29/05/2019 - 14:29

Úc kẹt giữa hai ‘’ông lớn” 

Giữa đồng minh quân sự quan trọng và đối tác thương mại hàng đầu, giới phân tích cho rằng Úc đang lâm vào thế kẹt giữa hai “gã khổng lồ” trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung Quốc ngày càng rõ hơn bao giờ hết.

Quân đội Mỹ đổ bộ tại bãi biển của Úc. Ảnh: Marine Rotational Force Darwin

Theo John Coyne thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, vấn đề cảng Darwin chính là minh họa điển hình cho thế khó xử của chính quyền Canberra. Khu vực này nằm ở cực Bắc nước Úc, gần Indonesia và không xa Trung Quốc. Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Darwin trở thành điểm trung chuyển quan trọng của hải quân Mỹ cho các cuộc hành quân ở Thái Bình Dương. Vùng địa đầu nước Úc ngày này vẫn chào đón quân đội Mỹ, với sự luân chuyển của khoảng 2.500 lính thủy quân lục chiến như một phần kế hoạch của Washington tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương. Vấn đề ở chỗ Canberra năm 2015 đã cho công ty Trung Quốc Landbridge thuê cảng Darwin nằm cách khu quân sự vài km với thời hạn 99 năm. Landbridge vốn bị cho có quan hệ mật thiết với chính quyền Bắc Kinh nên nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể thuê cảng chiến lược Darwin để do thám hoạt động quân sự của Úc và Mỹ. Washington dưới thời Tổng thống Barack Obama đã tức giận vì Canberra không thảo luận trước chuyện này.

Theo ông Coyne, sự hiện diện của quân đội Mỹ và mục tiêu thúc đẩy kinh tế, phát triển cộng đồng vùng lãnh thổ miền Bắc đều là vấn đề quan trọng đối với quốc gia Nam bán cầu. Trong bối cảnh an ninh, chính trị thế giới tiếp tục xoay quanh trục quan hệ Mỹ-Nga còn kinh tế và thương mại xoay quanh trục Mỹ-Trung Quốc, ông Coyne cho rằng Úc có thể không tránh khỏi cuộc cạnh tranh vị thế siêu cường giữa các nước lớn. Tuy nhiên, cựu Giám đốc tình báo chiến lược của lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc thừa nhận Canberra không còn nắm giữ lợi thế về công nghệ vũ khí so với khu vực. Do đó, để tránh bị cuốn vào trường đấu Mỹ-Trung, Úc chỉ có thể nỗ lực cân bằng giữa ưu tiên chính trị-quân sự và chiến lược với Mỹ và một bên là quan hệ đối tác kinh tế quan trọng với Trung Quốc.

Đồng ý quan điểm này, nhưng Alexey Muraviev tại Đại học Curtin (Úc) cho rằng Canberra và Washington mặt khác có cùng mối quan ngại đối với hành vi hiện tại của Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng quyền lực chính trị-ngoại giao trên toàn khu vực. Quan trọng hơn nữa là mục đích và toan tính của cường quốc châu Á trên con đường giành lấy vị thế siêu cường toàn cầu trong tương lai gần. Vì lẽ này, Tiến sĩ Muraviev cho rằng Úc sớm hay muộn sẽ phải xác định tương lai chiến lược quốc gia một khi đối tác thương mại chính (Trung Quốc) trở thành đối thủ đáng ngại nhất của đồng minh chủ chốt (Mỹ). Trong đó, Úc tuy tin tưởng “ô bảo hộ hạt nhân” của đối tác an ninh, nhưng chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra ngờ vực khiến Canberra cân nhắc giữa lợi ích, trách nhiệm và rủi ro. Đứng trước cục diện hiện nay, ABC News cho biết Chính phủ Úc đã nhất trí thực hiện cam kết lưỡng đảng tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP như “chính sách bảo hiểm” giữa thời kỳ có nhiều bất định về chiến lược. Mặt khác, Canberra cũng đang có dấu hiệu xoay trục về châu Âu trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích an ninh chung khi nhiệm vụ ngoại giao ngày càng phức tạp.

Với lịch công du dày đặc của dàn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể đang tăng cường tìm kiếm hỗ trợ từ các quốc gia khu vực bao gồm Nga cho đến các nước Trung Á khi cạnh tranh địa chiến lược với Mỹ tiếp tục nóng lên. Ngoài cuộc chiến thương mại, Mỹ-Trung còn “đấu” trên nhiều mặt trận như công nghệ, Biển Đông và Bắc Cực. Theo các nhà phân tích, Nga-Trung có thể không có thêm động thái trả đũa thuế quan hoặc công nghệ làm trầm trọng thêm căng thẳng với Washington, nhưng sẽ có rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước gây tổn hại lợi ích của Mỹ trong ngắn hạn, thậm chí về lâu dài.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết