08/12/2021 - 10:01

Ukraine phủ bóng thượng đỉnh Mỹ - Nga 

Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 7-12 trong bối cảnh căng thẳng liên quan tình hình Ukraine đang gia tăng.

Theo Hãng thông tấn TASS, cuộc gọi video giữa hai lãnh đạo Mỹ, Nga diễn ra lúc 18h Mát-xcơ-va (22h Hà Nội). Nội dung trao đổi bao gồm việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Ðông nhằm “nắn gân” Nga và sáng kiến của Tổng thống Putin về đảm bảo an ninh lâu dài. Lãnh đạo hai nước cũng bàn về những tiến triển quanh các thỏa thuận mà đôi bên đã đạt được trong lần gặp mặt trực tiếp tại Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, trọng tâm thảo luận là căng thẳng liên quan tình hình Ukraine.

Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Biden gặp mặt trực tiếp lần đầu hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, Tổng thống Biden nói rõ với ông Putin rằng Mỹ sẽ không loại trừ việc kết nạp Ukraine làm thành viên NATO trong tương lai, vấn đề mà nhà lãnh đạo Nga từng mạnh mẽ cảnh báo khối quân sự này.

Quan điểm của Tổng thống Putin là muốn có được sự đảm bảo rằng NATO sẽ không tiếp tục mở rộng về phía Ðông cũng như cam kết không triển khai các loại vũ khí hiện có tới những quốc gia gần biên giới với Nga, bao gồm Ukraine. Chủ nhân Ðiện Kremlin nhấn mạnh đây là “lằn ranh đỏ” với Nga và nếu NATO vượt qua, Mát-xcơ-va sẽ hành động. Thế nhưng ông Biden gần đây khẳng định sẽ không chấp nhận “lằn ranh đỏ” của bất kỳ ai và sẽ khiến Nga gặp khó khăn nếu muốn tấn công Ukraine.

Mỹ sẽ động thủ nếu…

Vài giờ trước thềm hội nghị thượng đỉnh, một quan chức cấp cao của chính quyền Washington khẳng định Mỹ sẽ kéo quân đến Ðông Âu trong trường hợp Nga có hành động quân sự chống Ukraine. Có điều là Tổng thống Biden không đưa ra lời đe dọa về khả năng Mỹ sẽ phản ứng quân sự trực tiếp nếu Nga tấn công Ukraine. Thay vào đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phối hợp các biện pháp cấm vận kinh tế, đủ sức gây ra “tổn hại kinh tế nặng nề” lên Nga. Theo Reuters, giới chức Mỹ đang cân nhắc hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga nhằm ngăn cản nước này thực hiện cuộc tấn công vào Ukraine, bao gồm cấm vận nhóm thân cận nhất của Tổng thống Putin và những ngân hàng lớn nhất của Mát-xcơ-va. Nhà Trắng từng cảnh báo Mát-xcơ-va sẽ phải chịu “hậu quả nghiêm trọng”, ngụ ý về những lệnh trừng phạt sẽ cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, nếu nước này theo đuổi hành động quân sự chống lại Ukraine.

Nga được cho là đang tập trung khoảng 100.000 binh sĩ và nhiều khí tài hạng nặng trong phạm vi có thể nhanh chóng tiếp cận biên giới Ukraine. Tình báo Mỹ dự đoán Nga có thể lên kế hoạch tấn công quốc gia láng giềng vào đầu năm sau với 175.000 quân tham gia. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ khả năng phát động cuộc tấn công như thế, đồng thời tố Mỹ và NATO gây căng thẳng với những cáo buộc vô căn cứ.

Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, cuộc điện đàm là cơ hội để Mỹ đề cập những nguy cơ từ Nga. Bà cũng cho biết Washington muốn ổn định quan hệ với Mát-xcơ-va và không tìm kiếm leo thang đối đầu. Thượng đỉnh trực tuyến diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Nga ở mức thấp chưa từng có, mà theo mô tả của Ðiện Kremlin hôm 6-12 là đang trong tình trạng “khá đáng tiếc”. Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai cường quốc này trải qua nhiều sóng gió liên quan hàng loạt vấn đề như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, tấn công mạng, trục xuất nhân viên đại sứ quán và nay là vấn đề Ukraine.

LHQ thông qua nghị quyết của Nga và Mỹ về tội phạm mạng

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 6-12 đã thông qua nghị quyết do Nga và Mỹ cùng đề xuất, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải ngăn chặn tình trạng sử dụng các nguồn thông tin và công nghệ cho các mục đích tội phạm và khủng bố.
Các vụ tấn công mạng bằng mã độc đòi tiền chuộc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng tới 151% so với năm 2020 và tin tặc ngày càng trở nên táo tợn hơn, theo Cơ quan an ninh viễn thông (CSE).

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết