14/12/2007 - 21:01

Từ hội nghị Bali nhìn về Nghị định thư Kyoto (kỳ 2) 

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu và sự ra đời của Nghị định thư Kyoto

Kỳ 2: Sôi động thị trường mua bán hạn ngạch khí thải

Nhằm giúp các nước thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải, Nghị định thư Kyoto lập ra 3 cơ chế linh hoạt, gồm Cơ chế mua bán quyền phát thải, Cơ chế đồng thực hiện và Cơ chế phát triển sạch (CDM). Trong đó, CDM là cơ chế có liên quan nhiều đến các nước đang phát triển. Bản chất của CDM là cắt giảm khí thải ở những nơi có chi phí thấp sao cho tổng lượng khí thải toàn cầu giảm hoặc không tăng. Do đó, thay vì đổi mới hoặc cải tiến công nghệ với kinh phí rất cao, các nước phát triển chỉ cần đầu tư tài chính và chuyển giao công nghệ cho các dự án môi trường và phát triển năng lượng sạch ở những nước đang phát triển. Chẳng hạn như Nhật dự kiến sẽ mua 30.000 tấn khí CO2/năm trong hạn ngạch khí thải của Indonesia cho đến năm 2012, từ 5 dự án thủy điện sẽ bắt đầu đưa vào hoạt động trong năm 2008 ở các tỉnh Trung Java, Tây Java và Nam Sulawesi. Việt Nam hiện là một trong 10 nước được đánh giá có tiềm năng về CDM với nhiều dự án được đăng ký.

 

Khí thải từ một nhà máy ở Trung Quốc. 

Từ việc phân bổ lượng khí CO2 cho các nước, thị trường mua bán hạn ngạch CO2 dần hình thành và ngày càng “ăn nên làm ra”, mang lại nguồn lợi cho các nước đang phát triển, nơi có mức độ thải CO2 thấp hơn mức được phân bổ. Dù ngành kinh doanh này còn khá mới mẻ nhưng theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), giao dịch trên thị trường CO2 năm 2006 lên tới trên 25 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2005. Thị trường hiện đang “nóng” và dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. Ví dụ như Nhật vừa ký bản ghi nhớ mua 10 triệu tấn hạn ngạch khí thải của Hungary trong một thương vụ trị giá gần 200 triệu USD. Ngoài ra, Tokyo còn dự định mua hạn ngạch của một số quốc gia Trung và Đông Âu khác. Trong khi đó, sau vụ mua bán với Nhật, Hungary vẫn còn 10 triệu tấn hạn mức CO2 không xài hết và đang tìm cách “sang tên” cho các nước có nhu cầu.

Thị trường sôi động khiến giá CO2 chuyển nhượng liên tục leo thang. Tại châu Âu, giá 1 tấn CO2 đã tăng từ 5 euro năm 2003 lên 8 euro năm 2005 và dự báo sẽ đạt 15 euro vào năm tới, khi giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto với những yêu cầu khắt khe hơn có hiệu lực.

Tuy nhiên, việc mua bán quota khí thải chỉ là giải pháp tình thế và thế giới cần một giải pháp căn cơ hơn. Theo Michael Oppenheimer, chuyên gia về môi trường và là thành viên Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các nước cần có hành động cụ thể, chẳng hạn đóng góp tài chính cho những công nghệ mới như tập hợp khí thải có hại và chôn nó xuống lòng đất; hay khởi động một nguồn quỹ toàn cầu để giúp các nước nghèo ngăn chặn nạn phá rừng, nguồn hấp thụ khí CO2. Ngoài ra, LHQ còn kêu gọi các nước cần có những chính sách cứng rắn để bảo vệ Trái đất, như sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và thiết lập thị trường CO2, một hệ thống bắt buộc các công ty phải trả tiền cho lượng khí thải họ tạo ra...

THỤY TRÚC
(Theo Reuters, CBS, AP, CESC, VNN)
(Còn tiếp)

THỤY TRÚC (Theo Reuters, CBS, AP, CESC, VNN)(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết