20/10/2024 - 08:21

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

Tưởng nhớ người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên 

“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng…” - Anh hùng Lý Tự Trọng đã dõng dạc tuyên ngôn như thế trước phiên tòa đại hình do chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương mở, để xử đồng chí, một chiến sĩ cộng sản Việt Nam kiên trung chưa đầy 17 tuổi. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024), kính cẩn tưởng nhớ và tri ân người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên!

Tuổi trẻ thắp hương tại Khu lưu niệm Lý Tự Trọng. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Anh hùng Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ra tại Bản Mạy (Thái Lan), trong gia đình giàu truyền thống yêu nước; cha là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời kỳ này, để tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước (phần lớn từ miền Trung) từng nổi dậy theo cụ Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo cụ Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang Phục Hội để mưu việc “phục quốc”, buộc phải tìm đường vượt Trường Sơn, băng qua sông MeKong vừa để cuốc cày kiếm sống vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân nước bạn.

Lớn lên trong tinh thần và truyền thống yêu nước của gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi, Lê Hữu Trọng được đến trường, do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội mở, ở Bản Mạy. Tại đây, đồng chí được học lịch sử Việt Nam, văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái…

Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Giữa năm 1925, đồng chí Ngô Chính Quốc - thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lý Thụy (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) về việc lựa chọn một số con em của các gia đình Việt kiều yêu nước tại đây đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là 1 trong 8 thiếu niên được lựa chọn.

Đến Quảng Châu, cùng với các bạn, Lê Hữu Trọng đã thể hiện tinh thần cố gắng trong mọi việc học tập, sinh hoạt. Nhóm thiếu niên được đồng chí Vương (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam, và trực tiếp giáo dục, rèn luyện. Để đảm bảo hoạt động bí mật của nhóm, tất cả các thành viên trong nhóm đều được thay đổi sang họ Lý. Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng, sau đó được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trung học tại Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, qua một thời gian ngắn, đồng chí Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng có chuyển biến mới, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Đồng chí Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia tổ chức các cuộc mít tinh tại Sài Gòn, Hội nghị Công nhân Đông Dương, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Đồng chí Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Với bí danh Nguyễn Huy, đồng chí xin làm công nhân hãng than tại Sài Gòn.

Năm 1930, khi Trung ương Đảng về đóng trụ sở tại Sài Gòn, đồng chí Lý Tự Trọng được làm việc với đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của đồng chí vừa làm liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ với các cấp bộ đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho đồng chí nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

Ðường Lý Tự Trọng ở trung tâm nội ô Ninh Kiều, hướng về công viên Lưu Hữu Phước. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày 8-2-1931, nhân kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền với nội dung kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) lúc này phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy, được phân công làm Trưởng Ban tổ chức, đồng chí Lý Tự Trọng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi quần chúng xem đá bóng ở sân bóng C.I.A xong, vừa đổ ra đường, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết, bọn cảnh sát ập đến, tên mật thám Legrand nhảy vào bắt đồng chí Phan Bôi. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, đồng chí Lý Tự Trọng đã rút súng bắn tên mật thám Legrand gục xuống. Trước sự kiện chấn động đó, đồng chí đã bị thực dân Pháp ra sức truy lùng và bắt sống. Chúng đưa đồng chí đi, tra tấn và giam giữ lần lượt tại hai nơi là bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì, đồng chí Lý Tự Trọng chỉ nói tên là Nguyễn Huy.

Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi. Tại phiên tòa, đồng chí Lý Tự Trọng đã dõng dạc: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng…”. Đồng chí Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình.

Tối 20-11-1931, bọn cai ngục lặng lẽ đưa máy chém đến để xử tử đồng chí. Bình tĩnh, ung dung bước đi, đồng chí Lý Tự Trọng hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”… Tù nhân trong các nhà giam đồng loạt hô theo. Lát sau, từ cổng Khám lớn Sài Gòn vẳng lại: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, vùng lên...”. Đó là lời chào của Lý Tự Trọng gửi lại đồng bào, đồng chí…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” và Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng sẽ diễn ra lúc 19 giờ, ngày 20-10, tại Khu lưu niệm Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Chương trình nghệ thuật dự kiến gồm 3 chương: “Tuổi nhỏ hoài bão lớn”, “Đường cách mạng” và “Sáng mãi tên anh”. Nội dung nói về thân thế, cuộc đời và tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng, của thanh niên Việt Nam.

Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Lý Tự Trọng trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tinh thần cách mạng, lý tưởng kiên định và sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lý Tự Trọng sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Đó là hình mẫu người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Đó là người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên trung, là tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu, kiên trung với con đường cách mạng.

Mộ phần của Anh hùng Liệt sĩ Lý Tự Trọng được xây năm 2011, hiện tọa lạc trong Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng ở xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cách TP Hà Tĩnh không xa, trên đường đến Di tích Ngã Ba Đồng Lộc. Để tưởng nhớ và tri ân người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, Trung ương Đoàn thành lập Giải thưởng Lý Tự Trọng, là phần thưởng cao quý dành tặng các bí thư chi đoàn, phó bí thư, bí thư Đoàn cấp cơ sở, cán bộ Đoàn trực tiếp làm công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi ở cấp huyện có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác.

Nhiều tuyến đường, ngôi trường, công trình công cộng trong cả nước vinh dự mang tên Lý Tự Trọng. Tại TP Cần Thơ, Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng là ngôi trường có bề dày thành tích, là lá cờ đầu của ngành Giáo dục thành phố. Đường Lý Tự Trọng là tuyến đường xanh, sạch, đẹp, nằm ở vị trí trung tâm của nội ô Ninh Kiều.

-------------------

(Bài viết sử dụng tư liệu Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành)

PV

 

Chia sẻ bài viết