16/06/2024 - 08:59

Tỷ lệ sinh giảm, nhiều trường học ở Ðài Loan phải đóng cửa 

Các nhà nhân khẩu học và giới chức ở Đài Loan (Trung Quốc) lo ngại khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra, khi dân số già ngày càng tăng còn người làm việc và nộp thuế để hỗ trợ họ thì có chiều hướng giảm. Nguy cơ đó hiển hiện rõ với việc hàng loạt trường học ở đảo này gần đây phải đóng cửa vì không có người học.

Trường trung học Chung Hsing hoang phế sau một thời gian đóng cửa vì thiếu học sinh. Ảnh: Guardian

Trường trung học tư thục Chung Hsing, nằm ở trung tâm Đài Bắc, đã đóng cửa vào năm 2019, sau khi không thể cân đối tài chính do tuyển không đủ học sinh. Đây là “nạn nhân” điển hình của một thực trạng đang lan rộng khắp các cơ sở giáo dục của Đài Loan: tỷ lệ sinh liên tục giảm khiến các lớp học luôn thiếu vắng học sinh.

Giống như phần lớn các nước Đông Á khác, vùng lãnh thổ Đài Loan đang nỗ lực đạt được “tỷ lệ sinh thay thế” cần thiết để duy trì dân số ổn định, đó là mỗi phụ nữ sinh trung bình 2,1 con trong đời. Tuy nhiên, Đài Loan chưa đạt được con số đó kể từ giữa những năm 1980. Năm 2023, tỷ lệ sinh ở đảo này giảm chỉ còn 0,865 trẻ/phụ nữ.

Cô Lai, sống ở thành phố Đài Bắc và có con 22 tháng tuổi, cho biết: “Chi phí chăm sóc trẻ hiện nay rất cao, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Thật khó để sinh con thứ hai nếu không tăng lương và giảm giờ làm việc”. Do vậy, cô chỉ muốn tập trung vào chất lượng cuộc sống của bản thân và đứa trẻ. “Xét về việc phân bổ thu nhập và thời gian, chúng tôi khó có thể duy trì cuộc sống đầy đủ hiện nay nếu có con thứ hai” - Lai nói thêm về lý do không muốn sinh thêm con.

Tác động của việc thu hẹp tỷ lệ sinh đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh tại các trường phổ thông và đại học. Từ năm 2011 đến 2021, số học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở đảo này đã giảm từ 2,3 triệu xuống dưới 1,8 triệu.

Giống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhà chức trách ở Đài Loan đã thử nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và thay đổi quy định để khuyến khích người dân sinh thêm con. Tuy nhiên, định kiến phụ nữ phải gánh vác việc nhà và con cái, cùng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và khó cân bằng giữa sự nghiệp với gia đình là những lý do khiến người ta không muốn sinh con.

Theo báo Guardian, mức lương ở Đài Loan tương đối thấp và nhà ở thành phố thì đắt đỏ. Năm 2024, Đài Bắc được coi là thành phố có giá cả đắt đỏ thứ hai trên thế giới, sau Hong Kong (Trung Quốc), khi so sánh giá nhà với mức thu nhập trung bình.

Tin tức báo chí cho thấy các trường tư thục chịu tác động đầu tiên, với hàng chục trường đã phải đóng cửa vì thiếu học sinh. Tờ Taipei Times hồi tháng 3 đưa tin danh sách các trường cần nhà nước “hỗ trợ đặc biệt” bao gồm 13 trường trung học tư thục và trường dạy nghề có nguy cơ đóng cửa vào đầu năm tới. Ở bậc học cao hơn, Bộ giáo dục nói với Guardian rằng từ năm 2014 đến nay đã có 15 trường cao đẳng và đại học đóng cửa. Tuần trước, có thông tin tiết lộ 4 trong số 103 trường đại học tư thục của Đài Loan đã được lệnh đóng cửa, vì mất cân đối tài chính. Wu Chun-chung, chủ tịch Liên minh các nhà giáo dục tư thục, dự đoán ​​sẽ có thêm 40-50 trường đại học tư thục đóng cửa vào năm 2028.

Theo ông Chou Ping, chủ tịch Liên minh Giáo dục Đại học Đài Loan, các trường đại học công lập chưa đối mặt với việc sắp đóng cửa nhưng những trường ở khu vực ngoại ô, đặc biệt là những trường có cấp bậc thấp hơn hoặc tập trung vào khối ngành xã hội-nhân văn hơn STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), có nguy cơ cao nhất.

Mặc dù số học sinh có xu hướng tiếp tục giảm, nhưng một số nhà giáo dục cho rằng đó không hẳn là điều tệ hại. Fu Jie-lin, giám đốc phụ trách học thuật tại trường tiểu học Jiafeng, cho rằng với ít học sinh hơn, môi trường giảng dạy của các trường sẽ trở nên tốt hơn và học sinh sẽ có nhiều không gian hơn. Quan điểm này được chia sẻ bởi Chou Ping. Để ổn định, vị chủ tịch Liên minh Giáo dục Đại học Đài Loan đề xuất các trường đại học tư thục đang gặp khó khăn nên được sáp nhập với các trường đại học công lập, thay vì bán cho các nhà phát triển bất động sản.

LÊ THƯ

Chia sẻ bài viết