20/05/2017 - 14:34

Truyện ngắn Ngày mai

-Cô ơi, sao cô không dạy học ở thành phố mà về đây vậy?

- Vì học trò ở đây ngoan, hiền, dễ thương. Vì trường này gần nhà cô.

Hiền vuốt nhẹ mái tóc nhỏ Hoa và khẽ trả lời. Ba năm trước Hiền được về đây dạy học vì cô là người của địa phương và thầy giáo dạy văn tại trường trung học cơ sở này vừa tới tuổi hưu.

- Hồi đó học ở đây, cô có được thầy cô thương như chúng em không?

- Có chớ…

***

Ngay chỗ này, trước đây là một bãi bồi được vợ chồng ông Tám lên liếp trồng mía, chạy ra tận mép sông. Từ tháng giêng, nước sông bắt đầu cạn, dòng sông như hẹp lại cho bãi bồi vươn ra và người ta đào cái rãnh cạn để đặt hom mía xuống.

Đất phù sa bờ bãi giúp cho thân mía mập mạp và nhanh chóng ngả màu nâu sậm. Đến lúc cây mía cao quá đầu người, mưa già, nước dâng. Tháng năm, tháng sáu âm lịch mía bắt đầu ngọt… Khi nước lũ dâng cao, ngập gốc mía, người ta nhổ lên, bó thành chục mười hai cây có cả gốc rể và ngọn còn lá, giao cho thương lái.

Một hôm, sau giờ ra chơi vào lớp, ngồi vào bàn, Hiền thấy trong hộc bàn lú ra đầu mấy khúc mía lưa tưa…

Một mảnh giấy từ phía sau được Dũng chuyền đến bàn của Hiền: Tặng Hiền, bảo đảm ngọt. Khi chuyển tiết, Hiền không được biết vị ngọt của mía mà là nỗi lo sợ, khi ông Tám méc thầy cô chuyện Dũng bẻ trộm mía, khiến Hiền- kẻ được tặng cũng bị liên lụy. Nhưng các thầy cô chỉ cười hiền, khuyên giải ông Tám, nhắc nhở Dũng bớt nghịch ngợm và xoa đầu Hiền, trấn an nỗi lo sợ của cô học trò nhỏ.

***

- Cô ơi, trường mình có bờ kè này đẹp thiệt. Anh em bà con của em ở dưới xã tới chơi, khen nức nở. Trường xã cất ven con đường cặp bờ sông, bị sạt lở, phải cất tạm chỗ khác mới an tâm đó cô.

- Nơi này ngày xưa là bãi bồi, trồng toàn là mía, vì sạt lở nên nhà nước mới xây bờ kè bảo vệ cho cô trò mình ngồi đây.

-Bãi bồi có gì hay không cô?

Nghe học trò hỏi, hình ảnh ngày xưa ùa về trong Hiền. Hồi đó, địa phương cho phép trường lấy đất bãi bồi đắp sân trường vì tin rằng một hai năm sau phù sa bồi lắng, bãi bồi sẽ y như cũ. Thầy trò cùng nhau vít đất vào bao tải, khiêng lên đắp cao sân trường để khi lũ về không bị ngập nước. Đang làm, Dũng nắm lấy bàn tay của Hiền kéo ra mép nước, bước ra xa đến mức nước ngập cả đầu gối. "Hiền ra đây, mình chỉ cho cái này, hay lắm!". Hiền ngượng ngùng, dùng dằng vì thấy các bạn nhìn theo hai đứa xì xào. Dũng khom người thò tay xuống nước, rồi vốc lên cho Hiền coi mấy con hến khá to lẫn trong bùn. Lúc đó, Hiền cũng thò tay mò những con hến to cỡ ngón tay cái. Dũng tìm được rổ tre để cào hến… Tan buổi lao động, Dũng cùng Hiền mang cả rổ hến lên khu tập thể của các thầy cô.

