị thượng đỉnh ở Nhật là “chương trình tuyên truyền” với thông điệp chống Nga là chủ yếu. Ðại sứ Nga ở Mỹ Anatoly Antonov thì lưu ý, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ đặt câu hỏi về sự can dự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đối với xung đột Ðông Âu. Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo các nước phương Tây sẽ gặp “rủi ro lớn” nếu cung cấp F-16 cho Kiev.

Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Ðông đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối cái gọi là nỗ lực cường điệu nhằm “bôi nhọ và tấn công” Bắc Kinh tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ðáp lại, Ðại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi phản bác rằng việc G7 đề cập đến các vấn đề cùng quan tâm là điều “tự nhiên” và khẳng định khối sẽ tiếp tục như vậy chừng nào Trung Quốc không thay đổi hành vi. Trước đó, các nguyên thủ quốc gia G7 bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, đồng thời kêu gọi các giải pháp hòa bình cho căng thẳng gia tăng trên eo biển Ðài Loan.

Chia sẻ bài viết