* Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng
Sáng 24-11, Quốc hội làm việc tại tổ góp ý kiến vào Dự thảo Luật Người khuyết tật.
Đa số đại biểu đồng tình với việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, từng bước luật pháp hóa các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và các chính sách liên quan đến người khuyết tật, tạo môi trường pháp lý, điều kiện và cơ hội bình đẳng và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần; đồng thời khẳng định mọi thành viên, bao gồm cả người khuyết tật đều được Nhà nước bảo đảm quyền công dân như nhau và đều được hưởng các thành quả chung của sự phát triển xã hội. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Lê Thị Mai (Hải Phòng) cho rằng Dự thảo Luật đã thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, bản chất tốt đẹp của Nhà nước, của dân tộc Việt Nam. Dự thảo Luật đã có cái nhìn bao quát, toàn diện đến người khuyết tật, quan tâm đến người khuyết tật ở góc độ quyền con người. Các đại biểu đề nghị việc xây dựng Luật phải bảo đảm xóa bỏ được mặc cảm của xã hội và đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật...
Cho ý kiến vào nội dung phân hạng và phân dạng khuyết tật, đại biểu Lê Văn Cuông và một số đại biểu cho rằng, công tác phân hạng đánh giá rất quan trọng, qua đó giúp cơ quan chức năng nắm tình hình người khuyết tật để có chính sách hỗ trợ kịp thời, sát thực tế. Tuy nhiên, đại biểu Cuông cũng đề nghị cần làm chặt chẽ công tác này để tránh tình trạng lợi dụng chính sách trục lợi cá nhân gây bất bình trong nhân dân.
Cho ý kiến vào nội dung “Doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật làm việc được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật”, các đại biểu cho rằng không nên quy định bắt buộc vào trong Luật bởi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thường làm theo dây chuyền, người khuyết tật có đủ năng lực, đáp ứng hay không? Việc nhận lao động là người khuyết tật còn phụ thuộc vào điều kiện của doanh nghiệp. Một số đại biểu đề nghị mở rộng các hình thức hỗ trợ người khuyết tật, mang tính chất tự nguyện, tự giác chứ không nên làm khó cho doanh nghiệp và cho rằng thực tế hiện nay việc tuyển người khuyết tật đủ điều kiện vào làm việc ở các doanh nghiệp rất khó khăn; lao động là người khuyết tật thường hay đau ốm, có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên các đơn vị, doanh nghiệp còn ngần ngại. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp giải quyết khó khăn khi nhận lao động là người khuyết tật. Những cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng một tỷ lệ nhất định lao động là người khuyết tật cần có chính sách khuyến khích về thuế, tín dụng... với tỷ lệ tương ứng để động viên, khuyến khích doanh nghiệp. Đại biểu Lê Hồng Sơn (Thanh Hóa) đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cơ quan Nhà nước, tổ chức hành chính, sự nghiệp sắp xếp nhận người khuyết tật vào làm việc, không nên chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp trong khi đó cơ quan hành chính, sự nghiệp là các đơn vị có điều kiện nhận người khuyết tật nhiều nhất...
Các đại biểu cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng bởi thực tế hiện nay số lượng các công trình công cộng bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật còn rất ít, nhất là việc tiếp cận các công trình giao thông, cơ quan hành chính nhà nước, bệnh viện, trường học... Luật cần quy định việc đi lại trong thành phố, hay các công trình công cộng, các phương tiện giao thông công cộng phải thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận, các công trình công cộng sử dụng ngân sách nhà nước khi sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới phải tuân thủ quy chuẩn tiếp cận cho người khuyết tật và cho cả người già, người có con nhỏ hay người bệnh. Đối với các công trình khác, Nhà nước khuyến khích thực hiện các quy chuẩn phù hợp để người khuyết tật có thể tiếp cận được...
w Chiều 24-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Thảo luận về tên gọi của Dự án Luật, có ý kiến cho rằng tên gọi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự án Luật. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) và một vài ý kiến khác cho rằng sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ đương nhiên dẫn đến hiệu quả nên không cần tên gọi dài như Dự án mà chỉ cần lấy tên “Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm” là đủ.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) lại không tán thành vì cho rằng chưa chắc sử dụng tiết kiệm đã mang lại hiệu quả. Đại biểu không đồng tình với việc giải thích từ ngữ “năng lượng” trong dự án Luật dẫn đến tên gọi của Luật cũng không phù hợp. Theo đại biểu thì nên sử dụng tên “Luật sử dụng điện và nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả”. Một số ý kiến khác đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm cả lĩnh vực khai thác tài nguyên năng lượng, sản xuất năng lượng... Với phạm vi điều chỉnh như vậy thì nên đặt tên là Luật sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, các hoạt động như khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và sản xuất ra năng lượng (chủ yếu là điện) đã được điều chỉnh bởi các luật về khoáng sản, điện lực, dầu khí và năng lượng nguyên tử nên không điều chỉnh ở Luật này. Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng. Xung quanh lập luận này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) có quan điểm khác với Ban soạn thảo, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật cần phải bao hàm cả trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giai đoạn khai thác và sản xuất. Vì vậy, Luật phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.
Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) lại có cùng quan điểm với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng cần bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo; khuyến khích hoạt động điều tra cơ bản về tiềm năng năng lượng tái tạo; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo ở nước ta; bổ sung một số điều về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang) đánh giá phạm vi điều chỉnh thể hiện trong luật chưa rõ ràng; đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
BÍCH THỦY-QUỲNH HOA (TTXVN)