Ký ức của Hiền trôi về dòng sông rộng lớn và mênh mông. Mùa hạn, từ tháng giêng đến hết tháng năm âm lịch, nước trong và ngày hai cử lớn ròng ngược xuôi hiền hòa. Mùa lũ, đám học trò sau giờ học bơi xuồng dọc bờ bãi hái bông điên điển. Điên điển mọc dại ven bờ sông, khi lũ tràn về thân cao hơn ba mét, trổ bông vàng hực. Dũng thì lại thường rủ Hiền bơi xuồng cùng đi hái trái cà na. Cặp xuồng vô gốc cây, Dũng trèo lên cành, rung mạnh để trái chín rơi xuống nổi trên mặt nước, Hiền vớt lên để vô rổ, chốc sau mang về cho cả lớp cùng xuýt xoa vị chua ngọt chát.

Hết cấp hai, nhà Dũng khá giả nên được cha mẹ thuê nhà, trọ học ở trường thị xã, còn Hiền học ở trường huyện. Bãi bồi vẫn còn đó với những luống mía nhưng hến thì ít đi vì người cào không phải lũ học trò, mà những người chuyên cào hến từ nơi xa đến. Dũng ít khi về nhà, có về tình cờ gặp Hiền ngoài đường cũng chỉ chào nhau bằng một nụ cười dần vơi bớt mừng vui, vồn vã.

Khi Hiền học trường sư phạm tỉnh, Dũng lại ngưng việc học để phụ tiếp gia đình kinh doanh. Lúc đó ba má Dũng đã sắm mấy chiếc xáng khai thác cát đáy sông và xe tải chuyên chở cát. Những chiếc xáng lù lù giữa dòng sông, như quái vật lì lợm thả vòi, ngoạm lấy lòng sông từng miếng một, băm nát và nuốt cát vô bụng, sau đó nhả vào những chiếc ghe tứ xứ neo bên cạnh. Ban ngày, họ khai thác đúng luồng lạch được cho phép, ban đêm xáng hút vượt qua chỗ khác… Dòng sông âm thầm chịu đựng, oằn mình đớn đau, dòng nước vào mùa lũ cuốn xoáy, móc vào bãi bờ trước khi chảy về hạ nguồn. Nhiều đoạn ven sông bị sạt lở. Ngay cổng trường cũng chực chờ rơi xuống sông. Nhà nước phải xây kè bảo vệ.

Đoạn ký ức buồn nhất là khi Dũng lấy vợ thị xã, gia đình cũng khai thác cát. Thỉnh thoảng Dũng lái xe ô tô về thăm quê, sẵn dịp gia hạn mấy hợp đồng khai thác cát đáy sông trên địa bàn huyện. Nhưng lần nào cũng khó khăn vì người dân ven sông thấy bãi bồi bị sạt lở, chính quyền lo ngại ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân. Dũng cam kết sẽ chỉ khai thác ở những nơi có nguồn cát và không sạt lở như chính quyền cho phép, nhưng qua nhiều lần bị kiểm tra đột xuất, công ty gia đình nhà Dũng liên tục vi phạm. Hiền nhớ như in nỗi buồn tột cùng khi bà con trong huyện kéo đến công ty nhà Dũng phản đối, chính quyền thì xử phạt nặng. Vậy mà Dũng còn cố chống chế, tuyên bố sẽ chuyển những chiếc xáng đến vùng khác, huyện này thất thu ráng chịu.

***

- Cô Hiền ơi, thầy Hùng nhờ tụi em chuyển lời cô lên phòng tin học chạy thử giáo án điện tử. Thầy đã sửa xong máy tính của cô rồi…

Tiếng học trò kéo Hiền về với thực tại. Thầy Hùng dạy toán và tin học, là thần tượng của học trò trường này. Thầy lúc nào cũng nhiệt tình, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, phụ đạo cho học trò hoàn cảnh khó khăn. Lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" cũng nhanh nhạy nhận ra thầy Hùng hay đặc biệt chăm sóc Hiền. Còn Hiền, chắc cũng đã đến lúc quên đi nỗi buồn xưa…

MAI BỬU MINH

Chia sẻ bài viết