26/10/2021 - 07:37

Ukraine, Gruzia khó gia nhập NATO 

Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cân nhắc mở rộng liên minh với hai thành viên mới Ukraine cùng Gruzia có thể kích hoạt cuộc chiến lớn ở khu vực mà Mỹ không đủ khả năng hỗ trợ, giới phân tích đánh giá.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ Austin. Ảnh: Getty Images

Theo các nhà quan sát, Ukraine và Gruzia nhận được sự ủng hộ của NATO khi có nhiều điểm chung với các quốc gia thành viên, đặc biệt mối quan hệ cạnh tranh với nước láng giềng Nga. Cả hai cũng đang nỗ lực gia nhập liên minh với hy vọng giành được sự bảo vệ trước cái gọi là “hành vi xâm lược” từ Mát-xcơ-va.

Trong chuyến thăm châu Âu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cánh cửa gia nhập liên minh vẫn rộng mở với Kiev và Tbilisi, rằng không quốc gia thứ 3 nào có quyền phủ quyết đối với các quyết định thành viên của NATO.

Trái với tuyên bố trấn an này của Mỹ, giới chuyên môn cho rằng nhiều quốc gia trong khối quân sự phương Tây vẫn muốn Ukraine và Gruzia tiếp tục giữ vai trò đối tác mở rộng hơn là trở thành thành viên chính thức.

Theo chuyên gia nghiên cứu Sascha Glaeser, tiến trình gia nhập của hai nước Ðông Âu có thể là bước đi nguy hiểm, ảnh hưởng an ninh khu vực và không đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ. Trước đó, các nhà lãnh đạo NATO cũng lo ngại sau khi gia nhập liên minh, Ukraine hoặc Gruzia có thể sẽ bị Nga tấn công. Trong tình huống này, Ðiều 5 của Hiệp ước sẽ yêu cầu các đồng minh NATO can thiệp quân sự. Kịch bản trên có thể nhanh chóng leo thang đến cấp độ hạt nhân, châm ngòi cuộc chiến lớn hơn với hậu quả khó hình dung được.

Lằn ranh đỏ

Hồi năm 2008, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Romania) được ví như bước ngoặt quan trọng đối với an ninh châu Âu khi lãnh đạo các quốc gia NATO ra chỉ thị chính thức về lộ trình làm việc với Ukraine và Gruzia xung quanh kế hoạch hành động của các nước dự kiến được kết nạp. Ðáp lại, giới chức Nga tuyên bố việc gia nhập liên minh của một trong hai nước láng giềng sẽ vượt qua “giới hạn đỏ” và Mát-xcơ-va sẵn sàng sử dụng mọi khía cạnh sức mạnh bao gồm can thiệp quân sự để đảm bảo lợi ích dọc biên giới.

Cũng trong năm này, Nga tiến hành cuộc chiến kéo dài 5 ngày với Gruzia và thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Năm 2014, Ðiện Kremlin sáp nhập Crimea và hỗ trợ phe ly khai thân Nga ở miền Ðông Ukraine. Theo các nhà chuyên môn, Mát-xcơ-va đã thành công tạo ra vùng đệm ngăn cách biên giới Nga với các chính phủ được phương Tây hậu thuẫn. Ðến nay, nguy cơ đụng độ quân sự giữa các bên vẫn chưa được giải quyết và đây được coi là “rào cản hiệu quả” giúp Nga chống lại khả năng NATO mở rộng sang phía Ðông.

Về phía Mỹ, các nhà phân tích cho rằng bình luận của Bộ trưởng Austin ít nhiều cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ không chấp nhận thực tế địa chính trị của Ðông Âu. Kể từ thời Tổng thống George W. Bush, Washington đã ủng hộ việc kết nạp 3 quốc gia vùng Balkan là Albania, Croatia và Macedonia, cũng như Ukraine và Gruzia làm thành viên mới của NATO. Nhưng sự ủng hộ của ông Bush vấp phải sự phản đối từ Ðức, Pháp và một số đồng minh Tây Âu khác do lo ngại làm mất cân bằng mối quan hệ giữa NATO với Nga, ảnh hưởng sự ổn định của an ninh châu Âu.

Mặc dù NATO coi trọng vai trò của Ukraine và Gruzia trong chiến lược tăng cường hiện diện ở khu vực Biển Ðen, nhưng việc hai nước này gia nhập liên minh có thể đẩy các bên liên quan vào cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Ngoài sự phản đối quyết liệt từ Nga, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có không ít lý do để trì hoãn ủng hộ tư cách thành viên NATO của hai nước Ðông Âu. Ðặc biệt giữa thời điểm Mỹ chuyển trọng tâm sang mối đe dọa chiến lược lớn hơn từ Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ khôn ngoan hơn khi tìm kiếm sự hòa hoãn thay vì đối đầu không cần thiết với Nga.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết