30/04/2019 - 07:31

Tự hào giai điệu tháng Tư! 

“Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng…”. Cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, ca khúc “Ðất nước trọn niềm vui” lại được hát vang khắp phố phường. Ðiệp điệp niềm vui, trùng trùng tự hào, mỗi giai điệu tháng Tư giúp mỗi người thêm yêu non sông, đất nước mình hơn.

Thêm yêu Tổ quốc từ những giai điệu tự hào.

Ngày 30-4 của 44 năm về trước, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Triệu người dân Việt Nam như một, vui xiết bao, tự hào xiết bao cho ngày “Đất nước trọn niềm vui”. Trong tâm thế đó, các nhạc sĩ cũng cầm bút và viết nên những giai điệu lịch sử. Để rồi tháng Tư năm nào cũng vậy, những giai điệu “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”… lại được hát lên bằng cả niềm tự hào.

“Đất nước trọn niềm vui” được cố nhạc sĩ Hoàng Hà viết trong những ngày cuối tháng 4-1975 tại Hà Nội. Tin thắng trận vang dội, nghĩ đến ngày đất nước hòa bình, Bắc - Nam nối liền một dãy, nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết nên những giai điệu và ca từ đẹp như thế. NSND Trung Kiên là người được chọn hát bài này đầu tiên, phát trên Đài Phát thanh Giải phóng vào ngày 1-5-1975. 44 năm qua, những câu hát như “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rực cờ tung bay, rộn ràng và mê say…” được triệu người Việt Nam thuộc nằm lòng, ai cũng có thể hát vang.

Còn với nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong ngày vui đại thắng, ông lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ra đời trong tâm tình như thế. Ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết trong đêm 28-4-1975 và được thu âm ngay trong chiều 30-4 lịch sử. Bản tin đặc biệt trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) lúc 17 giờ chiều cùng ngày, công bố miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã được phát lên. Những ca từ kết bài đơn giản: “Việt Nam! Hồ Chí Minh!” nhưng cứ ngân dài như bất tận, ngân lên trong niềm tự hào thiêng liêng của dân tộc.

Nhạc sĩ Dân Huyền nguyên là nhà báo lão thành, nguyên trưởng Phòng Dân ca và nhạc cổ truyền của VOV. Trong một bài hồi ký, ông kể lại thời điểm chiều 30-4-1975 lịch sử, ông có mặt trong phòng thu VOV và không khí ở đó thật sự nhộn nhịp. Các bài hát viết về sự kiện này được duyệt, tập hát và thu thanh luôn tại Phòng thu số 58 phố Quán Sứ - Hà Nội. Có thể kể những ca khúc tiêu biểu như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách - Đăng Trung), “Ta đã về Sài Gòn ơi” (Văn Dung), “Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng” (Lưu Cầu), “Việt Nam ngày đại thắng” (Vũ Thanh), “Giữa Sài Gòn giải phóng” (Hồ Bắc), “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” (Dân Huyền)… “Tôi vẫn không quên buổi chiều ấy mà mỗi khi nghĩ đến lại “vui sao nước mắt lại trào”, như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng”, nhạc sĩ Dân Huyền viết.

44 năm trôi qua, di sản của các nhạc sĩ dâng hiến cho đời vẫn tươi nguyên giá trị và lan truyền lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Những ca khúc ấy cất lên, mỗi người như được vun bồi tình yêu Tổ quốc, như lời nhắc nhở tuổi trẻ sống sao cho xứng đáng với thành quả giữ nước của ông cha.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết